Có thể kiện Vinastas vì đưa thông tin mập mờ về nước mắm nhiễm arsen

Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh) Thứ năm, ngày 20/10/2016 19:00 PM (GMT+7)
Từ kết luận của VINASTAS công bố, nếu chứng minh được các thiệt hại về uy tín và doanh thu, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước mắm truyền thống Việt Nam hoàn toàn có quyền yêu cầu VINASTAS bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Bình luận 0

img

Liên quan đến vụ việc Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) công bố cuộc khảo sát trên 150 mẫu nước mắm tại 19 tỉnh, thành phát hiện có đến 101 mẫu (chiếm 67,33% số nước mắm được khảo sát có hàm lượng thạch tín (arsen) tổng vượt ngưỡng cho phép chiều ngày 17.10 vừa qua, dưới góc độ pháp lý, có thể khẳng định, thông tin được công bố là thiếu căn cứ pháp luật, gây hoang mang dư luận và thiệt hại vô cùng nghiêm trọng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước mắm truyền thống Việt Nam.

img

Tại sao lại như vậy? Theo quy định của pháp luật Việt Nam, sản phẩm nước mắm do các nhà nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5107:2003, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 8-2:2011/BYT và Tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế CODEX STAN 302:2011.

Tại Khoản 3.7 Điều 3 Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5107:2003 áp dụng cho sản phẩm nước mắm được sản xuất từ cá và muối quy định rất rõ ràng:

“3.7. Dư lượng kim loại nặng trong nước mắm. Dư lượng tối đa của chì có trong nước mắm là 1mg/l”.

img

Rõ ràng, hàm lượng arsen không được quy định, sở dĩ vì sản phẩm nước mắm làm từ cá và muối (thường gọi là nước mắm truyền thống hay nước mắm độ đạm cao) thường có hàm lượng arsen cao bởi bản thân cá biển chứa tương đối nhiều arsen hữu cơ. Không chỉ riêng cá mà các loài thủy, hải sản hay các loài động vật khác, kể cả người đều chứa asen hữu cơ theo một cách rất tự nhiên và không gây độc hại. Chính vì thế, tiêu chuẩn của các nước trên thế giới đối với sản phẩm nước mắm làm từ cá chỉ quy định và giới hạn về độ đạm tổng, độ pH, độ mặn, histamin, độc tố sinh học biển.

Nhưng đó là arsen hữu cơ. Arsen vô cơ thì lại khác, là một chất kịch độc, là nguyên nhân dẫn đến ung thư và nhiều căn bệnh nguy hiểm khác. Chính bởi mức độ độc hại này mà Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm QCVN 8-2:2011/BYT đã quy định hàm lượng arsen (chỉ rõ là tính theo arsen vô cơ) ăn vào hàng tuần nên dưới mức 0,015mg/kg thể trọng.

Nước mắm công nghiệp trong vài năm trở lại đây đang chiếm lĩnh thị trường bằng yếu tố giá thành rẻ. Tuy nhiên, cần biết rằng, nước mắm công nghiệp có xuất phát điểm từ nước mắm truyền thống, sau đó pha loãng rồi thêm hàng ngàn các chất phụ gia để tạo màu, tạo sệt, tạo hương, tạo vị, chất bảo quản… Chính vì thế mà QCVN 8-2:2011/BYT đã quy định giới hạn arsen trong nước chấm (độ đạm dưới 10 độ) là 1mg/l.

Việc VINASTAS đưa ra khái niệm “arsen tổng” vượt ngưỡng cho phép chẳng qua chỉ là một “chiêu trò” đánh tráo khái niệm và gây nhầm lẫn, hoang mang cho người tiêu dùng. Như đã phân tích, nước mắm càng nguyên chất thì độ đạm và hàm lượng arsen hữu cơ càng cao. Nhưng yếu tố độc hại là arsen vô cơ thì chính đại diện đơn vị này sau đó cũng khẳng định trong các mẫu khảo sát đều đạt ngưỡng an toàn. Rõ ràng là việc tách biệt arsen vô cơ và arsen hữu cơ cũng như tác hại của mỗi loại như thế nào bản thân VINASTAS nắm rất rõ.

Nhưng như thế thì lại càng khó hiểu khi kết luận “Điều đáng chú ý là các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỷ lệ các mẫu có hàm lượng “arsen tổng” vượt ngưỡng quy định càng tăng, 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên có hàm lượng arsen vượt ngưỡng quy định” của Hội Khoa học kỹ thuật về tiêu chuẩn hoá chất lượng và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam (tên đầy đủ của VINASTAS) không hề mang một ý nghĩa khoa học hay truyền tải thông nào đó đến người tiêu dùng, thậm chí trái pháp luật.

Bởi lẽ “các mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên” theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5107:2003 được gọi là “nước mắm đặc biệt”. Như đã trình bày, theo quy định của pháp luật Việt Nam, nước mắm chỉ xét dư lượng kim loại nặng đối với chì, không hề xét với loại kim loại khác. Kết luận của VINASTAS “hàm lượng arsen tổng vượt ngưỡng quy định” là hoàn toàn không chính xác, không đúng sự thật.

Hành vi này của VINASTAS có thể bị xử phạt hành chính với mức tiền phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định 178/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, từ kết luận của VINASTAS công bố, nếu chứng minh được các thiệt hại về uy tín và doanh thu, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước mắm truyền thống Việt Nam hoàn toàn có quyền yêu cầu VINASTAS bồi thường thiệt hại theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng quy định tại Chương XXI Bộ luật Dân sự. Trong trường hợp VINASTAS không đồng ý bồi thường thì các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước mắm truyền thống có quyền khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật.

“Hành vi này của VINASTAS có thể bị xử phạt hành chính với mức tiền phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định 178/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm”.

                                 Luật sư Nguyễn Thế Truyền

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem