Có thuốc giải độc, vì sao 2 bệnh nhân ngộ độc botulinum không được sử dụng?
Có thuốc giải độc, vì sao 2 bệnh nhân ngộ độc botulinum không được sử dụng?
Bạch Dương
Thứ năm, ngày 25/05/2023 17:03 PM (GMT+7)
Dù Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đã được nhận 2 lọ thuốc giải độc botulinum vào đêm qua (24/5), nhưng hai trường hợp ngộ độc đang điều trị tại đây không kịp sử dụng.
Đêm qua, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 2 lọ thuốc giải độc botulinum do Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ. Tuy nhiên, theo nguồn tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, 2 bệnh nhân ngộ độc botulinum tại đây sẽ không được truyền thuốc giải.
Lý do là bệnh nhân đã quá thời gian chỉ định dùng thuốc giải độc. Hai người bệnh (18 tuổi và 26 tuổi) cầm cự hơn 10 ngày bằng thở máy trong tình trạng liệt cơ gần như hoàn toàn. Trong khi đó, người đàn ông 45 tuổi ngộ độc botulinum ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tử vong đêm qua.
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng đơn vị Chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, không phải cứ có thuốc giải độc BAT thì bệnh nhân sẽ được cứu. Hiệu quả cứu chữa phụ thuộc vào việc truyền thuốc đúng lúc, kịp thời và lượng độc tố bệnh nhân nhiễm phải.
Thời gian truyền thuốc tốt nhất là ngay khi bắt đầu có các triệu chứng của yếu liệt cơ. Thuốc sẽ giúp trung hòa chất độc.
Một trường hợp ngộ độc botulinum nếu sử dụng thuốc BAT sớm thì chỉ trong vòng 48 đến 72 tiếng là bệnh nhân có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt, và cũng không phải thở máy.
Hoặc nếu được dùng thuốc khi mới bắt đầu thở máy 1-2 ngày, tức rất sớm sau khi ngộ độc, trong khoảng thời gian trung bình từ 5 đến 7 ngày thì bệnh nhân có thể hồi phục và bỏ được máy thở, tập vật lý trị liệu để trở về với cuộc sống bình thường, sức khỏe ổn định trở lại.
Trường hợp không có thuốc giải độc BAT, bệnh nhân chỉ được điều trị hỗ trợ bằng cách nuôi dưỡng và thở máy. TS Hùng cho biết theo ghi nhận trên các y văn thế giới, những lần các bệnh nhân ngộ độc botulinum từ những năm 2020, nếu không có thuốc giải độc thì thời gian trung bình thở máy của bệnh nhân phải kéo dài từ 3 đến 6 tháng.
Việc thở máy để lại rất nhiều biến chứng như suy dinh dưỡng, liệt hoàn toàn, nhiễm trùng…
Những ngày qua, khi không có thuốc giải độc BAT, 2 trường hợp ngộ độc botulinum ở Bệnh viện Chợ Rẫy được điều trị cầm cự bằng thở máy.
Về tình hình sức khoẻ 3 bệnh nhi ngộ độc botulinum tại Bệnh viện Nhi đồng 2, một bé sức khoẻ ổn định, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới. Hai bé còn lại vẫn đang phải thở máy do bị liệt cơ hô hấp.
Theo Sở Y tế TP.HCM, việc thiếu thuốc hiếm đã xảy ra trong nhiều năm. Các loại thuốc hiếm được dùng trong tình huống đặc biệt, ít gặp, không có hiệu quả trong kinh doanh nên các công ty dược không nhập về. Do đó, khi xảy ra sự cố như ngộ độc botulinum, các bệnh viện trên cả nước đều khó khăn.
Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM tổng hợp nhu cầu thuốc hiếm của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của khu vực phía Nam. Danh mục này đã được gửi về Bộ Y tế, chờ các kế hoạch tiếp theo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.