Cổ tích đời thường: Khi tình yêu là đôi mắt

Chủ nhật, ngày 04/03/2012 14:23 PM (GMT+7)
Mấy chục năm ròng, họ lặng lẽ đi đi về về trong bóng tối và phải sống nhờ vào sự trợ giúp của những người thân sáng mắt. Chẳng ai ngờ có một ngày, chính họ lại trở thành nguồn sáng xanh mát của cuộc đời nhau. Nguồn sáng ấy - được nuôi dưỡng bởi một thứ nhiên liệu nhiệm màu mang tên "Tình yêu".
Bình luận 0

Anh cho em bình yên

Trần Thị Thu Trang sinh năm 1979 ở Hà Nội. Mới được vài tháng tuổi, cô bị “sởi chạy hậu” làm mù hai mắt. Từ đó, thế giới với cô chỉ là chiếc giường nhỏ, mọi sinh họat cá nhân đều do bố mẹ phục vụ tận nơi.

 img
Vợ chồng Thu Trang - Long Văn Vũ

Ở một nơi rất xa - Cao Bằng, chàng trai Long Văn Vũ không may cũng bị mù đôi mắt từ năm 3 tuổi. Lớn lên, chàng trai lặn lội xuống Hà Nội học nghề tẩm quất và làm việc cho một cơ sở ở Cầu Giấy.

Năm 2008, qua một người bạn, Trang lần đầu tiên giáp mặt Vũ. 4 mắt nhìn nhau mà chẳng ai thấy ai. Nhưng qua cách Vũ trò chuyện, Trang thầm “chấm cho chàng trai” điểm 10 ấn tượng.

Không “màu mè”, Vũ cho Trang cảm giác an toàn. Khi sáng mắt, người ta có thể “trông mặt mà bắt hình dong” đối phương. Nhưng với những người khiếm thị, linh cảm an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. “Trước khi gặp Vũ, mình luôn cảnh giác với người khác giới. Nếu không cẩn thận, mình có thể rơi vào nguy hiểm, bị lạm dụng mà không thể chống cự hay nhìn thấy mặt kẻ sàm sỡ để tố cáo”-Trang nói.

Sau cái lần đầu tiên đó, hai người tiếp tục gặp gỡ. Đúng như Trang nghĩ, Vũ luôn tỏ ra trân trọng Trang. Ngay cả khi chỉ có hai người bên nhau, từng cử chỉ của Vũ cũng rất chừng mực. Thương Vũ mới từ Cao Bằng xuống Hà Nội hãy còn lạ nước lạ cái, Trang quyết định tự bắt xe buýt đến nơi làm việc của Vũ để thăm anh gần như mỗi ngày. Có lần, mệt quá, Trang thiếp đi trên xe.

Khi tỉnh dậy thì xe buýt đã đi quá vài bến. Cô lại phải nhờ người dẫn qua đường để bắt chiếc xe khác quay trở lại. Quãng đường tình yêu từ nhà Trang đến nơi làm của Vũ chỉ dài khoảng 2 km, người thường chỉ mất dăm phút phóng xe, ấy mà có khi Trang đi mất hơn 1 tiếng đồng hồ.

Ta cho nhau một gia đình

Một ngày, Vũ ngỏ lời yêu Trang. Hồi đó, Trang đang học ngành tâm lý của trường ĐH KHXH và NV. Không như những cô gái đang yêu khác luôn có người yêu đưa đón, chưa một lần Trang được Vũ chờ đón ở cổng trường.

Hỏng hai mắt, Vũ chỉ có thể chăm sóc cô theo cách riêng như thường xuyên gọi điện cho Trang, hỏi thăm từng ly từng tý, từ việc cô về nhà chưa, ăn gì rồi, vui hay buồn… Thi thoảng, anh dắt cô đi chơi… như ai, cho dù “bãi đáp tình yêu” của họ chỉ là một vài quán nước quen gần nhà để tránh rủi ro cho cả hai.

Đám cưới của họ diễn ra cách đây 2 năm. Từ một cô gái sống khép kín, Trang học cách thích nghi để trở thành một người vợ đảm đang. Trang có thể nấu rất nhiều món cho Vũ ăn.

Thậm chí, nhiều người sáng mắt nếu không thường xuyên nấu ăn, có thể thua Trang về tài nội trợ. Trong căn nhà nhỏ ở Cầu Giấy, hai vợ chồng Trang thoăn thoắn “điều khiển” cuộc sống gia đình tự tin một cách đáng kinh ngạc. Những đồ đạc đơn sơ, chiếc ti vi cũ, tủ giường lỗi mốt nhưng kê xếp vô cùng ngăn nắp. Với người khiếm thị, để có thể sống tốt phải tuân thủ quy tắc chặt chẽ. Đó là đồ đạc ở đâu, dùng xong lại phải để đúng đó.

Công việc tẩm quất khiến Vũ thường xuyên không có nhà vào đêm tối. Khi Vũ về thì Trang lại đến giờ đi làm (Trang đi hát tại các CLB, trường học). Vì thế, cả hai vợ chồng rất quý những phút giây hiếm hoi bên nhau. Không thể đỡ đần nhiều cho vợ như những người chồng khỏe mạnh khác, Vũ chỉ biết tranh làm việc nhà với Trang một cách tối đa. Vũ cũng rất tâm lý và hết mực chiều vợ.

Sinh nhật, lễ, Tết…Vũ tự mình đi mua quà cho Trang, thường là những chiếc áo để cô diện khi đi hát. Chẳng hiểu Vũ chọn đồ ra sao và Trang cảm nhận kiểu cách chiếc áo bằng cách nào, chỉ biết cô luôn khen áo đẹp và hợp với “gu” thời trang của cô.

Cảm ơn tình yêu

Tổ ấm của Vũ và Trang giờ đây càng đong đầy hạnh phúc với sự ra đời của bé Bảo Ngọc-cái tên đã nói lên tất cả niềm vui và kỳ vọng của hai vợ chồng. 9 tháng mang thai là 9 tháng hai vợ chồng sống trong lo lắng.

Bên chồng và con, Trang chẳng còn gì mãn nguyện hơn ngoại trừ một điều ước. Giá như ngày nào đó, cô có thể nhìn thấy một chút ánh sáng, dù nhỏ nhoi thôi, để có thể lờ mờ nhìn thấy gương mặt những người thân yêu nhất trong cuộc đời mình.

Nhưng điều đó là không thể. Trang biết. “Không sao. Bởi bây giờ, tình yêu vẫn đang là đôi mắt của chúng mình…”.

Ngày bé chào đời, bà ngoại là người đầu tiên đón tay. Nghe bà thông báo, em bé lành lặn, không bị mù như bố mẹ, Trang mừng rơi nước mắt. Không muốn dựa vào bố mẹ quá nhiều, Trang và Vũ tự nuôi con trong bóng tối. Hai vợ chồng thích nhất cảm giác được ôm và hôn con vào má, để có thể hít sâu mùi mồ hôi của con, để cảm nhận qua da gương mặt con thế nào.

Khi quen Vũ, Trang nghe mọi người tả lại “người đó” của Trang “bình thường thôi”, mặt gầy, dáng xương xương. Còn Vũ thì nghe về Trang “hơi béo, lùn giống cây nấm”… Nhưng, với Trang, Vũ vẫn luôn là chàng trai đẹp nhất thế giới. Thiếu đi đôi mắt hai vợ chồng “nghe” tình yêu bằng âm thanh.

Đó là luôn nói với nhau những lời tình tứ. Là khi Vũ mới chỉ xuất hiện từ xa nơi đầu con ngõ, Trang đã có thể nghe thấy tiếng bước chân anh và vững dạ biết rằng chồng về nhà an toàn. Đó còn là khi bé Bảo Ngọc bò khắp nhà, hai vợ chồng quờ tay trên giường tìm con không thấy nhưng lại ồ lên khi phát hiện con đã “chu du” ở góc kia…

Trước khi có Vũ, Trang những tưởng cuộc đời mình vĩnh viễn chìm trong bóng tối. Nay thì Trang sống hăng hái, nhiệt tình hơn bao giờ hết. Quan trọng nhất, cô tin rằng người khiếm thị hoàn toàn có hạnh phúc gia đình như mọi người khác.

Theo Phu nữ Thủ đô

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem