145.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp "có vấn đề" trong 5 tháng đầu năm 2024

Phương Thảo Thứ hai, ngày 08/07/2024 09:42 AM (GMT+7)
Trong 5 tháng đầu năm 2024, những trái phiếu cơ cấu lại và giãn hoãn kỳ hạn đạt giá trị tới 145.000 tỷ đồng, tương ứng hơn 14% tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành.
Bình luận 0

Đây là ước tính được các nhà phân tích tại FiinRatings công bố trong Báo cáo nghiên cứu về Đường cong lãi suất và lịch sử chậm trả của trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam trong tương quan với điểm xếp hạng tín nhiệm.

Ngành Năng lượng dẫn đầu tỷ lệ trái phiếu có vấn đề

FiinRatings cho biết: 145.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp có vấn đề theo ước tính, bao gồm cả những trái phiếu cơ cấu lại và giãn hoãn kỳ hạn, tương ứng với 14,1% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp lưu hành và 25,8% số lượng tổ chức phát hành tại đầu năm 2024.

Có tới 145.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp "có vấn đề" trong 5 tháng đầu năm 2024- Ảnh 1.

Nguồn: FiinRatings, HNX

Có tới 145.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp "có vấn đề" trong 5 tháng đầu năm 2024- Ảnh 2.

Nguồn FiinRatings, HNX

Về nhóm ngành, ngành Năng lượng có tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp có vấn đề lớn nhất (42,7%), tiếp đến là Bất động sản (42,5%) và Thương mại, dịch vụ (30,1%).

Tuy nhiên, các nhà phân tích tại đây lưu ý, tính trên giá trị lưu hành, tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp có vấn đề chứng kiến suy giảm nhẹ từ 15,4% vào cuối năm 2023 xuống 14,1% vào thời điểm 30/5/2024.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, mặc dù tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp có vấn đề vẫn ở mức cao nhưng đã có xu hướng chậm lại so với năm 2023. Điều này được thể hiện rõ qua tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp có vấn đề trong các ngành như Năng lượng, Bất động sản và Thương mại dịch vụ đều giảm, phản ánh phần nào sự phục hồi trong hoạt động kinh doanh, cũng như những nỗ lực cải thiện tình hình tài chính và quản lý rủi ro của các doanh nghiệp.

Bất động sản có tới 61.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong nửa cuối năm, chiếm 45%

Giữa các nhóm ngành có tỷ lệ chậm trả tăng cao, dải điểm của ngành Bất động sản, Xây dựng và Năng lượng phần lớn nằm ở dưới mức điểm đầu tư. Các tổ chức phát hành trong nhóm điểm này thường là doanh nghiệp nhỏ chưa đảm bảo được độ nhận diện trên thị trường cũng như dòng tiền hoạt động ổn định. Các doanh nghiệp cũng chịu tác động đáng kể khi phải đối mặt với những diễn biến bất lợi của thị trường trong giai đoạn 2022 - 2023.

Có tới 145.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp "có vấn đề" trong 5 tháng đầu năm 2024- Ảnh 3.

(Nguồn: FiinRatings)

FiinRatings cho rằng: Không chỉ với các doanh nghiệp đã chậm trả mà áp lực thanh toán vẫn đang hiện hữu với các doanh nghiệp còn lại khi một phần đáng kể của thị trường đang có mức điểm sơ bộ ở nhóm [B] và [BB]. Giá trị trái phiếu đáo hạn ước tính trong quý III và quý IV/2024 đạt lần lượt là 57.900 tỷ và 77.400 tỷ đồng.

Trong đó, áp lực thanh toán với nhóm ngành Bất động sản đạt giá trị là 61.000 tỷ đồng và chiếm 45% tổng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn.

Mặt khác, sự hồi phục của thị trường Bất động sản và các hoạt động triển khai đầu tư, mở bán các dự án mới trong giai đoạn tiếp theo là các động lực được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cải thiện năng lực tài chính của các doanh nghiệp trong nửa cuối năm 2024 và đầu năm 2025.

Sau khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP cho phép cơ cấu lại nợ trái phiếu ra đời, các doanh nghiệp có xu hướng kết hợp nhiều phương án tái cấu trúc khác nhau để xử lý vấn đề thanh khoản trước mắt, với 67% số lô chậm trả được xử lý bằng cách kết hợp hai phương pháp trở lên.

Có tới 145.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp "có vấn đề" trong 5 tháng đầu năm 2024- Ảnh 4.

(Nguồn: FiinRatings)

Số liệu FiinRatings cũng cho thấy, có 63% giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm trả được tái cấu trúc, với gia hạn gốc/lãi chiếm 80,4% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp tái cấu trúc là phương án được áp dụng phổ biến nhờ tính chất tối ưu chi phí và chỉ cần đồng thuận giữa hai bên liên quan, bên cạnh các phương án cần định giá phức tạp hơn như thanh lý tài sản đảm bảo, hoán đổi tài sản bất động sản hoặc quyền thu.

Một số lô trái phiếu doanh nghiệp cũng ghi nhận thay đổi các điều khoản như điều chỉnh lãi suất, bổ sung tài sản đảm bảo, cùng các cam kết khác. Giá trị chậm thanh toán gốc/lãi phát sinh trong 5 tháng đầu năm 2024 đang có tốc độ tăng chậm hơn so với cùng kỳ năm 2023. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy sức khỏe tín dụng của các tổ chức phát hành có phần ổn định hơn nhờ đà phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình vĩ mô.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem