Cơ trưởng nổi tiếng đầu quân cho ông Phạm Nhật Vượng là ai?

Phương Linh Thứ hai, ngày 14/10/2019 14:28 PM (GMT+7)
Mới đây, thông tin Tỷ phú Phạm Nhật Vượng mời ông Phan Xuân Đức - nguyên Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines – về làm Tổng Giám đốc tại Vinpearl Air gây nhiều chú ý cho thị trường hàng không.
Bình luận 0

Ông Phan Xuân Đức cũng là người tham gia dự án hàng không của Tập đoàn Vingroup từ những ngày đầu tiên.

Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành hàng không, ông Đức từng được biết đến là một trong những cơ trưởng kỳ cựu của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Tại hãng hàng không này, ông giữ vai trò Phó Tổng giám đốc từ năm 2008 và nghỉ hưu vào cuối năm 2017. 

img

Người “cầm lái” Vinpearl Air từng là một trong những cơ trưởng kỳ cựu của hãng hàng không quốc gia.

Ông Đức từng có thời gian công tác tại Trung đoàn Không quân 917 – Bộ Quốc Phòng trước khi chuyển về Vietnam Airlines năm 1979. 

Trong thời gian ở Vietnam Airlines, ông đảm nhiệm cầm lái nhiều chuyến bay quan trọng, trong đó có những chuyến bay mang ý nghĩa ngoại giao chở đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Cơ trưởng sinh năm 1957 này cũng từng được biết đến là một trong những người Việt đầu tiên cầm lái máy bay Boeing. Thời điểm công tác tại Vietnam Airlines, ông còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Đào tạo Bay Việt.

Theo đề án của Vinpearl Air, với tổng vốn đầu tư 4.700 tỷ đồng, dự án dự kiến khai thác cả nội địa và quốc tế từ tháng 7/2020, khởi đầu với đội bay 6 chiếc. Sau đó, mỗi năm, Vinpearl Air sẽ khai thác thêm 6 chiếc, nâng tổng số tàu bay lên 36 chiếc vào năm 2025. Hãng dự kiến chọn Nội Bài làm sân bay căn cứ với 2 chỗ đỗ tàu bay qua đêm năm 2020.

Trung bình hàng năm Vinpearl Air sẽ đưa vào khai thác 6 máy bay và đến năm 2025 đội bay đạt 36 chiếc. Dự kiến khai thác các loại máy bay thân hẹp Airbus A320, A321 hoặc Boeing B737 và máy bay thân rộng Airbus A330, A350 hoặc Boeing 787.

Hiện tại, Vinpearl Air do bà Nguyễn Thanh Hương (sinh năm 1972) làm người đại diện pháp luật, đồng thời giữ chức Chủ tịch HĐQT. Doanh nghiệp này có 3 cổ đông gồm Công ty Phát triển du lịch VinAsia góp vốn 45%, ông Hoàng Quốc Thủy góp vốn 30% và ông Phạm Khắc Phương góp vốn 25%. Ông Phương từng giữ nhiều vị trí quan trọng tại Vingroup từ những ngày đầu thành lập.

Bên cạnh việc lập dự án hãng bay, Vingroup cũng tham gia mảng đào tạo nhân lực ngành hàng không như phi công, thợ máy, tiếp viên, điều phái viên bay... đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Doanh nghiệp này vừa thông báo tuyển sinh 400 học viên phi công khóa đầu tiên.

Chia sẻ tại một hội thảo, Tổng Giám đốc Vinpearl Air Phan Xuân Đức cho biết, ngoài tiêu chuẩn khắt khe về sức khoẻ, tố chất thì vấn đề tài chính và tiếng Anh vẫn là hai rào cản lớn nhất với những bạn trẻ đam mê nghề phi công từ trước tới nay. 

Trên thị trường, mức học phí cho 26 tháng để bước đầu vào nghề từ 4-5 tỷ đồng, cùng với đó tiếng Anh đạt tối thiểu Toiec 600 và IELTS 5.5 có thể làm nản lòng rất nhiều người, đặc biệt với những người thiếu điều kiện kinh tế.

Tổng Giám đốc Vinpearl Air chia sẻ, khi chính thức gia nhập ngành hàng không, Tập đoàn Vingroup đã nhận ra điểm tắc nghẽn trên thị trường hiện nay chính là nguồn nhân lực phi công. Vì thế Vinpearl Air chọn hướng đi khác biệt với các hãng hàng không khác, đó là tự đào tạo nguồn nhân lực cho chính tập đoàn và cung cấp nhân lực phi công ra toàn cầu với chất lượng quốc tế. 

Đại gia tuần qua: Thêm nhiều nhân tài về đầu quân cho tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Trịnh Văn Quyết

Tuần qua, VinGroup và FLC đã có thông tin về việc thay đổi nhân sự cấp cao tại 2 tập đoàn này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem