Có tước bỏ quyền lợi chính khách của ông Vũ Huy Hoàng?

Lương Kết Thứ ba, ngày 24/01/2017 11:07 AM (GMT+7)
Tiến sĩ luật học Lưu Bình Nhưỡng (Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội) cho rằng, việc xử lý ông Vũ Huy Hoàng như hiện nay chỉ là giải pháp tình thế. Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật cán bộ, công chức đó mới là cái căn cơ cần hướng tới.
Bình luận 0

img

Ông Vũ Huy Hoàng bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2016.

Đánh giá về Nghị quyết số 344 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, quyết nghị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng do có những vi phạm về công tác cán bộ khi giữ chức vụ Bộ trưởng trong nhiệm kỳ này, ông Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó Trưởng Ban tổ chức TƯ Đảng cho rằng "đây là việc làm chưa từng có tiền lệ để xử lý một chính khách đã nghỉ hưu vì thời gian đương nhiệm có những vi phạm".

Như vậy ông Vũ Huy Hoàng không chỉ bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng (cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2016) mà còn bị xử lý kỷ luật về mặt Nhà nước.

Theo TS luật học Lưu Bình Nhưỡng, để ra được Nghị quyết 344 đã có nhiều ý kiến về vấn đề này bởi đây là việc khó.

“Việc xử lý ông Vũ Huy Hoàng như hiện nay chỉ là giải pháp tình thế, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật cán bộ, công chức đó mới là cái căn cơ cần hướng tới” – TS Nhưỡng nói.

Nói về việc xử lý kỷ luật xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương của ông Vũ Huy Hoàng, ông Nhưỡng cho rằng, đây là hình thức kỷ luật “đánh” vào danh dự, tiếng tăm.

“Với một người từng là chính khách, danh dự và tiếng tăm rất quan trọng. Đó là giá trị tinh thần của người đó, khi bị tước bỏ đó là sự đau đớn không nhỏ” – TS Nhưỡng nói.

Xung quanh vấn đề này có ý kiến thắc mắc, việc ông Vũ Huy Hoàng bị xóa bỏ tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2016, chế độ lương hưu liệu có bị ảnh hưởng, TS Nhưỡng cho biết, chế độ lương hưu là vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội. Cán bộ, công chức, người lao động khi làm việc phải trích phần lương hàng tháng ra để đóng bảo hiểm, nay về nghỉ nhận lương hưu là nhận lại phần tiền mà mình đã đóng.

Vẫn theo ông Nhưỡng, khi thẩm tra tờ trình của Chính phủ về xử lý kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã đặt vấn đề rất hay là cần phải tước bỏ quyền lợi của chính khách đối với những người khi đương chức có những vi phạm lúc về hưu mới được phát hiện và xử lý kỷ luật.

“Đây là vấn đề khó cần phải tiếp tục nghiên cứu. Cần phải khẩn trương xem xét ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy định của luật về cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý công bằng, nghiêm minh các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác ra khỏi bộ máy nhà nước” – ông Nhưỡng nói.

Ngày 2.11.2016, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xem xét thi hành kỷ luật trong công tác cán bộ đối với Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương và ông Vũ Huy Hoàng.

Sau khi xem xét, đánh giá những vi phạm của ông Vũ Huy Hoàng, Ban Bí thư thống nhất rất cao (100% bằng phiếu kín) thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng .

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem