Có vốn tín dụng ưu đãi, ông nông dân Lạng Sơn trồng vườn cam đặc sản quả sai trĩu, thương lái tranh nhau mua

Thu Hà Thứ ba, ngày 28/01/2025 11:57 AM (GMT+7)
Từ nguổn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Dương Văn Bão (dân tộc Tày) ở thôn Áng Nộc, xã Chiêu Vũ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn đã đầu tư trồng 1ha vườn cam đặc sản. Vườn cam của ông Bão đã được thương lái tìm đến đặt cọc trước tại vườn và đặt mua hết trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Bình luận 0

Tín dụng chính sách xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế đồng thời đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Trong 10 năm qua, chính sách này đã giúp 21 triệu hộ được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Vun trồng nên những vườn cam đặc sản ở Lạng Sơn

Những ngày giữa tháng 11 cùng cán bộ Ngân hàng CSXH tỉnh Lạng Sơn đến thăm vườn cam của ông Dương Văn Bão (dân tộc Tày) ở thôn Áng Nộc, xã Chiêu Vũ, huyện Bắc Sơn được tận mắt chứng kiến những cây cam đường quả lúc lỉu sai trĩu cành giữa những đồi núi đá và đặc biệt là kích cỡ quả đều nhau tăm tắp, đoàn công tác chúng tôi ai cũng trầm trồ, thán phục. 

Dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến vụ thu hoạch, nhưng vườn cam của ông Bão đã được thương lái tìm đến đặt cọc trước tại vườn và đặt mua hết trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Chia sẻ với PV, ông Dương Văn Bão cho biết: "Gia đình tôi có được vườn cam như ngày hôm nay là nhờ sự tiếp sức rất lớn từ những đồng vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH".

Có vốn tín dụng ưu đãi, ông nông dân Lạng Sơn trồng vườn cam đặc sản quả sai trĩu, thương lái tranh nhau mua - Ảnh 1.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các Bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là sự đóng góp quan trọng của Ngân hàng CSXH trong tham mưu, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 vừa qua.

Liên tục trong suốt chục năm qua, ông Bão là "khách hàng thân thiết" của Ngân hàng CSXH từ chương trình dành cho hộ nghèo, hộ thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Có vốn làm ăn, ông Bão đầu tư chăn nuôi hiệu quả rồi gây dựng vườn cam trên vùng núi đá.

Những cây cam trên vùng núi đá được chắt chiu từ cái nắng, cái gió và cả cái lạnh đặc biệt ở xứ Lạng cho ra những quả cam đường mọng nước và ngọt sắc. Ông Bão phấn khởi chia sẻ: "Cách đây 4 năm gia đình tôi được vay 100 triệu đồng chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn nên đã đầu tư diện tích trồng cam. Hiện, tổng diện tích vườn cam của gia đình hơn 1ha, đang trồng 1.400 cây cam đường và 250 cây cam Canh. 

Năm 2023, sản lượng cam thu hoạch được 15 tấn cam, doanh thu 500 triệu đồng, trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi được 350 triệu. Năm nay, vườn cam sai quả hơn, giá bán tốt hơn nên thu nhập chắc chắn sẽ cao hơn".

Tạo động lực cho người dân vươn lên từ đồng vốn Ngân hàng Chính sách xã hội

Có vốn tín dụng ưu đãi, ông nông dân Lạng Sơn trồng vườn cam đặc sản quả sai trĩu, thương lái tranh nhau mua - Ảnh 2.

Vườn cam đặc sản trĩu quả được vun trồng từ những đồng vốn vay Ngân hàng CSXH của gia đình ông Dương Văn Bão (dân tộc Tày) ở thôn Áng Nộc, xã Chiêu Vũ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Thu Hà

Có vốn tín dụng ưu đãi, ông nông dân Lạng Sơn trồng vườn cam đặc sản quả sai trĩu, thương lái tranh nhau mua - Ảnh 4.

Ông Dương Văn Bão là một trong số hàng triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tín dụng chính sách tiếp sức để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tín dụng chính sách xã hội từ lâu đã được xác định là một trong những trụ cột quan trọng trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội của Việt Nam. Để nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách, ngày 22/11/2014, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Trong suốt 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, tín dụng chính sách xã hội đã giúp hàng triệu người dân vượt qua khó khăn, tạo ra hàng chục triệu việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như nước sạch và vệ sinh môi trường cho vùng nông thôn, hỗ trợ học sinh sinh viên trong việc trang trải chi phí học tập và nhiều chương trình khác nhằm cải thiện đời sống của những người yếu thế trong xã hội.

Với nguồn lực lớn được huy động, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tiếp tục được triển khai rộng rãi đến 100% xã, phường, thị trấn trong cả nước; giúp trên 21 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay đạt 733.152 tỷ đồng, trong đó, đã tập trung ưu tiên cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, giảm nghèo từ 14,2%, năm 2011 xuống 2,93% cuối năm 2023 (theo chuẩn nghèo đa chiều).

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 tổ chức tháng 8/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Với những kết quả đạt được sau hơn một thập kỷ cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc, tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một "điểm sáng" và là một "trụ cột" trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội.

Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các Bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là sự đóng góp quan trọng của Ngân hàng CSXH trong tham mưu, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch triển khai chỉ thị, kết luận của Ban Bí thư do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Phát huy những kết quả đã đạt được trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 30/10/2024, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới.

Tại Hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị số 39-CT/TW tổ chức tháng 12/2024 vừa qua, Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Dương Quyết Thắng nhấn mạnh: "Toàn hệ thống phải xác định đây là Chỉ thị rất quan trọng, làm tiền đề, cơ sở để tiếp tục triển khai hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới".

Để triển khai hiện tốt Chỉ thị số 39-CT/TW, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng yêu cầu các đơn vị trong hệ thống chủ động phối hợp với Sở, ban, ngành liên quan tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền nội dung Chỉ thị số 39-CT/TW đến toàn thể đảng viên, cán bộ và nhân dân để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội; vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội.

Đồng thời tham mưu Tỉnh uỷ, Thành uỷ, UBND các cấp ban hành văn bản chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện; trong đó xác định công tác tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và giai đoạn 2026 - 2030 của địa phương, tham mưu xây dựng Đề án về tín dụng chính sách xã hội, bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH đảm bảo đạt các chỉ tiêu trong Chỉ thị số 39-CT/TW… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem