Có xe chữa cháy TTTM Hải Dương sản xuất từ những năm 1980

Thứ ba, ngày 17/09/2013 06:17 AM (GMT+7)
Vụ cháy Trung tâm Thương mại Hải Dương (ngày 15.9) đang tiếp tục được điều tra làm rõ, nhưng từ vụ việc này đã bộc lộ rõ công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Bình luận 0
Số vụ giảm, thiệt hại tăng

Theo Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (C66, Bộ Công an), trong 6 tháng đầu năm nay cả nước xảy ra hơn 1.440 vụ cháy, làm chết 22 người, bị thương 52 người, tổng giá trị tài sản thiệt hại gần 580 tỷ đồng.

Chỉ riêng với vụ cháy Trung tâm Thương mại Hải Dương, thiệt hại về tài sản gần bằng số vụ cháy 6 tháng đầu năm cộng lại. Nếu so với cùng kỳ năm 2012, số vụ cháy giảm 8 vụ, số người chết giảm 26 (22/48) người, số người bị thương giảm 22 người (52/57); số vụ cháy lớn cũng giảm 5 vụ (16/21). Mặc dù giảm về số vụ cháy, giảm cả số vụ lớn nhưng tổng thiệt hại lại tăng hơn 32,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2012.

	Cảnh sát PCCC dập lửa trong vụ cháy Trung tâm Thương mại Hải Dương.
Cảnh sát PCCC dập lửa trong vụ cháy Trung tâm Thương mại Hải Dương.

Qua phân tích của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, các vụ cháy nhà dân chiếm 43,41%; cháy tại cơ sở kinh tế tư nhân chiếm 40,41%; cháy tại cơ sở kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể chiếm 15,4%... Nguyên nhân cháy được xác định chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm gần 41%; sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu khí đốt chiếm 19,81%...

Thượng tá Đỗ Thanh Hải – cán bộ C66 cho biết: Mặc dù Luật PCCC đã quy định trách nhiệm trong công tác PCCC của người đứng đầu cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhưng qua kiểm tra cho thấy ở nhiều nơi người đứng đầu chưa nghiêm túc thực hiện triệt để, dẫn đến cả cơ sở cùng chủ quan. Có người còn suy nghĩ việc PCCC là của lực lượng cảnh sát nên thiếu sự tích cực triển khai. Ngoài hạn chế trên thì khả năng phát hiện và xử lý ban đầu đối với các vụ cháy của lực lượng PCCC tại chỗ còn rất hạn chế.

Trở lại vụ cháy Trung tâm Thương mại Hải Dương, theo một cán bộ C66 thì chưa biết hệ thống báo cháy tự động ở đó hoạt động thế nào, nhưng nếu như lực lượng bảo vệ phát hiện sớm, rồi biết cách dập lửa thì đám cháy sẽ không lan rộng. Còn trường hợp này khi lực lượng PCCC chuyên nghiệp có mặt, thì trung tâm thương mại đã thành biển lửa.

Phương tiện chữa cháy quá lạc hậu

Về phương tiện chữa cháy, theo C66, hiện phương tiện chung của lực lượng PCCC ở tình trạng vừa thiếu vừa lạc hậu. Toàn lực lượng có khoảng 900 xe chữa cháy và hơn 300 xe chuyên dùng (xe thang, chở nước, ánh sáng…). 2/3 là xe đã cũ đã sử dụng từ 15- 20 năm, thậm chí có xe 30 năm. Trong vụ cháy ở Hải Dương có những xe chữa cháy được điều đến là từ những năm 1980. Hiện mục tiêu phấn đấu của toàn lực lượng PCCC là mỗi đội PCCC có 1 xe mới.

Thượng tá Hải cho biết thêm, mặc dù Chính phủ và Bộ Công an cũng đầu tư, song ngân sách hạn hẹp nên mua sắm được ít, chưa theo kịp với sự phát triển kinh tế- xã hội nói chung. Như xe thang hiện nay chỉ có một số thành phố lớn được trang bị, còn đa số địa phương không có vì giá mua đắt (hơn 10 tỷ đồng/xe).

Thượng tá Hải cho rằng, dù lực lượng PCCC hiện đại thế nào thì công tác phòng ngừa vẫn là quan trọng nhất. “Khi công tác PCCC đã được xã hội hóa thì trách nhiệm người dân nói chung và người đứng đầu cơ sở sản xuất, kinh doanh là rất quan trọng. Lực lượng PCCC làm điều tra cơ bản, nắm tình hình, đi kiểm tra, cơ sở thuộc diện đặc biệt theo quy định cũng chỉ kiểm tra 4 lần/năm. 365 ngày thì chỉ có 4 ngày của cảnh sát, thời gian còn lại thuộc về trách nhiệm ở cơ sở” – thượng tá Hải nói.

Thượng tá Hải khuyến cáo thêm, khi phát hiện cháy lực lượng tại chỗ ngoài việc tích cực chữa cháy theo phương pháp được tập huấn cũng cần báo ngay cho lực lượng PCCC chuyên nghiệp. Đã có nhiều trường hợp, lực lượng tại chỗ tự mình dập lửa, khi đám cháy bùng phát mới báo, lúc đó không thể nào kịp.

Tiểu thương tiếp tục đòi quyền lợi

Ngày 16.9, nhiều tiểu thương bị thiệt hại trong vụ cháy Trung tâm Thương mại (TTTM) Hải Dương tiếp tục lên UBND TP. Hải Dương và UBND tỉnh Hải Dương để đòi hỏi quyền lợi. Một số người tập trung trước TTTM Hải Dương khóc lóc, vật vã, xót xa khi mất trắng toàn bộ gia sản. Bức xúc vì không được gặp lãnh đạo tỉnh, bà con quay ra tố cáo Cảnh sát PCCC không kịp thời chữa cháy dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo TP. Hải Dương ngày 16.9, đại diện một số tiểu thương tiếp tục muốn làm rõ quyền lợi của mình sau vụ cháy. Ông Đoàn Đình Thanh - đại diện các hộ kinh doanh cho biết: “Tất cả vốn liếng của gia đình tôi cũng như các tiểu thương đã đầu tư hết vào các mặt hàng kinh doanh tại đây, hiện tại chúng tôi đã trắng tay sau vụ hỏa hoạn. Đề nghị các ban, ngành của tỉnh hỗ trợ mặt bằng kinh doanh, kinh phí để chúng tôi tiếp tục kinh doanh. Chúng tôi đã phải đóng đầy đủ khoản phí như PCCC, điện nước hàng tháng cho Ban quản lý. Bây giờ lại để xảy ra cháy như vậy, tôi đề nghị làm rõ trách nhiệm của Ban quản lý TTTM”.

Còn đại diện lãnh đạo TP. Hải Dương cho biết, trong ngày 17.9 sẽ thống kê thiệt hại của tiểu thương và tiếp tục hỗ trợ để bà con kinh doanh, sinh sống...

Bảo Lâm

Lương Kết (Lương Kết)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem