Côi cút những ước mơ Rục

Phan Phương Thứ sáu, ngày 14/08/2015 06:43 AM (GMT+7)
Hơn 10 đứa trẻ người Rục trong 4 gia đình ở Thượng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) đang phải sống một cuộc sống khó khăn vô biên trong cảnh mất cả cha lẫn mẹ. Ước mơ về một mái nhà lành lặn để che nắng che mưa, một bữa cơm ngon và được cắp sách đến trường có lẽ quá xa vời đối với những đứa trẻ mô côi này…
Bình luận 0

Những ngôi nhà mồ côi

Cơn mưa rừng làm đường vào bản Ón của người Rục như xa hơn thường lệ. Trưởng bản Trần Xuân Tư đưa chúng tôi đến thăm nhà ông Cao Văn Dụng. Ngôi nhà trống hoác, không có tài sản gì đáng giá ngoài những tấm giấy khen của em Cao Thị Toàn được treo trang trọng một bên gian thờ.

img

Mồ côi cả cha lẫn mẹ, 2 anh em Sỹ và Toàn nương tựa vào nhau mà sống. Ảnh: P.P

Ông Tư kể: “Chỉ trong vòng 2 năm 2013 - 2014,  ngôi nhà này lần lượt có 4 người chết không biết bệnh gì. Ban đầu là ông Cao Uýnh, bố ông Cao Văn Dụng; rồi đến ông Cao Xuân Tiến anh trai sống dưới một mái nhà với ông Dụng; rồi ông Cao Văn Dụng, và vợ là bà Cao Thị Chiên. Họ đều mất trong đêm hoặc nằm ngủ đến sáng mai thì không dậy nữa. Từ ngày gia đình không còn người thân, Cao Văn Sỹ và Cao Thị Toàn – con ông bà Dụng tự bươn chải, tự lo cuộc sống cho mình. Các gia đình trong bản cũng chỉ giúp thêm mớ sắn, mớ khoai cho các em qua mùa giáp hạt”.

Cao Văn Sỹ làm anh, nhận luôn phần cơ cực về mình để em Cao Thị Toàn được tiếp tục cắp sách đến trường. Hàng ngày, Sỹ bươn chải làm thuê cho người dân trong bản, tranh thủ vào rừng kiếm mớ rau, con ốc để 2 anh em sống đắp đổi qua ngày.

Sỹ nói: “Em đã nghỉ học rồi, cực mấy em cũng gắng được, chỉ thương em Toàn, thấy anh cực quá nhiều lần nó cũng đòi nghỉ học. Mà nó học được lắm, cho nó nghỉ học thì tội nó lắm. Nhưng cho nó đi thì mình khổ quá. Thôi thì gắng đến lúc nào, hay lúc đó”. Ngôi nhà của bà Cao Thị Hoa nằm sâu trong bản Mò O Ồ Ồ của thung lũng, bà là bác ruột của 4 đứa trẻ mồ côi: Cao Thị Giang (17 tuổi), Cao Thị Thanh (15 tuổi), Cao Thị Thương (13 tuổi) và Cao Xuân Thiện (10 tuổi). Bố mất trước, mẹ mất sau, đứa lớn chưa kịp khôn, đứa nhỏ chưa cắt rốn, cả 4 đứa trẻ được bà Hoa nuôi dưỡng trong tình thương vô bờ bến. Nhưng cái nghèo, cái khó như bám lấy bà. Nhà có người chồng hy sinh bên Lào nhưng không được công nhận gia đình liệt sĩ vì bà không có giấy kết hôn.

“Thời trước thì làm gì có giấy tờ như bữa ni. Từ ngày đứa con trai duy nhất mất, tôi ở vậy luôn. Từ ngày bố mẹ mấy đứa cháu mất, tui thương chúng như con, cực khổ mấy tui cũng gắng cho chúng đi học. Con Giang học lớp 8, con Thanh học lớp 5, con Thương học lớp 7, thằng Thiện học lớp 4 rồi”, đôi mắt người phụ nữ miền sơn cước ánh lên hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc ấy không biết sẽ kéo dài bao lâu khi sức khỏe ngày một xuống? Bà bảo bà sợ, sợ một ngày mình nằm xuống, sẽ không còn ai sẽ lo cho các cháu!

Thương nhất là trường hợp của em Cao Xuân Dũng ở bản Ón. Dũng năm nay khoảng 15–16 tuổi, sống trong một nơi không thể gọi là nhà. Không chỉ mồ côi, hiện Dũng đang mang căn bệnh mờ mắt. Dũng có bố mẹ, nhưng mẹ đã mất 10 năm khi Dũng còn đỏ hỏn. Ông bố Cao Thanh Bần thì nay đã già rồi, suốt ngày ở dưới hang đá vùng Ma Ma Cà Chắp, nói là đi trong rẫy, nhưng sắn ngô thì kiếm không được nhiều, lực yếu đi nên ít khi về chăm con. Dũng có người chị là Cao Thị Dần cũng mù lòa, chết khi mới mười mấy tuổi sau trận bão của năm 2013. Dũng không biết chữ, nay người trong bản nhà người quen có con nhỏ dại, Dũng bồng bế, trông giữ để kiếm cơm qua ngày…

Hãy thắp lửa cho bản khó

"Em đã nghỉ học rồi, cực mấy em cũng gắng được, chỉ thương em Toàn, thấy anh cực quá nhiều lần nó cũng đòi nghỉ học. Mà nó học được lắm, cho nó nghỉ học thì tội nó lắm. Nhưng cho nó đi thì mình khổ quá.”

Em Cao Văn Sỹ

Dưới bản Yên Hợp, trong căn nhà nhỏ tồi tàn, Cao Xuân Ninh đang lục lại cuốn vở cũ để tìm những trang giấy trắng, đóng tập chuẩn bị cho năm học mới sắp đến. Năm nay, Ninh sẽ vào học lớp 8...

Bố mẹ mất sớm, nhà có 5 chị em. Mấy chị trước nghỉ học sớm, đi kiếm tiền rồi lấy chồng khi tuổi đời còn rất trẻ. Gia đình mấy chị cũng nghèo nên không giúp gì được cho Ninh. Không muốn tương lai mình như các chị, Ninh cố gắng học để thay đổi cuộc đời mình dù bước đường còn lắm chông gai.

Mỗi bữa ăn còn lo sớm tối, những ước mơ nho nhỏ về một mái nhà lành lặn, một bữa cơm ngon cho ấm lòng cũng đã khó thành hiện thực ở cái thung lũng nghèo nằm giữa bốn bề núi đá. 

Một năm học mới nữa lại về trong sự háo hức của người lớn trẻ nhỏ. Nhưng những đứa trẻ nơi đây cần lắm một tấm lòng, cần lắm một nắm tay để ước mơ của các em sớm thành hiện thực, để niềm tin lại đong đầy trong ánh mắt những đứa trẻ mồ côi nơi đây. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem