“Cởi trói” và xốc lại tinh thần cho doanh nghiệp

Mai Hương (thực hiện) Thứ tư, ngày 07/01/2015 07:10 AM (GMT+7)
Xung quanh những chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị quyết 01 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, ngày 6.1 phóng viên NTNN đã phỏng vấn ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Bình luận 0

Nghị quyết đầu tiên của Chính phủ trong năm 2015 đã yêu cầu gỡ khó cho doanh nghiệp (DN), tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh… Suy nghĩ của ông về yêu cầu này là gì?

img
Sản xuất thép kết cấu tại Công ty TNHH Zamil Steel Việt Nam. Ảnh: Huy Hùng
- Tôi cho rằng, nghị quyết này thể hiện quyết tâm lớn của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh trong năm 2015. Nó cho thấy rõ, Chính phủ sẽ thực thi nghiêm chỉnh các luật đã ban hành trong năm qua, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đẩy mạnh tái cơ cấu DN nhà nước.

Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành địa phương thực hiện nghiêm việc đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm giảm bớt chi phí và thời gian của DN trong thành lập, phá sản DN; đất đai; đầu tư, xây dựng; kê khai nộp thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội; tiếp cận điện năng… Khuyến khích, thúc đẩy DN đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ mới; hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho, nắm bắt thông tin về tình hình cung cầu, giá cả để kịp thời thông tin cho DN; khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…

Nhưng thực tế đây không phải lần đầu tiên Chính phủ đưa ra các yêu cầu này, vậy nó có ý nghĩa gì trong bối cảnh hiện nay?

- Nghị quyết lần này có rất nhiều điểm mới. Ngay việc Chính phủ ban hành nó sớm hơn hẳn so với mọi năm đã cho thấy nỗ lực phải cải cách nhanh, thực sự nền kinh tế của chúng ta. Trong lĩnh vực tái cơ cấu, cổ phần hóa DN nhà nước, Chính phủ đã cho phép bán hết cổ phần một số lĩnh vực, tổng công ty-một tín hiệu mới rất đáng chú ý-để “phá băng” cho lĩnh vực này. Tôi cho những chủ trương của Chính phủ đưa ra lúc này là tín hiệu phải cải cách sớm, kịp, mạnh mẽ những yếu kém của nền kinh tế.

Với những yêu cầu mạnh mẽ như vậy, theo ông, lĩnh vực nào trong năm nay sẽ được cải thiện nhiều nhất?

Quan điểm
img
Ông Vũ Tiến Lộc
  Nghị quyết của Chính phủ lần này theo tinh thần tiếp tục “cởi trói” cho DN, đột phá cải cách thủ tục hành chính với triết lý “cái gì thế giới làm được, ta cũng có thể làm được”. Việc còn lại là các bộ, ngành, địa phương phải “vắt chân lên cổ” thực hiện lộ trình đã được Chính phủ và Thủ tướng ấn định. 
- Sẽ có nhiều lĩnh vực được cải thiện. Như về cổ phần hóa, tái cơ cấu DN nhà nước, chủ trương của Chính phủ tới đây là bán hết, không giữ gì cả trong một số DN, lĩnh vực. Đây là một trong những cản trở trong cổ phần hóa DN nhà nước năm 2014, khi Chính phủ chỉ bán một phần vốn nên nhiều nhà đầu tư không mua. Nay nếu bán hết, các nhà đầu tư chiến lược chắc chắn sẽ quan tâm đến nhiều DN, lĩnh vực được cho phép. Họ sẽ mua và được ngồi vào ghế chủ tịch hội đồng quản trị. Họ sẽ thực sự là chủ của DN, điều hành nó. Tôi cho Chính phủ đã nhìn ra vấn đề và chính sách mới sẽ kích thích cải cách khu vực DN nhà nước năm nay.

Tương tự là vấn đề nợ xấu, với nghị quyết này cũng cho thấy dấu hiệu cải thiện tình hình rất rõ với việc Chính phủ cho phép thực hiện việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường; tăng cường kiểm tra, giám sát về nợ xấu, chất lượng tín dụng và việc thực hiện quy định của pháp luật về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro…

Nghị quyết của Chính phủ cũng đề cập đến việc tiết kiệm trong chi tiêu, đảm bảo hiệu quả của chính sách tài khóa. Đây cũng là một yêu cầu không mới. Theo ông, liệu nó có thể được cải thiện trong năm 2015 không?

- Lãng phí, kém hiệu quả trong sử dụng ngân sách nhà nước là rất nguy hiểm. Các đại biểu Quốc hội đã nói rất nhiều về việc chúng ta phải tiết kiệm. Chính phủ đã thấy và đưa ra không ít các hành động như hạn chế tăng biên chế, đưa người yếu kém ra khỏi lĩnh vực công vụ, hạn chế lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đi công tác nước ngoài… Nghị quyết lần này của Chính phủ đã yêu cầu không được ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách nhà nước. Chính phủ cũng yêu cầu cắt giảm tối đa và công khai các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành các công trình từ ngân sách nhà nước. Đặc biệt, Chính phủ không cho phép mua xe công nếu không có lý do chính đáng. Các bộ ngành địa phương phải cắt giảm tối đa các hoạt động phô trương, lãng phí không cần thiết…

Với nghị quyết này, theo ông hoạt động của cộng đồng DN trong năm nay sẽ thay đổi ra sao?

- Tôi cho rằng tinh thần DN, doanh nhân sau một giai đoạn trầm lắng đang được xốc lại. Nghị quyết của Chính phủ lần này theo tinh thần tiếp tục “cởi trói” cho DN, đột phá cải cách thủ tục hành chính với triết lý “cái gì thế giới làm được, ta cũng có thể làm được”. Việc còn lại là các bộ, ngành, địa phương phải “vắt chân lên cổ” thực hiện lộ trình đã được Chính phủ và Thủ tướng ấn định để có một chương trình hành động “chắc ăn” thực hiện được mục tiêu Chính phủ đề ra.

Tôi xin nhấn mạnh: Áp lực hội nhập và cải cách đang rất cấp thiết và mọi nỗ lực cải cách pháp luật cần phải được “gia tốc”. Ngay tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, tôi cũng đã đề nghị Quốc hội giao nhiệm vụ cho Chính phủ cùng với cộng đồng kinh doanh 6 tháng 1 lần phải tiến hành tổng rà soát các luật liên quan để đến các kỳ họp tiếp theo trình Quốc hội một luật sửa đổi nhiều luật theo trình tự rút gọn. Những gì bất hợp lý gây cản trở quyền tự do kinh doanh của người dân và DN thì phải sửa ngay, không chờ đợi.

Xin cảm ơn ông!

Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng: Cần hỗ trợ để vực dậy khu vực sản xuất
img 


Tình hình của năm 2015 được dự báo sẽ rất khác, khi những cải cách gần đây của Chính phủ phát huy hiệu quả mạnh mẽ sau thời gian của “độ trễ chính sách” và đặc biệt là việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp (DN), Luật Đầu tư với những thay đổi căn bản về quyền tự do kinh doanh… Tôi cho rằng, năm nay số lượng DN đăng ký thành lập mới sẽ tăng nhiều hơn con số dự báo của Bộ KHĐT là 5%. Trong khi, số DN giải thể, ngừng hoạt động sẽ có xu hướng giảm so với năm 2014. 

Chính phủ cần hỗ trợ DN gặp khó khăn để vực dậy khu vực sản xuất trong nước. Theo đó, cần hỗ trợ lãi suất để các DN trong nước vay trung, dài hạn để đầu tư mua sắm máy móc thiết bị hiện đại, tăng năng suất lao động, tạo ra sản phẩm cạnh tranh với hàng ngoại nhập cùng với đó là các giải pháp đẩy nhanh việc cải cách thủ tục hành chính. Với nghị quyết này, các tỉnh, thành phố cần xây dựng trung tâm dịch vụ hành chính công để hỗ trợ cho các DN trong việc làm thủ tục thành lập cũng như mở rộng hoạt động hỗ trợ DN.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh:Không cải cách thì nền kinh tế sẽ rất gay
img 


Với nghị quyết Chính phủ vừa ban hành, tôi cho rằng, chúng ta không còn nghi ngờ gì quyết tâm cải cách của Chính phủ. Nếu không cải cách thì bản thân nền kinh tế của chúng ta cũng sẽ rất gay, nhấn vào DN, vào môi trường kinh doanh… là bước đi sáng suốt. Bởi vì môi trường đầu tư của ta đến nay còn chưa hoàn thiện, thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, năng lực cạnh tranh chưa nâng lên được, năng lực quản lý, quản trị yếu. 

Năm 2015, Chính phủ yêu cầu tập trung thực hiện cải cách chỉ số đối với 5 tiêu chí chưa được thực hiện, gồm: Cấp phép xây dựng; quyền sở hữu tài sản; tiếp cận tín dụng; thực thi hợp đồng; xử lý DN mất khả năng thanh toán. Đây là 5 trong số nhiều tiêu chí mà Ngân hàng Thế giới dùng để “chấm điểm” các nền kinh tế về môi trường kinh doanh. Vấn đề còn lại là các bộ, ban ngành, địa phương phải nỗ lực thực hiện, có như vậy cải cách năm 2015 mới đem lại kết quả như mong đợi.

Mai Nguyễn (ghi) 

 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem