Ông Cao Sĩ Kiêm - Đại biểu Quốc hội, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: 3 giải pháp căn cơ cho nông nghiệp, nông thôn
Trong thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng có nhấn mạnh việc đổi mới thể chế kinh tế. Theo ông, trong năm 2014 chúng ta đã đạt được những kết quả gì về đổi mới này?
- Đổi mới thể chế là 1 trong 3 đột phá chiến lược, gồm có đổi mới về thể chế, đổi mới về chất lượng nguồn lực, đổi mới kết cấu hạ tầng. Trong đó đổi mới về thể chế là khâu quan trọng nhất, trung tâm nhất. Đây là chủ trương rất lớn, rất đúng, nó vừa giải quyết ách tắc cho nền kinh tế đất nước, đồng thời hội nhập dần với kinh tế thế giới. Trong năm 2014, chúng ta đã giải quyết được một số vấn đề lớn. Thứ nhất là giải quyết những ách tắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, biểu hiện cụ thể là siết lại tín dụng để thực chất hơn, hiệu quả hơn. Về thuế, giảm thấp hơn, miễn giảm, hoãn hợp lý nên cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Về thủ tục hành chính đã giải quyết được xong bước một đó là những thủ tục văn bản cần sửa đổi...
Nông dân mong được Nhà nước tiếp tục hỗ trợ mạnh về tiêu thụ nông sản. I.T
Thành công thứ hai là tư tưởng chỉ đạo của chúng ta cũng đã sớm hơn, tập trung hơn, có lượng hóa tốt hơn là bao nhiêu phần trăm, bao nhiêu đơn vị. Trong chỉ đạo điều hành đã cắt khúc, có tổng kết đánh giá, có kiểm điểm, việc xử lý những trường hợp vi phạm cũng tích cực hơn.
Tuy nhiên những thành công kể trên mang tính chất giải quyết tình thế nhiều hơn, còn vấn đề mang tính dài hơi như vấn đề cơ cấu, nợ đọng nguồn lực, kết cấu hạ tầng nhìn chung là chậm so với chủ trương đề ra. Đó là những hạn chế về mục tiêu dài hạn của nền kinh tế. Nói tóm lại cái nền tảng, cái lâu dài, cái vững bền chúng ta chưa giải quyết được.
Năm 2015 chúng ta cần làm gì để những mục tiêu từ việc đổi mới thể chế kinh tế được thực hiện hiệu quả?
Quan điểm
Có sản phẩm tốt, nhưng bán ở đâu, bán cho ai, việc này mỗi một nông dân không thể tự mình đi làm mà phải có cơ quan nhà nước giúp cho họ. Như vậy mới giải quyết được vấn đề được mùa mất giá, được giá lại mất mùa”.
- Năm 2015, theo tôi về ngắn hạn nên tập trung vào 2 vấn đề. Thứ nhất tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, những cái họ không làm được như vấn đề đào tạo, thị trường, công nghệ thì nhà nước phải hỗ trợ bằng chính sách, bằng cơ chế. Thứ hai là thủ tục hành chính hiện nay, chúng ta nói nhiều lĩnh vực như thuế, xin phép xây dựng nhà đất, các thủ tục hành chính khác được giảm thủ tục gần một nửa, so sánh gần bằng mức của thế giới, nhưng thấy việc giảm thủ tục này còn hạn chế. Bên cạnh đó tất cả các chính sách, cơ chế đã ban hành thì phải có cụ thể hóa để thực hiện nhanh hơn.
Còn mục tiêu dài hạn thì cần đẩy mạnh cổ phần hóa, sắp xếp lại các DN nhà nước. Đối với tài chính công, chúng ta mới chỉ hô cắt giảm tài chính công về mặt chi tiêu nhưng thực hiện chưa nghiêm, một số nơi vẫn xây trụ sở lớn, vẫn mua sắm xe, chi phí hành chính vẫn tăng thì việc cắt là vô nghĩa.
Vấn đề đổi mới phát triển nông nghiệp cần phải quyết liệt ở những khâu nào mới có thể đem lại hiệu quả?
- Theo tôi có 3 giải pháp căn cơ, thứ nhất là quy hoạch phải rất rõ thì người nông dân mới ổn định, yên tâm đầu tư mua sắm, xây dựng. Việc quy hoạch phải rất chính xác, kịp thời và khoa học. Thứ hai phải có chính sách cho nông dân. Chính sách đó là vấn đề chế biến nông sản và dự trữ sản phẩm. Bởi không có công nghệ thì chất lượng sản phẩm không nâng cao lên được. Thứ ba là phải có quy hoạch vùng thị trường. Khi giải quyết được những vấn đề đó thì chính sách cho nông thôn - nông nghiệp - nông dân sẽ ổn định.
Xin cảm ơn ông.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Tạo động lực cho khu vực tư nhân
Tôi rất tâm đắc với triết lý đột phá cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ là “cái gì thế giới làm được, ta cũng có thể làm được”. Thủ tướng đã xuống làm việc với tận cấp Tổng cục chỉ đạo để triển khai cải cách các lĩnh vực hải quan, thuế…; thể hiện quyết tâm cải cách mạnh mẽ của Chính phủ trong suốt năm qua.
Tuy nhiên, nhiệm vụ cải cách thể chế mà trọng tâm là cải thiện môi trường kinh doanh của chúng ta vẫn là một thách thức to lớn. Những gì bất hợp lý gây cản trở quyền tự do kinh doanh của dân và doanh nghiệp thì phải sửa ngay, không chờ đợi. Để có được những nỗ lực kinh doanh đúng hướng, doanh nghiệp đang rất cần có sự mở đường và hậu thuẫn của Nhà nước. Sự mở đường và hậu thuẫn lớn nhất là tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thuận lợi và an toàn, nền hành chính công chuyên nghiệp. Việc này có nhiều khó khăn, gặp nhiều lực cản, kể cả tác động tiêu cực của các nhóm lợi ích, nhưng đây là vấn đề cấp bách, càng để chậm, nền kinh tế càng trả giá nhiều hơn.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh:Cải cách mạnh hơn nữa
Tôi cho rằng, trọng tâm trong năm 2015 là phải quyết liệt cải cách thể chế. Theo đó, quyền lực phải được giám sát. Lãnh đạo phải có trách nhiệm giải trình và người dân phải có quyền bãi nhiễm.
Về cải cách thể chế kinh tế tôi vẫn nhấn mạnh đến việc phải nâng cao trách nhiệm của các cơ quan xây dựng pháp luật. Kinh tế thị trường phải có cạnh tranh theo pháp luật. Những tiến bộ trong luật đầu tư và doanh nghiệp mới phải được thực hiện nghiêm túc. Chúng ta phải tiến tới đổi mới trong bổ nhiệm cán bộ. Giá của những lĩnh vực độc quyền phải được giám sát. Cuối cùng, cải cách thể chế phải tập trung vào phát triển kinh tế tư nhân để góp phần xây dựng một nền kinh tế tự chủ, phát triển. Chính phủ cần phải nỗ lực cải cách chính sách theo hướng phù hợp hơn với cơ chế thị trường, nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Mai Hương (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.