Cơm áo không đùa với… giáo viên

Thứ tư, ngày 15/09/2010 09:13 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hiện nay, lương giáo viên đã tăng 2,1 lần so với năm 2006. Tuy nhiên, với chỉ số giá tiêu dùng tăng chóng mặt, rất nhiều giáo viên ở nông thôn đang phải “chạy sô” nhiều nghề để không phải... bỏ nghề giáo.
Bình luận 0

Lấy ngắn nuôi dài

Vợ chồng anh Lê Quang Hưng – Lê Thị Thương đều là giáo viên. Anh dạy Thể dục tại Trường THCS Hoằng Phong, Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Với thâm niên 8 năm trong nghề, hàng tháng trừ BHYT, BHXH và hơn chục khoản đóng góp, ủng hộ... anh chỉ còn nhận về 2.155.143 đồng. Chị là cô giáo mầm non trong diện hợp đồng được 600 nghìn/tháng.

img
Cô Nguyễn Thị Thuý giáo viên Trường THCS Hoằng Đồng sau giờ lên lớp vẫn phải làm ruộng, nuôi bò.

Như vậy, tổng thu nhập cả năm của anh chị cũng chỉ được hơn 30 triệu, không đủ mua một chiếc xe máy loại vừa.

Thầy Hưng chia sẻ: “Nhiều lúc nghĩ đồng lương không đủ nuôi sống bản thân và gia đình, mình cũng tính bỏ nghề. Nhưng rồi nghĩ đi nghĩ lại thấy mình học bao nhiêu năm, gắn bó với nghề rồi mà bỏ cũng uổng. Nghĩ vậy mình xoay sang nghề trồng cây cảnh. Tính ra có tháng thu nhập từ nghề phụ còn hơn cả lương chính của mình”.

Thầy Hưng cho biết thêm, sáng nào thầy cũng phải dậy sớm lên lớp, trưa về đến nhà bất kể trời mưa hay nắng thầy đều phải vật lộn với vườn cây cảnh. Ngoài ra thầy còn làm thêm chậu hoa để bán, kiếm thêm đồng tiêu pha.

“Sau mỗi ngày lên lớp, rồi làm vườn, tối đến thường rất mệt mỏi khi ngồi vào bàn soạn giáo án cho ngày mai. Nhiều lúc tưởng không thể trụ nổi vì quá sức, nhưng vẫn phải cố để có tiền trang trải” - thầy Hưng tâm sự.

Không phải là giáo viên trực tiếp đứng lớp, thầy Thiều Đình Thuý, vừa là kế toán vừa là Tổng phụ trách Đội của Trường THCS Hoằng Phong chỉ sống với đồng lương 1.357.000 đồng/tháng. Hai vợ chồng làm trong ngành mà tổng lương mỗi tháng cũng chỉ được 2.700.000 đồng.

Nhìn cuốn sổ ghi chép chi tiêu của gia đình nhỏ, chưa con mới thấy hết sự khó khăn của họ. Tháng 8 có 3 đám cưới, 1 đám ma hết 200.000 đồng, mua thức ăn hết 500.000 đồng; xăng xe hết 200.000 đồng; mua đôi giày hết 150.000 đồng; tiền học hết 1 triệu... Mới chỉ có vậy mà cộng lại cũng lên đến hơn 2 triệu đồng.

Thầy Thuý cho biết: “Hàng tháng, với chừng ấy tiền lương, dù đã cố chắt bóp nhưng tài khoản lúc nào cũng trong diện “âm”. Hiện tại, cả hai vợ chồng vẫn phải ăn bám ông bà nội với một mẫu ruộng để có gạo ăn, giờ muốn sinh con cũng không dám”.

Tiền nào của ấy

img Do hoàn cảnh khó khăn nên đến 50% số giáo viên Trường THCS Hoằng Phong phải bươn chải, xoay xở, vừa làm “thầy” vừa làm “thợ” kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình. img

Trường THCS Hoằng Phong nằm ở một xã khó khăn của huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Những năm gần đây trường cũng được địa phương quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên, nhìn bảng lương của giáo viên, sau rất nhiều năm vẫn không có sự thay đổi lớn.

Thầy Nguyễn Đức Lân - Hiệu trưởng cho biết: “Mức lương phổ biến của các thầy cô trong trường từ 1,5 - 2,3 triệu đồng/người/tháng. Số có lương từ 3 - 4 triệu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bản thân tôi cũng là giáo viên đứng lớp được hơn 30 năm, lương đã tăng hết ngạch, cũng chưa được 5 triệu đồng”.

Tại Trường THCS Hoằng Thanh (Hoằng Hoá), thầy Nguyễn Văn Phương - Hiệu trưởng cũng cho biết: “Trừ những giáo viên có vợ hay chồng làm nghề khác kiếm ra tiền còn hầu giáo viên trong trường đều phải làm thêm ngoài giờ dạy. Có thầy thì trồng cây cảnh, có cô thì về nhà nhận may, nhận đan lát... Với lương giáo viên bây giờ chưa đủ nuôi sống bản thân nói gì đến nuôi vợ nuôi con”.

Việc lương thấp, giáo viên phải lăn lộn làm thêm ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập khiến nhiều trường tại nông thôn lo ngại về việc cải thiện trình độ và chất lượng giảng dạy của trường.

Thầy Nguyễn Văn Phương ái ngại nói: “Càng ngày các chương trình cải cách giáo dục càng nhiều, sách giáo khoa cũng mới đòi hỏi giáo viên phải tìm tòi đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp. Nhưng nếu ra khỏi lớp học thầy cô lại phải túi bụi làm thêm để kiếm thêm thu nhập thì sẽ không còn thời gian đầu tư cho việc nâng cao trình độ nữa”.

Đồng tình với thầy Phương, thầy Lân cho biết thêm: “Tất nhiên bài vở lên lớp giáo viên vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng tâm huyết với nghề dường như giảm đi rất nhiều ở những giáo viên không chỉ làm nghề giáo. Đối với giáo viên chủ nhiệm lớp, họ không còn đủ thời gian để quan tâm sát sao đến các hoạt động ngoài giờ của lớp mình nữa, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến các phong trào của trường”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem