Đã đến 15.7, thời hạn mà Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu cơ quan chức năng phải có báo cáo về tình hình vận chuyển chở cá tầm Trung Quốc qua đường hàng không vào TP.HCM và buôn bán công khai cá tầm nhập lậu vào miền Bắc…17.5 cũng là thời điểm Thái Lan xả kho tạm trữ 17 triệu tấn gạo.
500, 700, hay đến 3.000 tấn cá tầm được nhập lậu vào Việt Nam mỗi năm? Chưa ai biết chính xác. Chỉ biết là cá tầm Trung Quốc tràn ngập các chợ, chui vào những siêu thị lớn nhất, và cưỡi máy bay vào miền Nam trong một nguy cơ mà Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh đã dùng chữ “sinh tồn” để chỉ mối đe dọa đến từ bên kia biên giới.
Chính phủ phải quan tâm xử lý từ chuyện con gà, con cá nhập lậu, rồi thu mua tạm trữ đến nâng giá lúa. Đó là chuyện lo toan cho nông dân, cho nông nghiệp, nhưng âu cũng là một sự bất đắc dĩ.
Nhưng điều mà nông dân cũng như các chủ trại cá mong chờ, không phải là một báo cáo thừa nhận tình trạng. Không phải là sự xác nhận 3-5 tấn cá “cưỡi” máy bay mỗi ngày. Cũng như có thu mua tạm trữ thì nhất thời giá lúa “lên” được mấy trăm đồng. Mà là biện pháp sẽ áp dụng để con cá, hạt gạo trong nước có thể sống khỏe và cạnh tranh lành mạnh trong ao nhà.
Bởi nói đến con cá, không thể không nhắc lại câu hỏi của người tiêu dùng mỗi khi đắn đo lần cạp quần trước hai con cá nom chẳng khác gì nhau: Vì sao cá Trung Quốc tới Việt Nam qua cả ngàn km với lỉnh kỉnh mọi thiết bị chuyên dụng, thậm chí đi máy bay và cả “thuế đường” mà giá bán chỉ 120-140 ngàn, chưa bằng một nửa so với giá thành sản xuất ở Việt Nam?
Nhân chuyện cá, mục “Cuộc sống đó đây” của một tờ báo mô tả lại quy cách sản xuất trứng cá tầm ở Thụy Sĩ - một sản phẩm đang được bán với giá 200-2.500 USD.
Hóa ra, nông dân Thụy Sĩ đủ nguồn lực và sự kiên nhẫn để chờ một con cá tầm lớn ít nhất tới 6 tuổi mới bắt đầu scan siêu âm xác định trứng để thu hoạch.
Có lẽ, căn cơ nhất để chống nhập lậu, vừa để giúp nông dân, vừa xóa tan sự so sánh trong lòng người tiêu dùng thì ngoài chuyện “đóng chặt những cánh cửa” biên giới, phải là việc mở ra những “cánh cửa” giúp nông dân tăng giá trị nông lâm thủy sản, thay vì phải chặt phá “những mũi nhọn thoát nghèo” như chuyện thời sự đang diễn ra ở Đăk Nông, Đăk Lăk. Điều mà những nhà quản lý với tư duy “Thái Lan xả gạo chẳng ảnh hưởng vì giá gạo Việt Nam đã… thấp nhất”, có lẽ, còn lâu làm được.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.