Theo ông Võ Ngọc Anh – Giám đốc TTKN thành phố, các mô hình mà TTKN đang thực hiện rất phù hợp với quá trình đô thị hóa, góp phần nâng cao lợi nhuận cho bà con.
Phù hợp với nhiều nông hộ
Thu hoạch lan cắt cành tại vườn lan của hộ ông Kiều Lương Hồng (Bình Chánh). Ảnh: T.Đ
Tổng kinh phí ngân sách thành phố phân khai chi tiết cấp bù lãi vay đợt 1 năm 2016 cho các quận, huyện và dự án được UBND thành phố phê duyệt theo chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị giai đoạn 2016 - 2020 là 35 tỷ đồng. Trong đó: Vốn hỗ trợ lãi vay hơn 30 tỷ đồng; vốn hỗ trợ các dự án do UBND thành phố phê duyệt hơn 4 tỷ đồng.
(Nguồn: Sở NNPTNT TP.HCM)
|
Liên tiếp trong 2 tháng 7 và 8.2016, TTKN thành phố tổ chức đánh giá 2 mô hình: “Nuôi cua thương phẩm từ giống nhân tạo có sử dụng thức ăn công nghiệp” tại xã An Thới Đông (huyện Cần Giờ) và “Trồng lan Denbrobium trong chậu” tại huyện Bình Chánh. Đây cũng là 2 huyện còn lại của thành phố đang phấn đấu đạt huyện nông thôn mới trong năm 2016.
Ông Nguyễn Hữu Bạc – một trong những ND tham gia mô hình nuôi cua cho biết, trước đây ông từng nuôi cua tự nhiên nhưng thu nhập rất bấp bênh vì không chủ động nguồn giống. Vừa rồi tham gia mô hình nuôi cua, ông được TTKN hỗ trợ 5.000 con giống cua nhân tạo. Sau 3 tháng nuôi, ông nhận thấy cua phát triển tốt, đồng đều và dễ sống. Trọng lượng trung bình hơn 200g/con.
Theo Trạm Khuyến nông huyện Cần Giờ, 3 tháng thực hiện mô hình cho thấy kết quả khá khả quan: Tỷ lệ cua sống đạt khoảng 50%, trọng lượng bình quân hơn 250g/con, năng suất hơn 1 tấn/ha, sau khi trừ chi phí lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/1.000m2/vụ.
Đối với mô hình trồng lan do Trạm Khuyến nông Bình Chánh – Bình Tân triển khai tại các xã: Tân Kiên, Tân Quý Tây, Quy Đức và thị trấn Tân Túc cũng cho kết quả tốt. Theo đó, nguồn giống do TTKN hỗ trợ với nhiều loại, như Pink Stripe, Getting Red, Denbrobium Sonia… Sau 10 tháng triển khai mô hình, Trạm Khuyến nông Bình Chánh – Bình Tân đánh giá, tỷ lệ cây giống sống đạt 97%, một cành cho 5 – 10 hoa. Với trên 15.000 cây lan cắt cành, doanh thu sẽ đạt hơn 264 triệu đồng, trừ chi phí lợi nhuận còn 31 triệu đồng. Trong khi đó, với 15.000 cây lan bán chậu, doanh thu hơn 330 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 100 triệu đồng.
Nên nhân rộng mô hình
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2016, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của thành phố tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, giảm diện tích trồng lúa một vụ, hiệu quả kém sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của thành phố, như: Hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, rau an toàn, chăn nuôi bò sữa… Ông Nguyễn Ngọc Anh khuyến cáo, để đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, bà con nông dân nên nhân rộng mô hình mà TTKN thành phố đã chuyển giao nhằm nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm ổn định.
Theo ông Lê Văn Được – Chủ tịch Hội ND huyện Cần Giờ, các mô hình mà TTKN thành phố chuyển giao cho ND trên địa bàn cho thấy hiệu quả rất tốt. Riêng mô hình nuôi cua bằng con giống nhân tạo không chỉ giải quyết được khó khăn về nguồn giống mà còn mang lại hiệu quả kinh tế ND nghèo, cận nghèo ít vốn, góp phần nâng cao thu nhập và mở ra hướng đi mới cho nông dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.