Cây gì ra hoa đậu quả mà lại gọi là củ, cứ phải có nước để "bơi" mới to và là đặc sản Phú Thọ?

Thứ sáu, ngày 27/05/2022 13:10 PM (GMT+7)
Không phải sơn hào hải vị, củ ấu sừng trâu với vỏ ngoài đen nâu, bên trong trắng nõn ở huyện Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ) được biết đến như một món ăn vặt đậm chất thôn quê dân dã với mùi thơm trong trẻo, vị ngọt mát khiến nhiều người phải “nghiện”. Thời điểm cuối thu đầu đông cũng là mùa thu hoạch củ ấu...
Bình luận 0

Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối thu, vượt quãng đường gần 80km từ thành phố Việt Trì, tôi về xã Quân Khê, huyện Hạ Hòa “thủ phủ” của củ ấu sừng trâu của tỉnh Phú Thọ. Những tia nắng bắt đầu chiếu đến mái hiên cũng là lúc tôi đặt chân đến nhà ông Nguyễn Đức Tuyển, người có tiếng trong xã về diện tích trồng cây ấu cũng như sản lượng củ ấu. 

Cây gì ra hoa đậu quả mà lại gọi là củ, cứ phải có nước để "bơi" mới to và là đặc sản Phú Thọ? - Ảnh 1.

Củ ấu nổi bồng bềnh trên mặt ruộng ở huyện Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ).

Chén trà nóng vừa pha bốc hơi nghi ngút, ngồi trên sập tre cổ đã bạc màu theo năm tháng, ở cái tuổi 70 dáng người gầy gò với làn da rám nắng đậm màu chân chất của người nông dân bán lưng cho đất bán mặt cho trời, ông Tuyển hồi tưởng lại những ngày đầu tiên mang củ ấu về ruộng nhà bắt đầu gieo trồng. 

Trải qua gần 40 năm, bên cạnh cây lúa, củ ấu đã trở thành nguồn thu nhập chính đảm bảo cuộc sống của gia đình ông cũng như nhiều gia đình khác, góp phần cải thiện kinh tế ở vùng quê nghèo Quân Khê. 

Ông bồi hồi chia sẻ: “Từ 1 sào ruộng trồng ấu thử nghiệm ban đầu sau đó mở rộng dần sang toàn bộ diện tích ruộng của gia đình và mướn thêm ruộng của anh em trong nhà. Hàng năm đúng vào ngày 7 tháng 5 âm lịch thì gia đình bắt đầu xuống giống ấu và đến tháng 9 sẽ được thu hoạch những tải ấu đầu tiên. Nhờ cây ấu gia đình đã bớt đói nghèo và đủ để trang trải nuôi nấng con cái trưởng thành như ngày hôm nay”.

Hơi ấm chén chè đã ngấm vào người xua tan cái lạnh sau quãng đường xa, ông Tuyển đưa tôi ra khu ruộng nhiều ấu nhất của bà con trong xã, xa xa đã thấp thoáng vài người nông dân thu hoạch củ ấu đầu mùa. 

Nhờ lượng nước dồi dào từ sông Thao chảy vào mang theo lượng lớn phù sa nên tạo nguồn dinh dưỡng tốt cho củ ấu phát triển, hàng chục năm nay người nông dân ở Quân Khê đã duy trì giống và trồng đúng vụ. 

Cây ấu không mọc quá sâu mà nổi bồng bềnh trên mặt ruộng, lá ấu mọc thành từng chùm màu xanh đậm, nở kín ruộng. Những ngày ấu đơm hoa, ra củ và buông những chùm củ đỏ au dưới bùn nước là tín hiệu mừng của người trồng ấu để có được một mùa ấu như mong đợi.

Cây gì ra hoa đậu quả mà lại gọi là củ, cứ phải có nước để "bơi" mới to và là đặc sản Phú Thọ? - Ảnh 3.

Củ ấu sừng trâu.

Hồ hởi vác rổ ấu đầy ắp vẫn đang rớt nước ướt đẫm trên vai, anh Đạt - người cũng đã gắn bó nhiều năm với cây ấu không giấu được niềm vui khi “thành quả” đầu tiên sau gần 5 tháng gieo trồng đã cho thu hoạch. 

Với anh, lúc nông nhàn nhờ trồng ấu và đi thu hoạch ấu thuê, đã cải thiện được phần nào kinh tế của gia đình để vợ chồng anh nuôi 2 con nhỏ ăn học đầy đủ. 

Chân tay vẫn lấm lem bùn, anh Đạt say mê kể về cây ấu cũng như kinh nghiệm học hỏi được từ các “bô lão” trồng ấu để đạt được năng suất cao nhất, điều quan trọng nhất để có được vụ ấu bội thu đó là khi ấu chín hàng loạt phải theo dõi sát sao để tránh ốc bươu vàng và chuột đồng phá hoại.

Được nghe, được tận mắt thấy những cánh đồng ấu xanh ngắt ngút tầm mắt mới cảm nhận được sự yên bình của một vùng quê, khác xa với những hối hả, tấp nập của cuộc sống hàng ngày nơi phố, thị. 

Tại căn bếp nhà ông Tuyển, sau khi được rửa sạch bùn đất, trên chiếc bếp củi đang nỏ lửa nồi củ ấu ngập nước được bắc lên, chỉ chừng 30 phút củ ấu từ màu đỏ đã chuyển dần thành màu đen cũng là lúc ấu đã chín. 

Vỏ ấu vẻ ngoài đen nhưng bên trong lại trắng ngần thơm thảo. Củ ấu dường như cũng giống như những người nông dân lam lũ, với vẻ bề ngoài khắc khổ nhưng chứa tấm lòng bao dung, thuần hậu. 

Ngồi bên những rổ ấu còn nóng hổi, tỏa ra từng làn khói mỏng, ông Tuyển nhắc lại “chuyện đời xưa”, những lúc mùa màng thất bát, đói kém, củ ấu cũng được dùng thay cơm, cháo như các loại khoai, đậu, khi cuộc sống đã đủ đầy, củ ấu vẫn hiện hữu trên bàn ăn của các gia đình như một món ăn vặt đậm đà hương vị của quê hương.

Từ món ăn dân dã không được nhiều người chú ý trước đây, củ ấu nay đã trở thành món ăn “đặc sản” nhất là với người trẻ ở thành phố, một món quà quê hương, mộc mạc mà thanh cao.

Giang Ngân (Báo Phú Thọ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem