|
Đại biểu Đặng Như Lợi phát biểu tại Hội trường. |
Bội chi dưới 5% mới hợp lý
Tại phiên thảo luận, đa số các ý kiến đều đánh giá cao kết quả tăng trưởng kinh tế, thu, chi ngân sách năm 2010, trong đó mức tăng trưởng GDP cả năm tăng khoảng 6,7%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, các đại biểu cũng còn băn khoăn về nhiều vấn đề.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng: "Bội chi ngân sách vẫn đưa ra mức 5% GDP là không hợp lý, vì như vậy thực chất bội chi vẫn tăng theo từng năm". Theo ông Hùng, nếu cứ để mức bội chi cao, kéo dài sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng, bội chi ngân sách năm 2011 ở mức 5,5% GDP như dự kiến là quá cao, cần đưa về dưới 5% mới hợp lý và phải có giải pháp để bội chi giảm dần theo từng năm, không thể tăng theo từng năm như thời gian qua.
Đồng tình với những phát biểu này, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) và đại biểu Lê Văn Thành (Hải Phòng) đề nghị cần có biện pháp giảm bội chi ngân sách dưới 5%, thông qua kiểm tra, giám sát việc chi ngân sách tại các dự án. Bà Lan chỉ ra rằng, ngay trong báo cáo của Chính phủ đã nêu rõ, chi ngân sách năm 2010 còn một số bất cập, đầu tư còn dàn trải, kiểm soát, hậu kiểm kê khai thuế, gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp.
Đại biểu Phan Văn Vĩnh (Nam Định) cho rằng, những tồn tại trong sử dụng ngân sách được khắc phục chậm khiến cho năm nào cũng tăng bội chi.
Trước nhiều ý kiến băn khoăn về bội chi, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, ngân sách khoảng 25 tỷ USD mà phải chi cho tất cả các thứ, lĩnh vực nào cũng đòi tăng chi, nhưng ngân sách chi kỳ này sẽ rành mạch, thể hiện rõ ở tờ trình của Chính phủ. Năm 2011, sẽ sắp xếp lại theo hướng chi nhiều cho an sinh xã hội, còn chi đầu tư sẽ theo nhiều hướng khác nhau. Đối với nhu cầu chi, sẽ đưa ra một số tiêu chí mới, điều chỉnh hệ số để đảm bảo điều hành hợp lý, có nhiều nguồn thu hơn, vượt thu khá hơn.
Cần có ngân sách dự phòng cho năm 2011
Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng mặc dù kết quả thu, chi ngân sách năm 2010 đạt nhiều tiến bộ nhưng vẫn tồn tại thực trạng phân bổ ngân sách dàn trải, chi sai mục đích. Đại biểu Phan Văn Vĩnh cho rằng ngân sách phân bổ cho các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn để xảy ra tình trạng phân bổ ngân sách dàn trải, công trình đầu tư bị kéo dài gây ra lãng phí.
Các đại biểu Danh Út (Kiên Giang) và Cầm Chí Kiên (Sơn La) đề nghị, phân bổ cho chương trình mục tiêu quốc gia cần thu gọn đầu mối, đầu tư có trọng điểm tránh lãng phí, lạm chi. Tăng ngân sách cho người nghèo, vùng nghèo, đồng bào dân tộc, hải đảo, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa miền núi và thành thị.
Theo ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội), dự toán ngân sách năm 2011 cần đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động. Ông Đào cho rằng cần giảm chi ngân sách nhà nước đối với lễ hội, tăng cường xã hội hoá lễ hội, chấm dứt đầu tư dàn trải.
Còn đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) cho biết, trước diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới cũng như thiên tai tại miền Trung gây thiệt hại nặng nề, cần lập dự phòng ngân sách cho năm 2011 để chủ động trong điều hành.
Linh An
Vui lòng nhập nội dung bình luận.