Đại ca một thời
Là con trai út trong một gia đình có 3 anh em, dù cha mẹ đều làm công nhân nhưng từ nhỏ Hoàng Mạnh Cường (35 tuổi, thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế, Bắc Giang) luôn được chiều chuộng hết mực. Có lẽ vì lý do đó mà ở cái tuổi những người bạn cùng trang lứa chỉ biết cắp sách tới trường thì Cường đã nổi danh vì những trận gây gổ đánh nhau. Cái biệt danh Cường "liều" có từ ngày đó. Càng lớn lên, sự nổi loạn của cậu con út này càng rõ nét khi bỏ bê việc học hành và chơi bời với các phần tử xấu.
Hoàng Mạnh Cường.
Theo như lời Cường kể, năm 1996, khi đang học lớp 10 tại Trường THPT Yên Thế, Cường thường theo đám bạn xấu trốn học đi chơi và sa chân vào ma túy lúc nào không hay. Cha của Cường là ông Hoàng Văn Ty vẫn luôn tin tưởng con trai, ông biết rằng ẩn sâu trong anh vẫn còn một chút ý niệm về sự lương thiện.
Ông Ty kể lại: "Từ ngày đi học nó đã rất nghịch ngợm, suốt ngày đánh nhau với các bạn. Nhiều lần gia đình chúng tôi phải đi bồi thường cho người ta. Nhưng khi đó Cường còn chưa dính đến ma túy, mãi sau này khi chơi với đám bạn xấu nó mới bị dụ dỗ...".
Bằng tất cả tình thương của người cha, ông Ty đã tìm mọi cách để Cường rời xa ma túy, quay trở lại con đường đúng đắn. Ngờ đâu, khi đang học Trường Trung cấp Y tế Bắc Giang thì Cường bỏ học, tụ tập "đàn em" và trở thành đại ca giang hồ đúng nghĩa. Vùng Yên Thế phải nhiều lần xôn xao trước những trận huyết chiến có Cường "liều" tham dự. Mặc dù được sự khuyên can của gia đình nhưng đáp lại từ Cường là sự bất cần đời và kèm theo đó là sự thiếu tôn trọng.
Thời điểm đó, giang hồ quanh vùng đất này nổi lên những cái tên có tiếng như Bảy "sẹo", Ba "đen". Nhưng khi giáp mặt Cường "liều" thì hai tên này cũng phải e dè.
Theo như lời kể của Cường, "trận chiến" mà cho đến giờ anh chưa thể nào quên được, đó là khi Bảy "sẹo" kéo đàn em cầm gậy gộc từ tận Bố Hải (một huyện của Bắc Giang cũ) lên Yên Thế để "xử" Cường. Nhưng khi chưa kịp xưng danh, tên này bị Cường lao đến đánh phủ đầu, một cú đấm như trời giáng khiến Bảy "sẹo" đổ gục xuống đất, hơn chục đàn em đi theo hoảng sợ không ai dám manh động.
Sau sự việc ấy, cái chữ "liều" được gắn với tên của Cường càng được khẳng định. Nhiều đại ca sừng sỏ quanh vùng đều tìm cách hẹn gặp Cường để thu phục về dưới trướng của mình. Nhưng với bản tính ngang ngạnh, Cường không đồng ý theo đại ca nào vì không muốn luồn cúi trước bất kỳ ai.
Nhưng rồi, sau một thời gian dài đắm chìm trong ma túy, trở thành một kẻ nghiện nặng, phong độ của Cường không còn như trước. Bạn bè giang hồ của Cường, những người cùng dính phải ma túy khi ấy cứ lần lượt ra đi về bên kia thế giới. Người thì bị thần kinh, kẻ thì sốc thuốc mà chết, kẻ thì đau khổ tự vẫn khi phát hiện ra mình bị nhiễm HIV. Chứng kiến hoàn cảnh của bạn bè và biết cái chết đang dần đến với mình, nhưng Cường vẫn không hề hối hận. Mỗi khi lên cơn thèm thuốc là lại chạy về tìm mẹ xin tiền, xin không được thì lấy trộm đồ trong nhà đi bán mặc cho gia đình khuyên bảo hết lời.
Về phần cha của Cường, trong suốt bao nhiêu năm như vậy nhưng ông vẫn không bỏ cuộc. Cứ mỗi khi có cơ hội ngồi tâm sự cùng cậu con út, ông lại ngọt nhạt khuyên con mình cai thuốc. Có những đêm ông thức trắng, nước mắt lưng tròng nhìn con đấu vật với cơn thèm thuốc. Chính vì những đêm thức trắng ấy mà sức khỏe của ông ngày càng yếu đi. Chứng kiến việc đó, lại thấy hai anh trai học hành giỏi giang, có công ăn việc làm ổn định, Cường bắt đầu thấy chạnh lòng, ân hận.
Và thế là một ngày, anh mở lời xin được đi cai nghiện. Nhưng đến với ma túy thì dễ, rời xa nó là cả một quá trình đầy gian khổ, sau nhiều lần vào rồi ra trại, Cường vẫn chưa thể dứt hẳn được với cái chết trắng. Có lần gần bỏ được thuốc rồi thì bị đám bạn giang hồ rủ rê đi hút và đâu lại hoàn đó. Cái thứ thuốc độc ấy nó khiến con người ta u mê, đầu óc không còn nghĩ ngợi được gì. Cảm giác như phát điên khi lên cơn thèm thuốc.
Ông Hoàng Văn Ty chia sẻ về con trai.
Sau những ngày đen tối
Để tránh xa đám bạn hư hỏng, giữa năm 2002, cha mẹ Cường gửi anh tới nhà của một người bà con ở Hà Nội. Trước khi đi, cô bạn gái của Cường từ thời đi học đã tặng anh một đôi giày da với lời động viên: "Anh cố gắng lên, đừng làm phiền lòng cha mẹ. Mỗi lần đi đôi giày này thì nhớ đến em. Dù có bao lâu thì em vẫn chờ đợi...".
Những lời động viên đầy tình cảm ấy như tiếp thêm sức mạnh cho cuộc đổi đời của Cường sau này. Khi ấy, anh đã quyết tâm sau khi làm lại cuộc đời sẽ lấy cô gái này làm vợ. Và như một mối duyên của cuộc đời, trong khoảng thời gian ở Hà Nội, Cường được một người bạn cùng khu phố dạy cho nghề đóng giày.
Từng là một đại ca tính tình nóng nảy, ngang ngạnh, vậy mà giờ đây phải ngồi tỉ mỉ từng tí nên việc học nghề với Cường là vô cùng khó khăn. Nhiều lần cảm thấy chán chường muốn bỏ học nhưng khi nhìn vào đôi giày dưới chân của cô bạn gái tặng, Cường lại có thêm động lực và tiếp tục việc học nghề. Đôi tay ấy một thời chỉ biết cầm dao, cầm gậy và dùng nắm đấm để gây gổ đánh nhau, vậy mà giờ đây kiên trì, nhẫn nại với những đôi giày. Có thể nói, Cường phải cố gắng gấp đôi những người khác để có một kỹ năng của một thợ giày chuyên nghiệp như hiện nay.
Đầu năm 2003, Cường quyết định về quê mở tiệm đóng giày. Khi thấy con trai mình bắt đầu biết lo nghĩ làm ăn lương thiện, cha anh vừa mừng lại vừa lo. Sau một hồi vay mượn, cha Cường đầu tư cho anh một tiệm giày nhỏ. Biết cha còn rất tin tưởng mình, Cường hạ quyết tâm kinh doanh thật tốt để trả nợ cho những lỗi lầm trong quá khứ. Khi công việc đã ổn định, việc tiếp theo anh muốn làm ngay đó là gặp cô bạn gái Nguyễn Thị Thắm (34 tuổi) để ngỏ lời cầu hôn với cô.
Và đúng như những gì đã ước hẹn, Thắm vẫn chờ đợi ngày anh quay trở lại và họ nên duyên vợ chồng. Thời gian mới về lại quê, những người bạn nghiện liên tục tìm đến để rủ rê, lôi kéo Cường quay trở lại con đường cũ. Do thấy anh có công việc ổn định nên nhiều kẻ còn giở giọng đểu để xin tiền mua thuốc. Nhưng khi đã quyết tâm, Cường đủ dũng khí để nói không với tất cả một cách dứt khoát.
Trong công việc làm ăn, có những lúc khó khăn, Cường phải đi nhiều nơi, gặp nhiều người để học hỏi kinh nghiệm kinh doanh. Do nắm bắt được thị hiếu của người dân nơi đây, anh đẩy mạnh kinh doanh nhiều mặt hàng giày dép với nhiều mẫu mã. Vì chất lượng tốt, giá thành lại phù hợp nên công việc của hai vợ chồng ngày càng phát đạt.
Cơ ngơi của anh Cường đang được xây dựng.
Sau khi có đủ vốn, Cường tiếp tục mở thêm một tiệm giày ở thị trấn Cầu Gồ với số vốn gần 600 triệu đồng. Sau một thời gian kinh doanh, thấy khu vực Mỏ Trạng (Bắc Giang) vẫn còn ít cửa hàng giày, có thể phát triển nghề nghiệp lại gần nhà vợ, Cường quyết định dồn toàn bộ vốn liếng mở một cửa hàng ở đó. Với số tiền lãi kiếm được, anh mua một mảnh đất rộng và đang xây dựng trên đó một ngôi nhà khang trang, tổ ấm tương lai của hai vợ chồng.
Hạnh phúc với cuộc đời của gia đình Cường còn lớn hơn khi cô con gái xinh xắn ra đời. Mái ấm có thêm tiếng cười của con trẻ càng thêm ấm áp và tiếp thêm sức lực cho một người từng đã là giang hồ có số má, nay vững tâm trên con đường hướng thiện.
Chia sẻ về những thay đổi của cuộc đời mình, Cường cho biết: "Tôi rất biết ơn vì gia đình tôi luôn tìm cách giúp tôi rời xa những cám dỗ của ma túy. Đặc biệt là sự tin tưởng của cha và vợ dành cho tôi trong suốt những năm tháng tối tăm ấy. Nếu không có sự tin tưởng ấy, tôi cũng không có ngày hôm nay và chắc chắn sẽ sa ngã thêm một lần nữa".
Dù nghe anh nói vậy, nhưng chắc chắn không ai có thể phủ nhận rằng, để thoát ra khỏi sự cám dỗ của ''cái chết trắng'', phần lớn vẫn phải nhờ vào ý chí quyết tâm của bản thân Cường. Sự góp sức của người thân chỉ là một động lực, một sự chỉ dẫn giúp con đường tìm về với bản ngã, với sự lương thiện của anh ngày một ngắn hơn.
Giờ đây, khi nhận xét về anh, không chỉ cha Cường, mà nhiều người thân trong gia đình đều nói rằng: "Cường giờ rất chăm lo cho gia đình và chẳng bao giờ làm ai phải phiền lòng". Đó là một sự thay đổi ít ai của thể tưởng tượng được của một người từng là đại ca, từng vô cùng liều lĩnh và từng lạc lối trong sự cám dỗ của ''cái chết trắng''.
Phong Lê (Cảnh sát Toàn cầu)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.