Con đường huyền thoại: Góp sức giải phóng Trường Sa

Thứ năm, ngày 20/10/2011 13:59 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không chỉ tạo nên một con đường huyền thoại vượt qua sự bao vây của quân thù để đưa vũ khí vào chiến trường miền Nam, cán bộ chiến sĩ đoàn tàu không số còn góp công vào nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa và sau đó là những chuyến tàu vận chuyển trang thiết bị để xây dựng, bảo vệ đảo.
Bình luận 0

Ba con tàu tiên phong

Trong một lần hội ngộ hiếm hoi của họ tại Hải Phòng, 3 vị Thuyền trưởng Nguyễn Xuân Thơm, Nguyễn Văn Đức và Phạm Duy Tam đã cùng nhắc lại lần họ xuất quân ra giải phóng Trường Sa. Với họ, đó đây là một nhiệm vụ vinh dự và thiêng liêng.

img
Ba vị thuyền trưởng giải phóng Trường Sa năm xưa hội ngộ.

Ông Thơm kể: Đảo Song Tử Tây là mục tiêu được lựa chọn đánh đầu tiên. Nhận nhiệm vụ, ai cũng rất hào hứng. Từ Hải Phòng 3 tàu cấp tốc đi vào Đà Nẵng. Tàu 673 của ông Thơm chở lực lượng Đặc công Hải quân. Tàu 674 của ông Đức là tàu chỉ huy biên đội, chở ông Mai Năng- chỉ huy trưởng Đoàn 126 Đặc công, ông Dương Tấn Kịch-chỉ huy phó Đoàn 125 và anh Trần Minh Toản - đặc phái viên của Bộ Tư lệnh cùng 1 trung đội Đặc công Hải quân. Còn tàu 675 do ông Tam làm Thuyền trưởng chở lực lượng Đặc công Quân khu 5 và một bộ phận giữ đảo của Đoàn M26.

Hải trình hành quân vô cùng vất vả do thời tiết xấu. Biển động, sóng gió lớn làm anh em rất mệt; thiết bị hàng hải dẫn đường rất thô sơ, chỉ có một la bàn... Nhưng đây là nhiệm vụ rất quan trọng, không thể chậm trễ... “Chúng tôi mở hết công suất máy. Rồi tàu anh Đức bị hỏng máy, cả biên đội cùng tập hợp để kéo nhau trên biển. Đã thế mọi liên lạc với Sở chỉ huy của Quân chủng ở Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng lại bị cắt đứt...” – ông Thơm nhớ lại.

Chiến công nối chiến công

Sau 3 ngày đêm hành quân liên tục vượt gần 800 hải lý, biên đội đã phát hiện được đảo Song Tử Tây. Lúc đó khoảng 3 giờ sáng ngày 13.4.1975. Được lệnh của chỉ huy biên đội, tàu 673 tìm cách tiếp cận quanh đảo để vẽ cảnh đồ, định hướng đổ bộ. Lúc này, ngoài khơi cách đảo 20 hải lý về phía tây có Tuần dương hạm HQ- 16, Khu trục hạm HQ- 13, HQ- 14, tàu đổ bộ LST của địch lởn vởn quanh các đảo.

Sau khi Ban chỉ huy thông qua kế hoạch đổ bộ đánh chiếm đảo, 2 tàu 674 và 675 án ngữ phía bắc cách đảo 15 hải lý đề phòng đối phương từ phía bắc xuống và nghi binh hai tàu chiến của đối phương đang lởn vởn ở khu vực đảo Nam Yết. Tàu 673 bí mật tiếp cận gần mép san hô của đảo, thả các xuồng cao su loại nhỏ, lần lượt chở 40 đặc công nước do Nguyễn Ngọc Quế - Đội trưởng đội 1, Đoàn 126 chỉ huy đổ bộ lên đánh chiếm đảo.

Đúng 5 giờ - giờ G đã đến. Sau 3 hồi còi dài của Thuyền trưởng Thơm, đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế (Đoàn 126) hạ lệnh nổ súng. Khẩu DKZ gầm lên, đạn bắn thẳng vào tháp canh của địch. Bị tấn công bất ngờ, địch chống trả quyết liệt. B40, B41 của bộ đội ta bịt họng các ổ đề kháng của địch.

Những chiếc tàu không số năm xưa từ đóng bằng gỗ, bây giờ đã được thay thế bằng nhiều tàu vận tải quân sự hiện đại. Nhưng với những người chiến sĩ vận tải hải quân, họ vẫn phát huy tinh thần của những bậc cha anh, sẵn sàng hy sinh bản thân mình để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Sau 30 phút chiến đấu, ta làm chủ hoàn toàn đảo Song Tử Tây. Thu dọn chiến trường, đưa đặc công Quân khu 5 lên phòng thủ đảo xong, 3 con tàu đảm nhiệm việc chở tù binh về đất liền. Đêm 23, rạng sáng 24.4.1975, tàu 673 tiếp tục chở lực lượng đặc công giải phóng các đảo còn lại thuộc quần đảo Trường Sa. Cùng đi có tàu 641. Biên đội chia làm 2 mũi.

Tàu 641 làm chủ công chở quân đổ bộ đánh chiếm đảo Sơn Ca. Sau khi trinh sát đảo, 2 giờ 30 trận đánh bắt đầu. Bị bất ngờ, địch không kịp chống cự, hô nhau bỏ chạy ra ngoài đều bị bắt sống.

Đêm sau, biên đội tiến vào giải phóng Nam Yết. Địch đóng ở đây cũng vội vã bỏ chạy. Tàu 641 tiếp tục hành quân đi giải phóng đảo Sinh Tồn vào lúc 10 giờ 30 ngày 28.4. Trên đà thắng lợi, tàu 673 nhận lệnh đưa bộ đội nhanh chóng đi giải phóng Trường Sa Lớn. Đúng 9 giờ sáng ngày 29.4, quần đảo Trường Sa được giải phóng hoàn toàn, sớm 26 giờ so với kế hoạch.

Viết tiếp bản hùng ca

Sau ngày đất nước thống nhất, đoàn tàu không số đã được đổi tên là Lữ đoàn Vận tải 125. Với truyền thống và bề dày lịch sử của mình, những thế hệ của đoàn tàu không số năm xưa lại nối tiếp nhau bám biển bám tàu, để xây dựng và bảo vệ Trường Sa. Đã có những con tàu được phong anh hùng do góp công lớn trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc biệt trong năm 1988, trên khu vực quần đảo Trường Sa có nhiều biến động, những người ngưới lính vận tải Hải quân đã tiếp tục phát huy vai trò anh hùng.

Năm 1988 các lực lượng của Quân chủng Hải quân đã vận chuyển chiến đấu với khối lượng tăng gấp 7 lần so với năm 1987, riêng Lữ đoàn 125 có 318 chuyến tàu vận tải ra Trường Sa. Với thành tích đó, 2 tàu HQ505, HQ931 và 2 Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và Vũ Phi Trừ được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

------------

Kỳ cuối: Người mở đường ra Bắc

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem