Con gái thi sĩ Nguyễn Bính nói về dị bản bài thơ "Trường huyện"
Con gái thi sĩ Nguyễn Bính nói về dị bản của bài thơ "Trường huyện": Nên tuân theo những gì cha tôi công bố
Khánh Yến
Thứ hai, ngày 02/08/2021 19:30 PM (GMT+7)
Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, con gái của thi sĩ Nguyễn Bính khẳng định, bà trân trọng sự quan tâm của công chúng dành cho tác phẩm của cha mình, nhưng thiết nghĩ giới văn chương hãy cứ tuân theo những gì khi còn sống ông đã lựa chọn và xuất bản.
Mới đây, trên văn đàn xôn xao một phát hiện mới về bài thơ "Trường huyện" của thi sĩ Nguyễn Bính – nhà thơ lãng mạn nổi tiếng bậc nhất tại Việt Nam. Theo đó, trong bài viết của nhà văn Triệu Xuân, ông cho rằng, tác phẩm này thực tế có tới 7 khổ thơ, 28 câu, chứ không chỉ có 3 khổ thơ, 12 câu như các sách in ấn hiện hành. Tác giả tham khảo tư liệu từ cuốn sổ ghi chép của ông Đoàn Ngọc Châu, theo những gì ông nhớ được từ năm 1976.
Bản in bài thơ "Trường huyện" trong "Nguyễn Bính toàn tập" có nội dung đầy đủ như sau:
TRƯỜNG HUYỆN
Học trò trường huyện ngày năm ấy
Anh tuổi bằng em lớp tuổi thơ
Những buổi học về không có nón
Đội đầu chung một lá sen tơ.
Lá sen vương vấn hương sen ngát
Ấp ủ hai ta chút nhụy hờ
Lũ bướm tưởng hoa cài mái tóc
Theo về tận cửa mới tan mơ.
Em đi phố huyện tiêu điều lắm
Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi
Mà đến hôm nay anh mới biết
Tình ta như chuyện bướm xưa thôi.
Trong khi đó, bản "Trường huyện" theo phát hiện mới có tới 7 khổ với nhiều chi tiết chưa từng công bố:
TRƯỜNG HUYỆN
Trường huyện ngày xưa ở bên sông
Mỗi khi hoa phượng nở rực hồng
Áo trắng đôi bờ ai thấp thoáng
Để tiếng ve sầu gọi mênh mông.
Học trò trường huyện ngày năm ấy
Anh tuổi bằng em lớp tuổi thơ
Những buổi học về không có nón
Che đầu chung một lá sen tơ.
Lá sen vương vấn, hương sen ngát
Ấp ủ đôi ta chút nhụy hờ
Lũ bướm tưởng hoa cài mái tóc
Theo về tận ngõ mới tan mơ.
Thuở ấy trong anh còn nhớ mãi
Thơm ngát hương quê những trái bàng
Mỗi buổi trưa về anh thường hái
Tặng em cuối lớp mỗi thu sang.
Anh nhớ trưa vàng trải trên đê
Trống tan từng tốp nhỏ đi về
Áo nâu ai đó dừng trên bến
Nón trắng che dài mái tóc quê.
Rồi hôm nắng đỏ tràn trên lối
Mẹ đón em về học trường bên
Sân trường phẳng lặng như hờn dỗi
Để ánh mắt ai đọng bên thềm.
Em đi phố huyện tiêu điều lắm
Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi
Cho đến hôm nay tôi mới hiểu
Tình ta như chuyện bướm xưa thôi!
Để rộng đường dư luận, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, con gái thi sĩ Nguyễn Bính, bà cũng chính là người biên tập cuốn "Nguyễn Bính toàn tập" do NXB Hội Nhà văn xuất bản vào năm 2017.
Bà cho biết: "Trước nay, thơ của cha tôi luôn có rất nhiều dị bản. Trong lúc tôi làm toàn tập, tôi đã in bài thơ "Trường huyện" theo đúng bản thảo cha tôi đã biên tập khi còn sống đã in trong tập "Nước giếng thơi", do NXB Hội nhà văn xuất bản vào năm 1957. Cũng bởi vậy, theo quan điểm của tôi và gia đình, hãy cứ nên tuân thủ theo những gì khi còn sống cha tôi đã công bố.
Tôi cũng đã thấy nhiều dị bản, người có 8 khổ, có người 10 khổ. Tôi không có ý kiến về điều này, bởi tôi biết đó là sự quan tâm, yêu quý mà mọi người dành cho cha. Còn chuyện hay dở, đúng sai thì tôi không thể phát biểu, vì tôi chưa từng được tiếp cận với những văn bản đó".
Trong phần trả lời bài viết của nhà thơ Triệu Xuân, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu cũng cung cấp bản in bài thơ "Trường huyện" trong tập thơ "Nước giếng thơi" xuất bản năm 1957. Bà viết: "Chính cha em biên tập lại, in trong tập "Nước giếng thơi", năm 1957. Không ai dám cắt xén, trừ cha em. Không khập khiễng đâu anh. Cha em là người cẩn trọng. Cảm ơn mọi người đã quan tâm".
Thi sĩ Nguyễn Bính (1918–1966) là nhà thơ lãng mạn nổi tiếng của Việt Nam với nhiều tác phẩm sống mãi trong lòng người đọc như "Tương tư", "Chân quê", "Lỡ bước sang ngang", "Những bóng người trên sân ga…" Sau hơn nửa thế kỷ ông giã từ cõi tạm, những tác phẩm của Nguyễn Bính vẫn luôn được người yêu thơ yêu mến, chia sẻ trên các diễn đàn văn học nghệ thuật.
Nói về điều này, nhà thơ Hồng Cầu chia sẻ: "Vinh quang lớn nhất của một nhà văn, nhà thơ chính là sự tồn tại của các tác phẩm trong lòng công chúng. Đó là niềm tự hào lớn lao mà không phải người viết nào cũng may mắn có được. Là phận làm con, tôi trước sau luôn cảm tạ tình cảm mà các thế hệ độc giả đã dành cho cha mình. Còn việc phân tích, đánh giá xin nhường lại cho các nhà phê bình thi ca, nghệ thuật".
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Dân Việt, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho biết, dù vô cùng yêu thích thơ Nguyễn Bính nhưng đây là lần đầu tiên ông biết tới bài thơ "Trường huyện" phiên bản 7 khổ 28 câu.
Ông cho rằng: "Có thể lúc đầu thi sĩ Nguyễn Bính đã viết 7 khổ thơ, nhưng sau khi xem xét lại, ông cắt bớt đi và chỉ để lại 3 khổ như đã xuất bản. Đây là điều vô cùng bình thường đối với những người viết, một tác giả hoàn toàn có thể cắt bớt đi khi thấy quá dài, hoặc cũng có thể viết thêm khi không đủ ý.
Nếu bản 7 khổ này đúng là bản đầu tiên của nhà thơ Nguyễn Bính thì tôi có thể khẳng định ông đã cắt gọt rất hay, rất tài tình. Bởi trong phiên bản đó, "Trường huyện" có phần mang tính kể lể, tuần tự, quá nhiều chi tiết. Khi cắt lại còn 3 khổ, Nguyễn Bính chỉ giữ lại gì đắt giá.
Đâu cần miêu tả "Trường huyện ngày xưa ở bên sông/Mỗi khi hoa phượng nở rực hồng…", mà với câu thơ "Đội đầu chung một lá sen tơ", tác giả đã vẽ nên một khung cảnh tuyệt đẹp, đầy ngọt ngào tình tứ của đôi trai gái cùng quê, học chung trường. Bài thơ chính vì cô đúc mà tứ thơ lại càng trở nên dào dạt.
Tôi nghĩ câu chuyện này nếu đúng càng nói lên cái tài của nhà thơ Nguyễn Bính. Nếu cứ để 7 khổ thơ, chắc gì chúng ta đã có một "Trường huyện" hay và giàu hình tượng tới vậy".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.