Thông tin Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa Luật Đất đai theo hướng tăng thời hạn giao đất và tăng hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp ai cũng mừng. Nhưng, còn hạn mức thì đời sống của người nông dân vẫn còn khổ, sản xuất còn gặp trở ngại.
Thực tế khái niệm vượt hạn điền, tức nông dân gom đất lại để sản xuất lớn đã xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương, nhất là ĐBSCL. Tuy nhiên, do chưa được pháp luật công nhận nên có tình trạng phổ biến là ai “vượt hạn điền” thì nhờ người khác đứng tên, vừa né hạn điền, vừa né thuế lũy tiến trước đây và thuế vượt hạn điền sau này.
Việc này đã tạo ra sự trắc trở, bội tín trong nội bộ nông dân, gia đình và họ hàng vì đứng tên giúp rồi tranh chấp, muốn chiếm luôn.... Nay nếu cần thì Luật Đất đai sửa đổi lần này vẫn để là "Đất cấp lần đầu không thu tiền là 3 ha", còn công nhận quyền sử dụng đất do mua bán, sang nhượng để lập trang trại thì không hạn điền. Như vậy các chủ trang trại mới yên tâm đầu tư và nghĩa tình nông dân với nhau không có kẽ hở cho nói dối, bội tín chen vào.
Kinh tế nông nghiệp trang trại của Mỹ có năng suất, sản lượng cao mà giá thành rẻ khó ai cạnh tranh, kể cả Tây Âu chính là nhờ quy mô trang trại lớn, áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật công nghệ tiên tiến. Ngày nào chúng ta còn tính chuyện bình quân đất đai, bình quân lương thực trên mỗi nhân khẩu là ngày ấy ta chưa thoát ra khỏi tư duy và hệ quả của nền kinh tế tiểu nông lạc hậu. Lạc hậu đồng nghĩa tụt hậu và không tồn tại.
Thử tính một nông dân có 3 ha đất, có 2 con, có 4 cháu, tính từ con thứ hai ra đời đến cháu (nội - ngoại) tròn 20 tuổi lập gia đình là khoảng trên dưới 40 năm - một thế hệ lao động; vậy từ một trung nông đến con sẽ là bần nông, rồi đến cháu là bần - cố nông (vì phải làm thuê thêm mới đủ sống).
Cái hạn điền không nói lên bản chất cách mạng mà bản chất cách mạng trong tam nông là năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh doanh trong nông nghiệp; là sự thịnh vượng của xã hội và môi trường nông thôn; là hạnh phúc của nông dân.
Muốn tam nông thành công thì ngoài chính sách trực tiếp, việc giảm nhân khẩu nông nghiệp cũng là điều kiện tiên quyết. Khi giáo dục dạy nghề đi đúng quỹ đạo, phân công lại lao động trên quy mô xã hội thì cái hạn điền tự nó sẽ không còn. Ngày nào còn hạn điền, ngày ấy nông nghiệp còn nghèo vì không cạnh tranh nổi.
Nguyễn Minh Nhị
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
Vui lòng nhập nội dung bình luận.