Con học online, phụ huynh xoay xở 1.001 cách để đi làm

Mỹ Quỳnh Chủ nhật, ngày 10/10/2021 07:00 AM (GMT+7)
Nhiều phụ huynh tại TP.HCM đang loay hoay tìm cách để có thể đi làm kiếm tiền nhưng vẫn đảm bảo cho con học online ở nhà theo chương trình của trường, lớp.
Bình luận 0

Xoay xở đủ kiểu 

Chị B.H (34 tuổi, ngụ phường Thạnh Lộc, quận 12) là một cán bộ phụ nữ làm việc tại phường 6, quận Bình Thạnh (TP.HCM). Chị có cô con gái vừa bước vào lớp 1 và đang học trực tuyến. 

Vì tính chất công việc, nhiều tháng qua chị liên tục phải làm có mặt ở cơ quan để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân nên việc học hành của con đều do chồng chị hỗ trợ.

Thế nhưng, khi thành phố nới lỏng giãn cách, nhiều hoạt động trở lại "bình thường mới" cũng là lúc chồng chị H phải quay trở lại công việc. 

Chồng chị là kỹ sư địa chất công trình, hết giãn cách là phải đi làm việc tại các tỉnh, không thể về nhà mỗi ngày. Chính vì vậy, việc ai ở nhà chăm sóc và hỗ trợ việc học online của con khiến vợ chồng chị H đau đầu, không biết phải xoay xở như thế nào.

Nới lỏng giãn cách, phụ huynh loay hoay tìm cách đi làm khi con nhỏ học online ở nhà - Ảnh 1.

Một học sinh học trực tuyến tại sảnh chung cư 1050 (quận Bình Thạnh). Ảnh: Mỹ Quỳnh

"Cả hai vợ chồng đi làm, để đứa con nhỏ 6 tuổi ở nhà thì thật sự không yên tâm chút nào. Giờ học của con cũng không cố định, hôm học buổi sáng, hôm lại học buổi chiều. Mặc dù tôi đã hướng dẫn các thao tác trên máy cho con để vào học online, nhưng con còn nhỏ quá, dặn trước quên sau. Thời điểm này, cũng chẳng thể nhờ vả ông bà nội ngoại, mà công việc của tôi không thể nghỉ ở nhà", chị H than thở.

Để giải quyết, tạm thời vợ chồng chị H. đã nhờ cậy hàng xóm để mắt đến con trong thời gian đi làm. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, chị chạy từ cơ quan về lo cho con ăn uống, ngủ nghỉ, chuẩn bị sách vở, mở máy sẵn để con học online. Sau đó lại tất tả chạy đi làm.

"Có nhiều hôm đường truyền bị trục trặc, con tôi đang học thì tài khoản bị văng ra ngoài. Bé phải chạy sang hàng xóm nhờ kết nối lại. May mắn là tôi ở chung cư, nhà gần kề nhau, hàng xóm cũng ở nhà giữ con nên có thể nhờ vả được. Nhưng nếu kéo dài đến hết năm cũng không ổn chút nào. Thôi thì được đến đâu hay đến đó", chị H nói.

Anh Q.P (phường Tăng Nhơn Phú B, TP.Thủ Đức) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Thời gian qua, lúc dịch bệnh căng thẳng, cả gia đình anh đều ở nhà. Việc học hành của con được hai vợ chồng sát sao theo dõi. 

Những ngày gần đây, vợ chồng anh quay trở lại công việc nên việc trông nom, học tập của hai đứa con (một cháu học lớp 4 và một bé nhỏ 3 tuổi) khiến gia đình anh "nháo nhào".

Nới lỏng giãn cách, phụ huynh loay hoay tìm cách đi làm khi con nhỏ học online ở nhà - Ảnh 3.

Học sinh lớp 1 học trực tuyến tại TP.HCM. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Vì điều kiện kinh tế không cho phép nên vợ chồng anh bắt buộc phải đi làm. Sau nhiều ngày tính toán, cân nhắc, hai vợ chồng quyết định cùng xin phép cơ quan cho đi làm 3ngày/tuần. Cứ vậy, hai vợ chồng thay phiên nhau đi làm xen kẽ trông con.

"Nhiều người xung quanh tôi phải chấp nhận nghỉ việc để ở nhà lo cho con dù kinh tế rất kiệt quệ. Vợ chồng tôi còn nợ tiền ngân hàng, lo cho cha mẹ già và con nhỏ... mà mấy tháng qua không làm ăn gì được nên không dám nghỉ, phải ráng đi làm. Tạm thời, cứ ngày làm ngày nghỉ, luân phiên nhau để vừa lo cho con vừa có tiền trang trải trong nhà" - anh Q.P cho biết.

Rơi vào bế tắc

Được mở cửa trở lại, nhiều người lao động mừng "rơi nước mắt" vì có thể mưu sinh, kiếm kế sinh nhai sau nhiều tháng dài vật vã chôn chân một chỗ. Nhưng sự vướng bận khi con cái ở nhà cũng khiến nhiều người đắn đo, cân nhắc, thậm chí... rơi vào bế tắc.

Chị T.V (ngụ Gò Vấp) - một người mẹ đơn thân nuôi hai con nhỏ 6 và 4 tuổi cho biết, trước khi dịch xảy ra chị buôn bán nhỏ ở ngoài chợ. Từ khi dịch bùng phát, ba mẹ con sống lay lắt qua ngày nhờ vào sự hỗ trợ của chính quyền và mạnh thường quân, chứ bản thân không làm ra tiền. Xui hơn nữa, ba mẹ con trở thành F0 và phải tự điều trị tại nhà.

Hiện tại, sức khỏe của ba mẹ con đã ổn, còn kinh tế thì "không ổn chút nào". Hay tin thành phố cho phép hoạt động buôn bán trở lại, chị V mừng lắm, lập tức lấy hàng để buôn bán trở lại.

Nới lỏng giãn cách, phụ huynh loay hoay tìm cách đi làm khi con nhỏ học online ở nhà - Ảnh 4.

Nhiều gia đình phải để các con tự chăm sóc, chỉ bảo cho nhau để đi làm trở lại. Ảnh: Mỹ Quỳnh

"Cái khổ của tôi là chỉ một thân một mình, hai con thì nhỏ dại. Trong đó, đứa lớn đang học online chương trình lớp 1. Giờ tôi đi làm thì chẳng ai trông con, chẳng có ai hỗ trợ con học hành. Để con tự học thì coi như xong, chẳng học hành được gì cả. Trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ rằng con là trên hết, không muốn con phải lưu ban, ở lại lớp, nhưng nếu không buôn bán thì cả mấy mẹ con chết đói. Đúng là bế tắc quá…", chị V buồn rầu cho biết.

Chị L.G (quận Gò Vấp) cho biết, ban đầu chị cũng rất lúng túng, không biết xoay xở thế nào để vừa đi làm vừa có thể lo cho con học tập. Cuối cùng, chị chọn cách cho các con tự giác học tập, không đặt nặng hiệu quả trong thời gian học online. 

Ban ngày, khi chị đi làm thì đứa lớn (10 tuổi) trông đứa nhỏ (7 tuổi) và tự giác vào học online khi đến giờ. Chị sẽ quan sát các con từ xa. Đồng thời, nếu các con không học trực tuyến thì chị cho học lại trên Tivi hoặc youtube. Mỗi tối, chị ôn tập lại bài vở cùng các con.

"Trong điều kiện hiện nay, ai cũng gặp khó khăn, vất vả. Mỗi người một hoàn cảnh riêng nên cứ liệu tình hình để xoay xở. Vẫn biết là học online thì các con rất cần có người lớn bên cạnh, nhưng nếu điều kiện không cho phép thì cứ để các con tự lập, tự thích nghi, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi", chị G nói.

Từ ngày 13/9 kênh HTVKey (HTV4, Đài truyền hình TP.HCM) sẽ bắt đầu phát sóng chương trình dạy học qua truyền hình lớp 1, lớp 2 (Bộ sách Chân trời sáng tạo) để học sinh có thêm kênh học tập.

Để giúp cho tất cả phụ huynh có thể tham gia học cùng con, chương trình phát sóng 3 lần/ngày cùng một nội dung vào các khung giờ: Sáng 9h-10h10, chiều 15h-16h10, tối 20h-21h10.

Chương trình lớp 1 sẽ phát vào thứ 2, 4, 6 và lớp 2 sẽ là 3, 5, 7 hàng tuần với cùng khung giờ trên. Mỗi buổi học gồm 3 bài: 2 bài tiếng Việt và 1 bài toán. Thời lượng dạy học 20 phút/bài. Giữa các bài có 5 phút giải lao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem