Nuôi ốc nhồi ở Hải Dương, "đẻ vô tội vạ", bắt chất hàng thùng, bao nhiêu cũng bán hết

Thứ năm, ngày 30/06/2022 13:00 PM (GMT+7)
Nhiều hộ dân trong tỉnh Hải Dương đã tích cực tìm kiếm con giống và khôi phục lại việc nuôi ốc nhồi, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Bình luận 0

Nhiều hộ dân trong tỉnh đã tích cực tìm kiếm con giống và khôi phục lại việc nuôi ốc nhồi, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Nuôi ốc nhồi ở Hải Dương, khi đẻ thì "đẻ vô tội vạ", khi bắt thì chất hàng thùng, bao nhiêu cũng bán hết - Ảnh 1.

Thức ăn của ốc nhồi là các loại hoa quả, rau bèo có trong tự nhiên

Khôi phục ốc nhồi

Cách đây khoảng 30 năm, ốc nhồi xuất hiện nhiều ở các ao, thùng vũng trong tỉnh. Nhưng do sự thay đổi môi trường sống, loại ốc này dần biến mất trong môi trường tự nhiên. 

Khoảng 7-8 năm trở lại đây, ốc nhồi lại được bán trên thị trường. Thời kỳ đầu, ốc chủ yếu do thương lái mang từ Lào về, sau đó được vận chuyển từ miền Nam ra với giá 200.000 đồng/kg ốc thịt. Nhận thấy thị trường ốc nhồi rất tiềm năng, nhiều người dân trong tỉnh đã nuôi loại ốc này và thu được kết quả khả quan.  

Nuôi ốc nhồi ở Hải Dương, khi đẻ thì "đẻ vô tội vạ", khi bắt thì chất hàng thùng, bao nhiêu cũng bán hết - Ảnh 2.

Ông Phạm Văn Trầm ở thôn Phương Khê, xã Hồng Hưng (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) nuôi ốc nhồi giống.

 Ông Phạm Văn Trầm ở thôn Phương Khê, xã Hồng Hưng (Gia Lộc) cho biết ông đã đi nhiều nơi trong tỉnh cũng như sang Hải Phòng, Thái Bình tìm mua ốc nhồi của những người đi bắt ở mương máng, sông... 

Ông gom từng con ốc nhồi mang về nhân giống. Công sức của ông bỏ ra được đền đáp khi ốc đẻ trứng ngày càng nhiều. 

Hiện nay, ông Trầm cung ứng giống ốc nhồi cho người có nhu cầu trong cả nước. Với ông Trầm, nuôi ốc  khá đơn giản nhưng cũng phải chú trọng các điều kiện nuôi. Thức ăn tốt nhất của ốc là bầu, mướp, sau đó đến bèo tấm, bèo cái, khoai ngứa...

Cách đây khoảng 4 năm, trên diện tích 5 mẫu, gia đình chị Tân Thị Hoa ở thôn Quảng Tân, xã Nam Tân (Nam Sách) nuôi lợn và cá. 

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường tiêu thụ khó khăn trong khi giá cám không ngừng tăng nên hiệu quả kinh tế bấp bênh. Sau khi nuôi thử nghiệm và thấy ốc nhồi dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao nên chị đã quyết định chuyển sang nuôi loại này. Đến nay, diện tích nuôi ốc nhồi trong trang trại của gia đình chị lên đến 3 mẫu, số còn lại chị nuôi cá giống. 

Nuôi ốc nhồi ở Hải Dương, khi đẻ thì "đẻ vô tội vạ", khi bắt thì chất hàng thùng, bao nhiêu cũng bán hết - Ảnh 3.

Ấp trứng ốc nhồi tại trang trại của gia đình chị Tân Thị Hoa ở thôn Quảng Tân, xã Nam Tân (Nam Sách)

Hiệu quả kinh tế cao

Theo chị Hoa, thời gian nuôi ốc nhồi từ tháng 3 và kết thúc vào tháng 9, khi có gió heo may, ốc sẽ vào trạng thái ngủ đông. Dù thời gian nuôi ngắn nhưng mang lại thu nhập khoảng 500-600 triệu đồng/năm, cao gấp 3-4 lần so với nuôi cá trước đây. 

Không chỉ bán ốc thịt với giá 100.00 -110.000 đồng/kg, gia đình chị còn cung cấp ốc giống với giá 300 đồng/con. 

So với những loài khác, chi phí nuôi ốc khá thấp. Ông Phạm Văn Trầm cho biết thêm với 1 sào ao, người nuôi chỉ cần bỏ ra từ 9-10 triệu đồng mua khoảng 3,5 vạn ốc nhồi giống và thêm một phần nhỏ mua sinh phẩm cải thiện môi trường nước, còn thức ăn cho ốc chủ yếu kiếm ngoài tự nhiên. Do đó, nuôi ốc phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều gia đình.

Nuôi ốc nhồi ở Hải Dương, khi đẻ thì "đẻ vô tội vạ", khi bắt thì chất hàng thùng, bao nhiêu cũng bán hết - Ảnh 4.

Thu hoạch ốc nhồi thương phẩm tại trang trại của ông Trầm (ảnh tư liệu)

Theo Đề tài "Xây dựng mô hình kỹ thuật nuôi thương phẩm ốc nhồi phù hợp điều kiện tỉnh" do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện trong năm 2021 cho thấy ốc nhồi dễ nuôi, ít bệnh tật và cho hiệu quả kinh tế cao. 

Trong quá trình nuôi thử nghiệm, Ban Chủ nhiệm đề tài sử dụng kháng chất và vitamin C để tăng sức đề kháng cho ốc. Ốc nhồi không bị dịch bệnh lại lớn nhanh. 

Chị Vũ Thị Kim Hoa, Chủ nhiệm đề tài cho biết: "Sau 3 tháng nuôi, ốc thương phẩm đạt trọng lượng từ 25-30 con/kg, tỷ lệ sống 70-80%, năng suất 18,2 tấn/ha. Người dân thu lãi từ 180-220 triệu đồng/ha".

Hải Dương hiện có khoảng 150 ha nuôi ốc nhồi. Theo nhận định của một số hộ dân, nhu cầu nuôi ốc nhồi trong những năm tới vẫn còn khá cao. 

Để tránh tình trạng cung nhiều hơn cầu, cơ quan chức năng cần có những định hướng cụ thể rõ ràng, người dân cũng cần nghiên cứu kỹ điều kiện của gia đình, thị trường trước khi quyết định nuôi loại này để có thể đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất. 


Thanh Hà (Báo Hải Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem