Con nói nhảm, đêm khóc vì... thi cử

Thứ sáu, ngày 05/05/2017 11:43 AM (GMT+7)
Khi phát hiện con có những lúc hay nói nhảm, không tập trung, đêm nằm ngủ còn phát ra tiếng khóc và rất nhiều biểu hiện bất ổn, vợ chồng anh Châu tá hỏa đưa con đến phòng khám tâm lý. Cháu được chuẩn đoán là loạn thần, rối loạn lo âu vì thi cử được cần được điều trị bằng việc ổn định tâm lý và uống thuốc.
Bình luận 0

Con trai học lớp 6 vừa kết thúc kỳ thi cuối năm, chị Mai Anh Thư, ngụ ở quận 3, TPHCM tức tốc đưa con đến bệnh viện để thăm khám sức khỏe. Thời gian qua, con chị có dấu hiệu suy nhược cơ thể, không chịu ăn uống, hay đau đầu, chóng mặt, nôn ói, mất ngủ... làm gia đình rất lo lắng.Trước đó, chị đã đưa con đi kiểm tra ở khám ở phòng khám tư, được kê đơn thuốc bổ, men tiêu hóa nhưng tình hình không cải thiện.

Chị hoảng hốt khi bác sĩ chuyển cháu qua khám và điều trị ở khoa tâm lý. Những bất ổn về thể chất cháu gặp phải xuất phát từ tâm lý lo lắng, căng thẳng mà trẻ thường gặp vào mùa thi.

Hiện tại con trai chị Thư đang được điều trị về tâm thần. Chị kể, con mình là học sinh xuất sắc suốt 5 năm ở tiểu học, lên lớp 6 việc học với cháu gặp nhiều khó khăn hơn, đợt thi học kỳ 1 vừa rồi điểm thi không ưng ý, cháu rất buồn. Có lẽ vì thế cháu bị áp lực trong kỳ thi cuối năm.

“Gia đình không áp lực chuyện điểm số với con. Nhưng có lẽ chúng tôi đã sao nhãng chưa quan tâm đến việc giúp con thích nghi với môi trường học tập mới ở bậc THCS khác nhiều với tiểu học”, chị nói.

img

Nhiều học sinh phải "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương" vào mùa thi để chạy đua với áp lực điểm số (Ảnh minh họa)

Cũng vì căng thẳng quá trong kỳ thi cuối năm, cháu C.M.A, con gái anh Cao Minh Châu, ở quận 1 bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng. Thời gian vừa rồi cháu mệt mỏi, hay cáu gắt, giảm gần 3kg do không muốn ăn uống, đắng miệng và ngủ không ngon.

Khi phát hiện con có những lúc hay nói nhảm, không tập trung, đêm nằm ngủ còn phát ra tiếng khóc và rất nhiều biểu hiện bất ổn, vợ chồng anh Châu tá hỏa đưa con đến phòng khám tâm lý. Cháu được chuẩn đoán là loạn thần, rối loạn lo âu vì thi cử được cần được điều trị bằng việc ổn định tâm lý và uống thuốc.

Anh Châu thẫn thờ: “Cháu nói chuyện với bác sĩ tâm lý tôi mới biết con còn uống cà phê, trà đặc để thức học, giờ ra chơi cũng tranh thủ ôn bài. Con tôi học sắp phát điên rồi!”.

Trong những lần làm việc với ngành giáo dục TPHCM, bác sĩ Lâm Hiếu Minh (Bệnh viện Tâm thần TPHCM) cảnh báo tình trạng cấp bách về sức khỏe tâm thần của học trò đã ở mức báo động. Nếu không có giải pháp thì các khoa nhi, tâm thần sẽ quá tải, bác sĩ làm việc không xuể.

Cha mẹ bình thường để giúp con bình thường

Sau mỗi học kỳ, học trò lại dồn dập bước vào lịch thi hết sức dày đặc. Việc ôn thi của các em dồn lại một cục, môn này vừa xong thì tới ngay môn khác. Để đua nổi với lịch thi này, nhiều học sinh phải dốc toàn sức cho việc ôn luyện. Cắt thời gian vui chơi giải trí, giao tiếp, có khi tranh thủ ăn uống ngay khi đang ngồi sau xe máy, hay giờ giải lao vài ba phút các em cũng tận dụng để ôn bài.

Một giáo viên bậc THCS ở TPHCM cho hay, với một khối lượng kiến thức khổng lồ, thời gian ôn thi kín mít nên các em rất căng thẳng. Theo thầy, khi việc học vẫn còn nặng để thi lấy điểm, nếu không chuyển qua hình thức tín chỉ, cách học cuốn chiếu thì học sinh khó tránh áp lực thi cử.

img

Các em cần được duy trì mọi sinh hoạt, gặp gỡ, giải trí phù hợp trong mùa thi (ảnh minh họa)

Bác sĩ Nguyễn Lan Hải cảnh báo về căn bệnh “cháy sạch” ngày càng phổ biến ở nhóm học sinh, sinh viên, nhất là vào mùa thi. Người bệnh kiệt sức về thể chất lẫn tinh thần do áp lực căng thẳng gây ra, các em sẽ mất đi hứng thú học tập cũng như năng lực tranh đua hay có thể hiểu là mọi nguồn lực bên trong bị cạn kiệt.

Các triệu chứng của người bị “cháy sạch” có thể nhận thấy là kiệt quệ về mặt cảm xúc, mệt mỏi về thể chất không dễ dàng được cải thiện ngay khi được bồi dưỡng, nghỉ ngơi.

Bà Ngô Thu, một phụ huynh hoạt động trong lĩnh vực giáo dục trẻ em chia sẻ liên tục những ngày gần đây, bà nhận được nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn của của nhiều phụ huynh than về việc con em mệt mỏi với việc học, ngẩn ngơ nhớ trước quên sau cũng như xuất hiện nhiều bất ổn về sức khỏe như rối loạn tiêu hóa, nôn ói, đau dạ dày, nhức đầu... Đây là những biểu hiện mà theo bà “đến hẹn lại lên” vào mùa thi của học sinh.

Theo bà Thu, trước hết bố mẹ cần chú ý phát hiện sớm, tránh cho con em mình rơi vào trạng thái nguy hiểm. Để giúp con khỏe trong mùa thi, việc trước tiên phụ huynh cần xác định cho con biết thi cử là một việc bình thường. Con cần nghiêm túc và đặt mục tiêu vừa sức. Cha mẹ nên bình thường (các hoạt động sinh hoạt trong gia đình cần duy trì bình thường, tránh chăm sóc thái quá). Cha mẹ bình thường cũng đã là giúp con có thể vững tinh thần hơn.

Sau cú sốc con phải điều trị tâm thần vì học, anh Cao Minh Châu bày tỏ, hè này anh sẽ thu xếp đưa con về quê nội nghỉ ngơi, cố gắng dẹp hết mọi áp lực học hành, thi cử cho con. Giờ anh chỉ mong con có thể làm... người bình thường.

Hoài Nam (Dân trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem