Xã hội bị ám ảnh cách thi cũ

Thứ tư, ngày 21/09/2016 10:36 AM (GMT+7)
Sau một thời gian Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo phương án thi THPT quốc gia 2017, đã có nhiều ý kiến xung quanh các quy định trong dự thảo. Về vấn đề này, phóng viên đã trao đổi cùng GS.TSKH Vũ Minh Giang, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bình luận 0

img

GS.TSKH Vũ Minh Giang, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Sau thời gian Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo thi THPT quốc gia 2017, ông có ý kiến gì về bản Dự thảo này? 

-Theo tôi, đây là một phương án thi mang tính chất quá độ nên chưa thể hoàn chỉnh. Ví dụ như mục tiêu của  phương án thi nhằm để tránh học sinh học tủ, học lệch, tuy nhiên, phương án thi lại đưa ra tổ hợp môn thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, như vậy thí sinh vẫn có thể chọn một trong hai tổ hợp đó để thi thì chưa thể tránh được việc học tủ, học lệch.

Ngoài ra khi thi THPT quốc gia, thí sinh sẽ vẫn dồn sức vào học những môn thi để xét vào các trường đại học, cao đẳng. Ví dụ, khi thí sinh chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên, nhưng trong đó chỉ có kết quả môn Vật lý để sử dụng xét tuyển vào đại học thì thí sinh sẽ quan tâm đến việc học môn Vật lý nhiều hơn những môn còn lại. Bên cạnh đó, hiện môn Giáo dục công dân không sử dụng để xét vào đại học, thí sinh cũng không quan tâm đến học môn này. Do đó, trong tổ hợp các môn thi vẫn còn bộc lộ những hạn chế.

Góp ý của ông cho bản Dự thảo kỳ thi này là gì? 

-Phương án thi trắc nghiệm hay tự luận đều có ưu, nhược điểm riêng. Đối với thi tự luận đòi hỏi người chấm phải công tâm, còn thi trắc nghiệm dựa vào công cụ máy móc, do đó không xét được những chi tiết nằm ngoài khả năng suy đoán của máy móc.

Theo tôi, Bộ nên sớm ra đề thi minh họa để người dân và chuyên gia giáo dục có thể góp ý thẳng vào đề thi. Hiện những góp ý của người dân dựa trên Dự thảo sẽ không được chính xác bằng việc góp ý trực tiếp thẳng vào đề thi minh họa. Hiện phụ huynh và học sinh, giáo viên… rất muốn Bộ GD-ĐT sớm ra đề thi minh họa để có thể biết tổ hợp đề thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội là như thế nào để có những điều chỉnh phương pháp dạy và học phù hợp.

Hiện có nhiều ý kiến xung quanh việc Bộ GD-ĐT dự kiến thi trắc nghiệm môn Toán, môn Lịch sử, ý kiến của ông như thế nào về việc này?

-Không chỉ thi tự luận mới có thể kiểm tra năng lực môn Toán bởi chương trình học phổ thông cũng rèn luyện tư duy toán, tư duy logic của học sinh. Do đó, việc thi cử chỉ là để kiểm tra, đánh giá năng lực của người học dựa trên nền kiến thức cơ bản. 

Với phương án thi trắc nghiệm môn Lịch sử năm nay, tôi đánh giá đây là sự thay đổi tích cực. Phương án thi này sẽ không bắt học sinh trình bày cái này, diễn biến cái kia mà cho biết tất cả sự kiện xảy ra trong thời gian đó và hỏi học sinh về khuynh hướng của sự kiện đó. Theo đó, học sinh chỉ cần chú ý nghe thầy giáo giảng bài trên lớp, hiểu được vấn đề sẽ làm được.

Trong tương lai, khi đổi mới căn bản toàn diện giáo dục trong đó có môn Lịch sử phải thay đổi theo hướng dạy học sinh kỹ năng, kích thích sự tìm tòi của học sinh. Với ý nghĩa đó không nên lo lắng khi thi trắc nghiệm kiến thức môn Lịch sử bị vụn ra.

Hiện Bộ GD-ĐT mới công bố Dự thảo thi THPT quốc gia, vậy thời gian để chuẩn bị cho một phương án thi mới có quá gấp không, thưa ông?

-Thời gian để chuẩn bị cho một kỳ thi như vậy là tương đối gấp, Bộ GD-ĐT cũng cần phải khẩn trương chuẩn bị cho công tác thi. Tuy nhiên, người dân cũng không nên kỳ vọng quá vào phương án thi mang tính chất quá độ. Vì phương án thi này chưa phải là phương án thi theo đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.

Tuy nhiên, hiện các bậc phụ huynh và xã hội vẫn băn khoăn cách thi mới vì chúng ta đã bị ám ảnh bởi cách thi cũ, tức là đi thi phải học thuộc lòng, thuộc càng nhiều điểm càng cao. 

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Hòa (thực hiện) (Hải Quan)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem