Con rể chém chết vợ và bố mẹ vợ ở Thái Bình đối mặt mức án nào?

Đ.Việt Thứ ba, ngày 29/06/2021 08:30 AM (GMT+7)
Về vụ việc con rể chém chết vợ và bố mẹ vợ ở Thái Bình, luật sư cho rằng ngoài đối tượng sẽ phải đối diện mức án cao nhất, dù đã ra đầu thú.
Bình luận 0

Khó thoát án tử

Ngày 28/6, Công an tỉnh Thái Bình cho biết, khoảng 8 giờ sáng cùng ngày, Đào Văn Thịnh (SN 1979, trú tại thôn Bái Trang, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ) đến nhà ông Đào Đình Cửu (SN 1946), bà Vũ Thị Mộc (SN 1946) là bố mẹ vợ ở cùng địa chỉ thôn Bái Trang, xã Quỳnh Hoa để nói chuyện.

Chính quyền địa phương có trách nhiệm trong vụ con rể chém chết vợ và bố mẹ vợ? - Ảnh 1.

Ba nạn nhân bị sát hại gồm ông Đào Đình Cửu, bà Vũ Thị Mộc (là bố mẹ vợ Thịnh) và chị Đào Thị Sim (vợ Thịnh - cùng trú thôn Bái Trang). Ảnh: G.Đ

Trong lúc nói chuyện xảy ra mâu thuẫn xô xát, Thịnh đã dùng dao chém vào người bố mẹ vợ và vợ là chị Đào Thị Sim (SN 1978), làm các nạn nhân tử vong tại chỗ.

Ngay sau khi gây án, Thịnh đã đến Công an xã Quỳnh Hoa đầu thú. Nguyên nhân ban đầu xác định do mâu thuẫn tình cảm vợ chồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã tạm giữ Đào Văn Thịnh, tập trung điều tra theo quy định của pháp luật.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, đây là một vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng mà nguyên nhân chỉ từ những mâu thuẫn vợ chồng không được giải quyết kịp thời. 

Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng, 3 nạn nhân đã thiệt mạng, đối tượng gây án là con rể và đồng thời là chồng của nạn nhân. 

Đối tượng đã nhẫn tâm ra tay sát hại bố mẹ vợ và vợ khi mâu thuẫn vợ chồng lên đến đỉnh điểm.

Đây là hành vi giết người, có tính chất côn đồ, giết nhiều người nên đối tượng gây án sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội "Giết người" theo Điều 123 Bộ luật hình sự 2015 với mức hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. 

"Vụ án mạng xảy ra khiến ba người trong một gia đình thiệt mạng là một vụ việc rất đau lòng, gây hoang mang trong dư luận xã hội" - vị luật sư thông tin.

Chính quyền địa phương có trách nhiệm trong vụ con rể chém chết vợ và bố mẹ vợ? - Ảnh 3.

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, công tác phòng ngừa có thể đã không được thực hiện tốt dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như trên.

Có trách nhiệm của chính quyền địa phương?

Nói về quan điểm chính quyền địa phương có trách nhiệm trong vụ việc, luật sư Cường lý giải, theo thông tin ban đầu, đối tượng gây án là một thành phần bất hảo, nghiện ma túy và thường xuyên bạo hành vợ con. 

Trước đó đối tượng đã từng dọa tẩm xăng đốt vợ, đó là hành vi nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho nạn nhân. 

Với tính chất nghiêm trọng như vậy, lẽ ra chính quyền địa phương cần phải vào cuộc sớm, có những giải pháp phòng ngừa, hỗ trợ để ngăn chặn hậu quả xấu có thể xảy ra. 

Tuy nhiên, công tác phòng ngừa có thể đã không được thực hiện tốt dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như trên.

Chính vì thế, ngoài việc xử lý hình sự đối với đối tượng gây án, cơ quan chức năng cần phải xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc hòa giải mâu thuẫn và thực hiện các giải pháp phòng ngừa đối với tội phạm xâm phạm trật tự xã hội.

Vị luật sư nêu quan điểm, đối với những vụ việc mâu thuẫn hôn nhân gia đình mà có sự quan tâm kịp thời của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể ở địa phương, thực hiện tốt luật hòa giải cơ sở, hướng dẫn các đương sự thực hiện các thủ tục pháp lý và thực hiện các biện pháp ngăn chặn thì có thể tránh được những vụ án đau lòng như thế này. 

"Cần phải nâng cao trách nhiệm của các tổ chức xã hội và chính quyền cơ sở trong việc hòa giải giải quyết các tranh chấp, mẫu thuẫn trong gia đình ở địa phương. 

Ở nơi nào xảy ra những vụ việc nghiêm trọng mà thiếu trách nhiệm của các cơ quan tổ chức trong việc hòa giải, giải quyết tranh chấp thì cần phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu.

Khi vụ việc mâu thuẫn nghiêm trọng, hôn nhân đổ vỡ, thủ tục giải quyết vụ án ly hôn cần phải nhanh chóng, kịp thời, phải có những giải pháp phòng ngừa tránh trường hợp đương sự vì mâu thuẫn mà xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của nhau, gây mất an ninh trật tự" - vị luật sư nêu quan điểm. 

Theo thông tin ban đầu, trước thời điểm xảy ra vụ thảm án, vì quá chán nản với người chồng nghiện ngập nên chị Đào Thị Sim đã về nhà bố mẹ đẻ sinh sống được một thời gian và có ý định gửi đơn ly dị ra tòa để kết thúc cuộc hôn nhân không hạnh phúc.

Ngày 28/6, Đào Văn Thịnh tìm đến nhà bố mẹ vợ của mình tại thôn Bái Trang, xã Quỳnh Hoa để "nói chuyện" mong chị Sim thay đổi ý định ly dị nhưng không thành nên dẫn tới việc xảy ra cãi vã. 

Sau đó Thịnh trực tiếp ra tay tàn độc giết chết vợ và bố mẹ vợ của mình rồi chủ động đến Công an xã Quỳnh Hoa để đầu thú. 

Qua điều tra, cơ quan công an xác định Thịnh là người có "thâm niên" sử dụng chất ma túy. Sau khi nghi phạm này gây án, cơ quan công an cũng đã tiến hành lấy mẫu để xét nghiệm ma túy, hiện vẫn đang chờ kết quả.

Chính quyền địa phương, cho biết giữa chị Sim và Thịnh đã có với nhau 2 người con. Ông Cửu, bà Mộc có tất cả 5 người con gái, trong đó có chị Sim tính tình hiền lành, chịu khó nhưng không may lấy phải người chồng nghiện ngập nên thường xuyên bị chồng đánh chửi.

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên

b) Giết người dưới 16 tuổi

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai…

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem