Cơn sốt trị ung thư bằng nọc ong: Liệu pháp mới hay “trò lang băm”?

Thứ hai, ngày 02/09/2013 07:56 AM (GMT+7)
Châm cứu bằng nọc ong theo phương pháp điều trị của y học cổ truyền Trung Quốc có thể trị được một số chứng bệnh như ung thư hoặc viêm khớp. Đó là niềm tin khiến nhiều người Trung Quốc đã đổ xô tìm đến phương pháp này.
Bình luận 0
Nhưng nó cũng đang gây nhiều tranh cãi trái chiều về tác dụng thật sự của nó.

Báo Hufftington Post sử dụng cụm từ “đàn ong chia tổ” để mô tả cho hơn 27.000 người Trung Quốc (TQ) đang điều trị bằng phương pháp chữa bệnh đau đớn này. Các bệnh nhân có thể châm cứu hàng chục lượt trong mỗi lần điều trị.

Tuy nhiên, ngoài sự đề phòng tình trạng dị ứng với cú ong chích, vẫn chưa có bằng chứng y khoa nào khẳng định nọc ong có tác dụng chữa bệnh. Còn các trang web khoa học tại phương Tây gọi phương pháp điều trị này là “liệu pháp ong đốt” hay “trò lang băm”.
“Thầy” Wang chuẩn bị một ca châm cứu bằng nọc ong
“Thầy” Wang chuẩn bị một ca châm cứu bằng nọc ong
Ong chết, người cũng có thể chết!

Ông Wang Menglin, chuyên gia châm cứu bằng nọc ong có phòng khám tại Bắc Kinh cho biết: “Chúng tôi dùng tay hoặc kềm nhỏ gắp con ong sống đặt vào một huyệt trên cơ thể, giữ đầu nó và châm cho đến khi ngòi ong lòi ra. Loài ong mà chúng tôi sử dụng được nhập từ Ý. Chúng chết ngay sau khi đốt”.

“Chúng tôi chữa cho nhiều người bị hàng chục bệnh, từ viêm khớp đến ung thư, tất cả đều đạt kết quả tích cực” - ông Wang cho biết thêm. Ông còn cho rằng châm cứu bằng nọc ong có thể chữa trị hầu hết các bệnh phổ biến xảy ra ở hai chi dưới, và chúng cũng có giá trị như một biện pháp phòng bệnh.

Một trong các bệnh nhân của ông Wang chia sẻ dù bác sĩ đã cho biết ông bị ung thư phổi và ung thư não giai đoạn cuối, chỉ còn sống được một năm mà thôi. Nhưng từ khi đi châm cứu bằng nọc ong ở phòng mạch của “thầy” Wang, ông tin liệu pháp này giúp ông kéo dài tuổi thọ gấp đôi: “Tôi bắt đầu chữa bệnh bằng cách này từ năm ngoái. Tôi thấy mình khỏe mạnh hơn nhiều”, bệnh nhân nói.
img
Tuy nhiên, theo trang web y học sciencebasedmedicine.org, có trụ sở đặt tại Mỹ, những lời khẳng định như nọc ong chữa được bách bệnh là “thủ đoạn bịp bợm”. Trang này cho biết, đến nay chưa có bằng chứng khoa học nào xác minh tác dụng của nọc ong hay chữa bệnh bằng các sản phẩm từ ong.
Những cách châm cứu bằng nọc ong đầy nguy hiểm
Những cách châm cứu bằng nọc ong đầy nguy hiểm
Hiệp hội Chống ung thư Mỹ cũng khẳng định: “Chưa có thử nghiệm lâm sàng nào trên con người cho thấy nọc ong hay các sản phẩm từ mật ong có hiệu quả ngừa hoặc điều trị ung thư. Nếu chỉ dựa vào phương pháp điều trị này mà ngưng hoặc không sử dụng các thuốc chữa bệnh thông thường để điều trị ung thư có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe”.

Các diễn đàn trên mạng bình luận: con ong “hy sinh” để cứu người, nhưng nọc của nó có thể độc đến độ gây dị ứng, hoặc thậm chí đem đến cái chết cho người bệnh ngay khi “được” ong chích.

Theo lịch sử Pháp, Charlemagne (từ năm 742-814) - hoàng đế La Mã đầu tiên - được cho là đã được chữa trị bằng nọc ong. Tại phương Tây, nọc ong cũng được sử dụng bởi những bệnh nhân bị chứng đa xơ cứng màng tế bào (multiple sclerosis, MS) - một loại bệnh mãn tính gây tổn thương các dây thần kinh trong tủy sống và não.

Nhưng Hiệp hội Nghiên cứu MS của Mỹ lại khẳng định trên trang web của họ rằng: “Dù từ xa xưa đã có nhiều lời đồn đại về những lợi ích của nọc ong đối với người mắc chứng MS. Nhưng một nghiên cứu ngẫu nhiên trong vòng 24 tuần chỉ ra rằng không có dấu hiệu suy giảm của triệu chứng bệnh và không có sự tiến triển trong chất lượng cuộc sống”.

Việc trị bệnh bằng nọc ong xuất hiện vào thời điểm loài ong trên toàn thế giới đang suy giảm một cách kỳ lạ. Các nhà bảo vệ môi trường đã cảnh báo việc giảm số lượng ong có thể tác động xấu nặng nề đến hoạt động sản xuất nông nghiệp (vì loài này giúp thụ phấn). Ngoài ra, còn có hàng ngàn cách trị bệnh bằng động vật và thực vật của Đông y - còn gọi là y học cổ truyền Trung Hoa (TCM) - mà một số phương pháp đã bị quy trách nhiệm là đe dọa sự tồn tại của các chủng loài động-thực vật trong tự nhiên.

TCM hiện vẫn đóng vai trò lớn trong hệ thống y tế TQ, và là một ngành công nghiệp đang bùng nổ nên vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư lớn của nhà nước. Nhiều người dân không đủ khả năng chi trả cho những dược phẩm chính thống do hệ thống bảo hiểm y tế của TQ còn hạn chế, nên TCM càng có giá trị.

Nhưng người cao tuổi - vốn hay đau yếu - lại thích điều trị bằng các bài thuốc cổ truyền bởi niềm tin vào sức mạnh tự nhiên đã ăn sâu vào tiềm thức và mạnh mẽ hơn rất nhiều so với những phương pháp y học hiện đại.

Hầu hết các bệnh viện ở TQ đều sẵn sàng trị liệu bằng TCM. Đó là một “cánh đồng béo bở” cho các công ty và các thầy lang. Theo Cục Thống kê nhà nước TQ năm 2012, ngành công nghiệp TCM ở TQ sản xuất được các mặt hàng có trị giá 516 tỷ tệ (84 tỷ USD) tức chiếm hơn 31% trong tổng sản lượng thuốc của nước này.

Sừng tê giác trị ung thư!

Vụ trị liệu bằng nọc ong là diễn biến mới nhất của sự tranh cãi lâu nay giữa Tây y và Đông y vốn cho rằng TCM (gồm châm cứu, luyện khí công và sử dụng các loại động-thực vật có tính năng trị bệnh) dựa trên tính thần bí: tràn trề khí lực tới từng bộ phận ngũ tạng thì không bị bệnh, ngược lại bị bệnh tức khí huyết không cân bằng hoặc bị gián đoạn. Bất chấp sự đố kỵ của Tây y, Đông y cũng bị quy trách nhiệm là làm tăng nhanh nguy cơ tuyệt chủng của loài tê giác.

Các nhà bảo vệ môi trường cũng đã cảnh báo: giới nhà giàu ở châu Á (trong đó có Việt Nam) đang thích tiêu thụ sừng tê giác, nên có thị trường mới trong lĩnh vực buôn lậu trái phép mặt hàng này. Theo báo Guardian, nhiều người Việt thích sử dụng sừng tê giác vì “tưởng bở” đó là bài thuốc chữa bách bệnh, đặc biệt là cách trị ung thư. Ở các bữa tiệc của những “đại gia”, sừng tê giác trở thành “thức uống thời thượng” và các trang web Việt quảng cáo là “rượu của triệu phú” khi sừng được mài vụn và pha với rượu.

Sừng tê giác chứa nhiều protein keratin và từ lâu được Đông y sử dụng vào các bài thuốc. Nhưng các nhà khoa học không tìm thấy bất kỳ lợi ích y tế nào từ sừng tê giác. Họ nói “nhai bột sừng tê giác chẳng khác gặm móng tay người”. Dù vậy, chiếc sừng vẫn bán được giá cao ở chợ đen: một kg có giá 50.000 euro (64.500USD) và cảnh sát châu Âu Europol nói tùy theo kích cỡ và chất lượng, một chiếc sừng tê giác có thể bán được từ 25.000 - 200.000 euro.

Chiếc sừng cũng có thể dùng làm đồ trang trí hoặc chế tác thành đồ trang sức. Theo Hãng tin AP, nhu cầu sừng tê giác tăng mạnh trong tầng lớp “nhà giàu mới nổi” Việt Nam là nguyên nhân chính đẩy loài vật này tới nguy cơ tuyệt chủng. Hãng tin Bloomberg cho biết giá mỗi kg sừng tê giác có thể lên tới 60.000USD, tương đương khoảng 1,25 tỷ đồng. Các chuyên viên đời sống hoang dã nói có rất nhiều sừng được bán qua Việt Nam và TQ.
Không chỉ ở TQ, Malaysia cũng có cách điều trị bệnh bằng nọc ong. Từ đầu năm ngoái, chủ nông trại Shaiful Hizam Harman, 40 tuổi đã sử dụng cách chữa trị này tại nhà ông. Shaiful tin vào khả năng trị bệnh của loài ong, chứ chúng không chỉ cho mật. Niềm tin của ông hình thành sau khi ông nghiên cứu về loài ong và đọc… kinh Koran của đạo Hồi.

Shaiful cũng đã đến nhiều nơi để giới thiệu cho người dân biết về những bí mật của loài ong và mật ong. Các buổi giới thiệu này thường tổ chức vào mỗi thứ bảy, và mỗi lần diễn thuyết, ông thu từ người muốn nghe số tiền 350RM.
Diên Hy (Dòng Đời/Hufftington Post (Diên Hy (Dòng Đời/Hufftington Post)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem