Còn tồn trên 2.800 xe nông sản, Lạng Sơn thông tin về thời gian đưa hết hàng sang Trung Quốc
Còn tồn trên 2.800 xe nông sản, Lạng Sơn thông tin về thời gian đưa hết hàng sang Trung Quốc
Hải Đăng
Thứ hai, ngày 03/01/2022 11:05 AM (GMT+7)
Theo Sở Công Thương Lạng Sơn, tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma vẫn còn 2.852 xe hàng hóa, chủ yếu là trái cây, đang ùn tắc. Với năng lực thông quan như hiện nay, để đưa hết số xe đang tồn tại các cửa khẩu sang biên giới thì cần khoảng 40 ngày.
Lạng Sơn sẽ tiếp tục thực hiện "vùng xanh" để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản
Theo Sở Công Thương Lạng Sơn, từ 8h sáng 1/1 đến 8h sáng 2/1, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Hữu Nghị được 53 xe và có thêm 38 xe hàng hóa mới lên, hiện còn tồn 1.571 xe, trong đó 1.112 xe chở trái cây. Cửa khẩu Chi Ma năng lực thông quan chỉ khoảng 35 - 40 xe/ngày nên vẫn còn tồn 515 xe.
Hiện cửa khẩu Tân Thanh vẫn tạm dừng thông quan nên nhiều xe trái cây, đặc biệt là thanh long, đã quay đầu về tiêu thụ nội địa. Trong ngày, tại cửa khẩu Tân Thanh có 85 xe quay đầu, số lượng xe ùn ứ còn 766 xe, trong đó có 605 xe trái cây.
Như vậy, tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma vẫn còn 2.852 xe hàng hóa, chủ yếu là trái cây, đang ùn tắc. Với năng lực thông quan như hiện nay, để đưa hết số xe đang tồn tại các cửa khẩu sang biên giới thì cần khoảng 40 ngày.
Trước tình trạng xe nông sản còn tồn nhiều tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, bà Đinh Thị Thu - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong thời gian tới, Lạng Sơn sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm "vùng xanh" tại cửa ngõ đi vào tỉnh đễ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, nông sản Trung Quốc an toàn và thuận lợi hơn.
Cùng với đó, tỉnh cũng chỉ đạo lực lượng chức năng tại các cửa khẩu thường xuyên hội đàm, điện đàm cơ quan của nước bạn giúp thông quan nhanh cho các xe nông sản còn tồn tại cửa khẩu. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, trái cây qua các sàn thương mại điện tử...
Bên cạnh đó, Lạng Sơn cũng thường xuyên gửi thông tin thị trường và tỉnh hình xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn tới các đài phát thanh, truyền hình các tỉnh từ Nghệ An trở vào Nam để các doanh nghiệp, người dân sản xuất nắm được thông tin để có giải pháp điều chỉnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả hơn.
Bà Thu khuyến các các doanh nghiệp từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 xem xét không đưa hàng thêm lên các của khẩu của Lạng Sơn, nhất là mặt hàng nông sản, hoa quả đông lạnh để tránh gây ùn ứ nghiêm trọng hơn, vừa tránh thiệt hại cho các xe nông sản vì chờ thông quan lâu hoặc không được xuất hàng dẫn đến sản phẩm bị hư hỏng.
Đại diện ngành nông nghiệp Lạng Sơn cũng đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các đơn vị có bạn hàng ở phía Trung Quốc tiếp tục trao đổi để tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Đặc biệt, chúng ta phải tạo lòng tin cho bạn trong công tác phòng chống dịch nghiêm ngặt trong sản xuất, sơ chế, đóng gói thông qua livestream hoặc clip sinh động, khách quan để thuyết phục phía nước bạn sớm mở cửa khẩu, nhập khẩu nhiều hàng hơn.
Ghi nhận thêm tình hình xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh Lào Cai, chúng tôi thấy tại đây không có tình trạng ùn tắc xe nông sản.
“Tỉnh không còn tồn đọng xe hàng nào tại cửa khẩu của tỉnh. Tuy nhiên ở phía Trung Quốc còn tồn 1.700 xe, các doanh nghiệp cho biết đó là rau củ quả, hàng tiêu dùng. Ngày 27-28/12 phía bạn tạm dừng cửa khẩu để khử khuẩn, chống dịch, sau đó các hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra bình thường”, ông Hoàng Chí Hiền - Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai khẳng định.
Theo Sở Công Thương Lào Cai, trước dịch Covid-19, trung bình 600-800 xe thông quan mỗi ngày qua các cửa khẩu của tỉnh, trong đó 80% là xe từ Trung Quốc sang. Hiện tại, chỉ có cửa khẩu quốc tế Lào Cai hoạt động, chủ yếu xuất khẩu chính ngạch.
“Tỷ lệ phía Trung Quốc là chủ hàng chiếm 60%, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu thực hiện khai báo, do đó không bị ách tắc. Lào Cai chủ động giảm phí hạ tầng, bố trí điều kiện cho lái xe trong lúc chờ giao nhận hàng. Thời gian qua chỉ ách tắc cục bộ ngắn ngày”, ông HIền thông tin.
Theo thống kê của Sở Công Thương Lào Cai, mặt hàng thanh long chiếm tỷ trọng cao nhất, giá trị lớn nhất trong xuất khẩu qua tỉnh này. Số liệu cụ thể năm 2019 đạt 800 triệu USD, năm 2020 là 600, năm nay do dừng từ ngày 18/7 thì đạt 450 triệu USD.
Từ ngày 5/8, sau khi có xét nghiệm, Cục thương vụ Hà Khẩu có công hàm dừng nhập khẩu thanh long từ Lào Cai. Về ý kiến vận chuyển qua đường sắt, ông Hiền cho rằng hạn chế lớn nhất là bảo quản và trung chuyển.
Đối với nông sản, vấn đề này rất khó. Mặt khác, hệ thống đường sắt giữa Lào Cai và Trung Quốc chưa đồng bộ về khổ đường ray.
Ông Hiền lưu ý các doanh nghiệp về việc đường sắt cao tốc Vân Nam – Lào sắp khánh thành, do đó hàng nông sản từ Lào, Thái Lan, Campuchia qua đây sẽ rất lớn. “Nông sản các nước ASEAN đang tràn ngập ở Côn Minh”.
Lãnh đạo Sở Công Thương Lào Cai đề nghị Bộ NNPTNT sớm đàm phán ký kết hiệp định về kiểm dịch nông, thủy, hải sản, mở rộng danh mục trái cây xuất sang Trung Quốc do phía bạn còn nhiều nhu cầu về nông sản Việt Nam.
“Chúng tôi cũng kiến nghị sớm ban hành cơ chế chính sách, hoặc gói hỗ trợ đặc biệt cho ngành chế biến sâu. Vừa qua, Lào Cai đã mời gọi được một nhà đầu tư chế biến dứa, có thời điểm không đủ hàng, phải vào tận Thanh Hóa tìm nguồn hàng”, ông Hiền nói và cho biết, Lào Cai đang rà soát, xây dựng cửa khẩu xanh, vùng đệm an toàn. Việc này, phía Trung Quốc đã làm, và sắp tới còn siết chặt hơn.
Người đứng đầu ngành Công Thương Lào Cai thông tin thêm, tỉnh này sẽ xây tuyến đường sắt khổ 1,435 cm để kết nối với Vân Nam. Tỉnh Lào Cai cũng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt với sự tham gia của nhiều ngành để trao đổi với phía Trung Quốc, đề nghị kéo dài thời gian thông quan.
Trung Quốc đồng ý kiểm tra, kiểm dịch trực tuyến
Trao đổi tại Diễn đàn phiên thứ 18 Kết nối sản xuất, chế biến và thúc đẩy thị trường nội địa" mới đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, lãnh đạo ngành nông nghiệp đã làm việc thường xuyên với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, đồng thời thống nhất 6 tháng họp một lần. Thứ trưởng cho biết, phía bạn rất tạo điều kiện cho việc thông quan nông sản.
Hiện Trung Quốc đồng ý việc kiểm tra, kiểm dịch trực tuyến, và hứa ưu tiên kiểm tra sầu riêng, chanh leo. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã ký Nghị định thư cho phép xuất nhập khẩu chính ngạch thạch đen bằng hình thức trực tuyến. Với riêng tỉnh Quảng Tây, Bộ NNPTNT sẽ tổ chức các buổi gặp song phương, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông sản sang Trung Quốc.
Theo Thứ trưởng Nam, Lạng Sơn và Quảng Ninh là hai địa phương ùn tắc nông sản nhiều nhất, trong đó đặc biệt là mặt hàng thanh long.
Lãnh đạo Bộ NNPTNT đề nghị các cửa khẩu nói chi tiết những mặt hàng thông quan tại từng cửa khẩu cụ thể, nhằm giúp doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng chủ động điều tiết hàng hóa.
Tình trạng ách tắc tại Lào Cai hiện ít nghiêm trọng. Do đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị tỉnh tăng cường phối hợp với các Bộ, ban, ngành để rộng đường xuất khẩu nông sản sang tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Thứ trưởng cũng đồng ý với chủ trương của Lào Cai, trong việc mở các điểm trung chuyển, tập kết hàng hóa trước khi thông quan. Bộ NNPTNT đã trình đề án lên Chính phủ và chờ phê duyệt. Chủ trương này hiện được Bộ NNPTNT cụ thể hóa bằng việc phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh, trong việc xây dựng Trung tâm giao dịch nông, lâm, thủy sản tại TP. Móng Cái.
"Đây là một cách làm hay, và đề nghị các tỉnh biên giới khác nghiên cứu, triển khai trong thời gian tới", Thứ trưởng Bộ NNPTNT nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.