Việt Nam tham gia khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, nông sản nào được lợi nhất?

K.Nguyên Chủ nhật, ngày 02/01/2022 18:30 PM (GMT+7)
Việc Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong xuất khẩu nông sản, một lĩnh vực Việt Nam đang có lợi thế.
Bình luận 0

Tham gia RCEP, không gian chuỗi sản xuất nông nghiệp mở rộng hơn

Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NNPTNT), tham gia RCEP - khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới hiện nay, lợi thế lớn nhất là đơn giản hoá thủ tục hải quan, các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn nguyên liệu từ các nước ASEAN và 5 nước tham gia Hiệp định RCEP là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, NewZealand.

Lợi thế nữa là các nước tham gia RCEP gần như bao trùm một chuỗi liên kết tạo ra sản phẩm nông sản từ nguyên liệu đầu vào, phân bón, canh tác, sơ chế, chế biến… đến xuất khẩu trong khối RCEP.

Có thể thấy, trong số các nước tham gia RCEP, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hiện là 3 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chỉ sau Mỹ.

Trong đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc đạt khoảng 8,47 tỷ USD trong năm 2021, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 26,9% tổng lượng hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu ra thế giới.

Trong khi đó, Nhật Bản cũng tăng tốc nhập khẩu nông sản của Việt Nam với giá trị kim ngạch nhập khẩu nông sản từ Việt Nam năm 2021 đạt trên 3 tỷ USD (chiếm 6,9%).

Đứng thứ 4 trong số các thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản quan trọng nhất của Việt Nam là Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1,9 tỉ USD (chiếm 4,4%)…

Những năm qua, Nhật Bản đã và đang mở cửa cho nhiều loại trái cây của Việt Nam, trong đó vải thiều Lục Ngạn và mới đây là thanh long Bình Thuận đã được Nhật Bản bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Việt Nam tham gia khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, nông sản nào được lợi nhất? - Ảnh 1.

Theo đánh giá của các chuyên gia, RCEP sẽ mang lại cơ hội cho các loại nông sản nhiệt đới và sản phẩm chế biến của Việt Nam. Trong ảnh: Chế biến dừa ở Công ty Long Uyên (Tiền Giang). Ảnh: K.N

Ngoại trừ Nhật Bản, Australia, New Zealand, người tiêu dùng của khu vực RCEP không quá khó tính, trong khi nhu cầu của nhóm này đối với các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh lại tương đối cao, đặc biệt là nông sản nhiệt đới, thực phẩm chế biến.

Trong 5 năm trở lại đây, rất nhiều quốc gia trong khối có thế mạnh xuất khẩu như Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia… đều coi trọng các thị trường nội khối ASEAN.

Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường ASEAN rất nhiều chủng loại hàng nông sản (gạo, cà phê, hạt tiêu, rau quả, thủy sản…). Hiện, ASEAN là thị trường tiêu thụ rau quả lớn thứ 2 của Việt Nam, trong đó, Thái Lan là nước trong khối nhập khẩu nhiều rau quả Việt Nam nhất.

Vào RCEP, nông sản nào được lợi?

Theo đánh giá của các chuyên gia, RCEP được kỳ vọng sẽ mở ra một thị trường đầy tiềm năng cho các mặt hàng thế mạnh, nhất là nông sản nhiệt đới và thực phẩm chế biến. 

 Ngoài ra, RCEP cũng mang lại nhiều thuận lợi cho việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của nước ta do quy trình xuất, nhập khẩu được đơn giản hóa sẽ giảm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp, đồng thời tăng tỷ suất lợi nhuận và sức cạnh tranh tại thị trường RCEP.

RCEP có hiệu lực, hàng rào thuế quan giữa các quốc gia thành viên được giảm bớt, các hàng rào phi thuế quan đối với thương mại giữa các quốc gia thành viên, chẳng hạn như thủ tục hải quan và kiểm dịch cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng dễ dàng hơn được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam, trong đó có nông sản khi xuất khẩu vào các thị trường trong RCEP.

Đồng thời, RCEP sẽ giúp Việt Nam nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, bởi chỉ tính riêng ASEAN, nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất của nước ta hàng năm vượt 30 tỷ USD.

Tuy nhiên, việc tham gia RCEP cũng khiến áp lực cạnh tranh của nông sản Việt trở nên căng thẳng hơn bởi nhiều đối tác trong khu vực cũng có những sản phẩm tương đồng, thậm chí có thể phải cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam khá tương đồng với một số đối tác lớn tham gia RCEP sẽ là một bất lợi.

Việc xuất khẩu sang các nước đối tác cũng ngày một khó khăn hơn, khi các nước đặt những tiêu chuẩn chất lượng cao hơn. 

Ngoài ra, Trung Quốc sẽ cạnh tranh với Việt Nam trong cung cấp hàng dệt, thực phẩm chế biến và thức ăn gia súc sang Hàn Quốc, gạo và hàng may mặc sang Nhật Bản.

Để không mất lợi thế ở RCEP, điều cần làm lúc này là các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh để tận dụng cơ hội mà RCEP mang lại.

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được đánh giá là hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy mô lớn nhất thế giới giữa ASEAN và 5 nước đối tác.

Cụ thể, RCEP có sự tham gia của 10 quốc gia thành viên ASEAN, gồm Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan và 5 đối tác của khối này là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Theo đánh giá, RCEP tạo nên một thị trường quy mô 2,2 tỷ người, GDP xấp xỉ 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem