Con trai diva Thanh Lam: Mẹ là người hát hay nhất!

Hạ Nhiên Thứ sáu, ngày 25/09/2015 00:00 AM (GMT+7)
Với Đăng Quang, hạnh phúc nhất là được đứng trên sân khấu của bố Quốc Trung, đệm đàn cho mẹ Thanh Lam hát.
Bình luận 0

Khác với chị gái Thiện Thanh, người đã khá quen thuộc với giới truyền thông, Nguyễn Đăng Quang (sinh năm 1999, con trai của nhạc sĩ Quốc Trung và ca sĩ Thanh Lam) sống rất trầm lắng. Chính bởi vậy mà ở chàng trai 17 tuổi có một điều gì đó bí ẩn luôn khiến người ta muốn khám phá.

img

Vẻ chững chạc điềm tĩnh của Nguyễn Đăng Quang bên cạnh chị gái Thiện Thanh

Nhưng vài năm gần đây, việc được xướng tên trong các cuộc thi piano lớn trong nước và quốc tế khiến Đăng Quang được đặc biệt chú ý. Mọi người không chỉ ấn tượng với những thành tích nổi bật của một “nghệ sĩ piano” nhỏ tuổi, một “hiện tượng âm nhạc” của Việt Nam mà còn bị cuốn hút bởi vẻ điển trai, phong thái chững chạc, điềm tĩnh của Đăng Quang.

Rất ít tiếp xúc với báo chí, nhưng lần này, Nguyễn Đăng Quang đã đồng ý chia sẻ cùng chúng tôi về niềm đam mê với cây đàn dương cầm, về tình cảm dành cho bố mẹ và những dự định trong tương lai.

Chọn nhạc cổ điển để thoát bóng bố mẹ

Vừa xuất sắc giành 3 giải trong cuộc thi piano quốc tế, Quang cảm thấy thế nào?

Cuộc thi Piano Quốc tế Hà Nội dù diễn ra trong nước, nhưng được tổ chức với quy mô lớn cùng đội ngũ ban giám khảo quốc tế danh tiếng và rất nhiều các bạn thí sinh trong và ngoài nước tham dự nên tất nhiên được giải thưởng lớn như vậy, mình cảm thấy rất vinh dự và hạnh phúc. Tuy nhiên, mình cũng cảm thấy có đôi chút áp lực, phải làm thế nào để xứng đáng với giải thưởng.  

img

Nguyễn Đăng Quang vừa giành 3 giải trong cuộc thi piano quốc tế

Đăng Quang đã chuẩn bị những gì cho cuộc thi? Bạn đã phải luyện tập trong bao lâu để có thể hoàn thành tốt bài thi của mình?

Quá trình chuẩn bị cho cuộc thi cũng rất ngắn và gian nan. Mình quyết định tham dự cuộc thi từ tháng 5 năm nay và đến tháng 9 thì bắt đầu thi, vỏn vẹn có 4 tháng luyện tập. Cuộc thi có tới 3 vòng với số lượng bài thi lớn nên mình phải gấp rút tập luyện để sẵn sàng cho từng cuộc thi.

Và mình đã thi bằng tất cả khả năng mình có.

Được biết, bà nội chính là người thầy dẫn dắt bạn trong suốt những năm qua?

Mình thật sự rất biết ơn người bà, người thầy của mình, GS.TS.NGND Trần Thu Hà đã tận tuỵ dạy dỗ mình trong suốt những năm qua. Bên cạnh đó là sự biết ơn đối với gia đình đã hết sức động viên, hỗ trợ mình trong quá trình học nhạc. Không có những công lao đó, mình sẽ không bao giờ đạt được những thành tích như bây giờ.

Đăng Quang đã làm quen với piano từ bao giờ? Và tại sao lại chọn piano?

Mình bắt đầu học piano khá muộn so với các bạn cùng lứa. Các bạn học từ khi lên 6 - 7 tuổi, thậm chí sớm hơn nữa, còn mình thì 9 tuổi mới học và một tháng sau đó đã phải thi vào trường Nhạc chuyên ngành Piano.

Mình đến với đàn piano cũng là cái duyên. Mình có bà là thầy giáo dạy đàn, hơn nữa, đây cũng là nhạc cụ rất cơ bản, nếu chơi được piano thì có thể chơi được rất nhiều nhạc cụ khác và nó hỗ trợ nhiều mặt trong hoạt động nghệ thuật. Với mình, piano thực sự là một nhạc cụ cao quý và thật may mắn khi mình đã có duyên với nó.

img

Nguyễn Đăng Quang rất yêu quý và ngưỡng mộ mẹ của mình

Đăng Quang đã phải khổ luyện như thế nào để có thể chơi piano một cách thành thục? Theo bạn, cái khó nhất trong việc học đàn piano là gì?

Do học muộn và bàn tay có phần không phù hợp với đàn piano nên lúc đầu mình đánh đàn rất kém. Hơn nữa, lúc đó mình còn trẻ con, mải chơi nên chưa thật chú tâm vào việc tập luyện, mà nghề này không khổ luyện không bao giờ có thể thành công được.

Sau này, mình đã phải tập luyện rất nhiều, một ngày phải cố gắng tập đủ 7 - 8 tiếng , có khi tập đến chai cả tay. Không chỉ riêng mình mà các bạn khác cũng vậy, có bạn còn luyện tập đến mức đau tay, không đánh được đàn phải đi khám bác sỹ. Tuy nhiên, vì bên cạnh mình luôn có người thầy tận tâm, tận tụy hướng dẫn mình luyện đàn nên mình cũng dần trưởng thành hơn trong việc chơi nhạc.

Học đàn chưa bao giờ là dễ dàng nên mình nghĩ cái khó nhất là giữ được sự kiên trì, nghị lực và niềm đam mê với đàn.

img

Với Đăng Quang, đến với đàn piano là một cái duyên

Tại sao Đăng Quang lại chọn thể loại nhạc cổ điển chứ không phải là các thể loại nhạc hiện đại như các bạn cùng trang lứa vẫn lựa chọn?

Mình nhìn thấy ở bản thân có nhiều tố chất để có thể theo đuổi nhạc cổ điển. Mặt khác bố mẹ mình là những nghệ sĩ theo nhạc nhẹ nên mình muốn tách ra khỏi thể loại nhạc này để tránh sự so sánh. Và điều quan trọng nhất là mình muốn thử sức mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đó có thể tự lập ở thể loại nhạc mình yêu thích nhất, phù hợp nhất.

Điều khiến Đăng Quang say mê nhất ở thể loại nhạc cổ điển là gì?

Nhạc cổ điển có một sự lôi cuốn vô tận. Dường như những cảm xúc của nhạc không ở bề mặt mà là những đợt sóng ngầm cuồn cuộn phía dưới, chất chứa rất nhiều điều. Nó thật sự rất kỳ diệu!

Tiếc thay, ở Việt Nam, nhạc cổ điển chưa được đón nhận nhiều bởi, nó không phải là thể loại nhạc dễ nghe. Nhưng mình tin, trong tương lai, với trình độ văn hóa phát triển, nhạc cổ điển sẽ được phổ cập rộng rãi hơn.

“Bố mẹ luôn cho em cảm giác mình có cả hai”

Là con của hai nghệ sĩ lớn, nhạc sỹ Quốc Trung và diva Thanh Lam, có khi nào Đăng Quang cảm thấy áp lực và khó thoát khỏi cái bóng của bố mẹ?

Được sinh ra trong một gia đình nghệ thuật với trình độ văn hoá cao, mình cảm thấy mình rất may mắn. Việc cảm thấy áp lực khi được gọi là "con trai Thanh Lam - Quốc Trung" cũng là điều dễ hiểu, vì bố mẹ em đều là những người có chỗ đứng vững chắc trong nghệ thuật Việt Nam, những hoạt động của con cái họ tất nhiên sẽ được mọi người để ý kỹ.  

Nhưng áp lực đấy lại rất tốt, nó nhắc nhở mình rằng phải tiếp tục phấn đấu hơn nữa trong sự nghiệp. Mình sẽ nỗ lực nhiều nhất có thể để có sự nghiệp độc lập của riêng mình.

img

Với Đăng Quang, cảm xúc được đứng trên sân khấu cùng bố và mẹ rất thiêng liêng và đáng trân trọng

Học trong trường, có khi nào Đăng Quang được ưu ái hơn vì là con của những nghệ sỹ nổi tiếng?

Dù mình là con của người nổi tiếng thì đến trường vẫn phải học tập nghiêm túc và sinh hoạt lành mạnh như các bạn khác thôi! (Cười).

Bố và mẹ, ai là người có sức ảnh hưởng lớn hơn với Đăng Quang?

Mỗi người có một sức ảnh hưởng riêng. Mình đã học được ở cả bố và mẹ rất nhiều điều.

Từng đứng trên sân  khấu có cả bố và mẹ hợp tác, cảm xúc của Đăng Quang thế nào? Có bao giờ bạn thấy chạnh lòng khi không được sống cùng với cả bố và mẹ?

Cảm xúc ấy rất thiêng liêng. Đứng chung sân khấu với bố mẹ tuy có hơi run và hồi hộp nhưng mình cảm thấy việc cả gia đình cùng đứng chung môt sân khấu thật sự rất đáng trân trọng. Vì may mắn và vinh dự này không phải ai cũng có được và bản thân mình cũng không có nhiều cơ hội được như vậy.

img

Dù bố mẹ không sống cùng nhau nhưng Đăng Quang luôn cảm nhận được tình yêu thương của cả hai dành cho mình

Bố mẹ mình tuy không sống với nhau nhưng không bao giờ để mình thiếu thốn tình cảm, cho mình cuộc sống rất no đủ và hạnh phúc. Mình luôn thấy mình có cả hai và không bao giờ muốn đòi hỏi thêm điều gì nữa.

Đăng Quang từng chia sẻ bạn rất thích nghe mẹ hát và được ăn những món ăn của mẹ? 

Với mình thì mẹ lúc nào cũng là người hát hay nhất.  Thật sự, phải chứng kiến quá trình lao động nghệ thuật đầy vất vả của mẹ cho đến khi thấy mẹ đứng trên sân khấu hát, mình mới hiểu được công lao của người nghệ sĩ đáng trân trọng đến mức nào.

Mình rất ngưỡng mộ mẹ về sự nhiệt huyết với nghề cũng như ý chí mạnh mẽ, kiên cường không phải ai cũng có được.

Còn về những món ăn mẹ mình nấu thì thật sự là ngon lắm. Ai ăn rồi sẽ biết ạ (cười).

Đăng Quang có thể chia sẻ một chút về dự định trong tương lai?

Mình  sẽ cố gắng thật nhiều để có thể tốt nghiệp Trung cấp piano tại Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia với kết quả thật tốt. Mình cũng mong mình có thể đi du học nước ngoài, học hỏi thật nhiều điều mới và trưởng thành hơn trong tương lai.

Cảm ơn những chia sẻ của Đăng Quang và chúc bạn thành công trên con đường đã chọn!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem