Con trai thủ khoa của người cha bốc vác

Tùng Anh Chủ nhật, ngày 20/07/2014 18:18 PM (GMT+7)
Người cha quanh năm phụ hồ, bốc vác, người mẹ một mình gánh gần 2 mẫu ruộng, phải chật vật lắm mới gồng gánh được gia đình nhỏ có hai người con học giỏi. Trong đó, người con út – cháu Nguyễn Văn Tuân vừa nhận tin vui trở thành thủ khoa của Đại học Quốc gia Hà Nội, với số điểm 28,5.
Bình luận 0

28,5 điểm thấm bao giọt mồ hôi

Căn nhà trong ngõ nhỏ của anh Nguyễn Văn Bốn, chị Thắm (ở thôn Thần, xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cả ngày nay nhộn nhịp người ra vào. Hàng xóm, người thân khi biết tin cháu Tuân đỗ thủ khoa đều đến chung vui với gia đình anh chị.

Gương mặt khắc khổ của người cha, người mẹ quanh năm lam lũ với ruộng đồng, nắng gió hôm nay bỗng rạng ngời hơn thường ngày bởi niềm vui và tự hào về đứa con gầy gò, ốm yếu của mình. Anh Bốn chia sẻ: “Tuân sinh ra chỉ có 2,5 kg, gia đình nghèo khó quanh năm chỉ ăn cơm với rau mắm nên nuôi mãi mà chẳng lớn, ốm đau suốt. Khi Tuân đến tuổi đi học thì chỉ cắm đầu cắm cổ vào học, ăn cũng ít nên giờ sắp thành tân sinh viên mà chỉ có chưa đầy 45 kg”.

img
Nguyễn Văn Tuân cùng bố mẹ.

Mẹ Tuân – chị Đỗ Thị Thắm thì xúc động: “Từ tối qua, khi biết con đỗ thủ khoa, cả nhà cứ bồn chồn, ra vào không yên, vừa mừng vừa lo. Con đỗ ĐH thì vui, nhưng nghĩ đến quãng đường nuôi con 4 – 5 năm phía trước mà nản”. Chị Thắm cho biết, anh Bốn không có nghề nghiệp ổn định, quanh năm chỉ đi phụ hồ, có ai gọi làm thuê, bốc vác thì đi làm. Cả tháng bán sức cũng chỉ được 1,5 – 2 triệu đồng, không đủ chi phí cho chị gái Tuân đang học năm thứ 3 Học viện Ngân hàng.

Quan điểm
img
Anh Nguyễn Văn Bốnbố thủ khoa Nguyễn Văn Tuân
  Tuân sinh ra chỉ có 2,5 kg, gia đình nghèo khó quanh năm chỉ ăn cơm với rau mắm nên nuôi mãi mà chẳng lớn, ốm đau suốt. Khi Tuân đến tuổi đi học thì chỉ cắm đầu cắm cổ vào học, ăn cũng ít nên giờ sắp thành tân sinh viên mà chỉ có chưa đầy 45 kg...  
Để bù thêm đồng ra đồng vào, một mình chị Thắm phải nhận khoán 1,9 mẫu ruộng (trong đó ruộng của nhà chỉ có 6 sào). Chị Thắm tính nhanh: “Mỗi vụ thu được 1,5 tạ/sào. Trừ chi phí đi thì được từ 10 – 11 triệu/6 tháng đầu tắt mặt tối. Đấy là mình phải tự làm, không thuê mướn gì, cứ đến vụ cấy, vụ gặt là một mình lọ mọ đi từ nửa đêm gà gáy. Hôm nào Tuân không phải đi học thì đều ra đồng nhổ mạ và cấy cho mẹ. Nó chăm lắm, không quản ngại gì”.

 

Ngoài việc đồng áng, cứ rảnh ra là chị Thắm lại nhận khâu giày dép ở mấy cơ sở sản xuất nhỏ trong làng. Mỗi đôi khâu cũng được 3.000 đồng, một ngày thì được khoảng 15 đôi nhưng công việc lúc có lúc không.

“Bố nó vì bốc vác nhiều quá mà bị dãn dây chằng, thường xuyên đau lưng nhưng vẫn phải đi làm. 3 năm nuôi cháu lớn học ĐH, gia đình đã phải vay hết 50 triệu đồng. Bây giờ Tuân đỗ ĐH tiếp, vợ chồng tôi cũng chưa dám nghĩ tới tương lai” – chị Thắm nói.

Đỗ thủ khoa CNTT, nhưng ước mơ trở thành... bác sĩ

Tuy đỗ thủ khoa ngành Công nghệ thông tin (ĐH Công nghệ thuộc ĐH Quốc gia) nhưng ước mơ của Nguyễn Văn Tuân lại là trở thành… một bác sĩ giỏi.

Tuân cho biết, thi khối A vào ĐH Quốc gia chỉ là khối phụ, khối thi chính của em là khối B thi vào ĐH Y Hà Nội. Chính vì vậy, khi nhận được tin đỗ thủ khoa, Tuân hết sức bất ngờ vì môn Lý em không đầu tư học nhiều.

Tuân tâm sự: “Em đang chờ đợi kết quả của trường y, em hy vọng sẽ đỗ vào trường này để thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ giỏi, sau này có thể chữa bệnh cho nhiều người”. Tuân cũng cho biết, thi khối B em cũng làm tương đối tốt, kết quả dự kiến sẽ tương đương với khối A.

 Chỉ có một điều duy nhất khiến chàng thủ khoa nhỏ thó 45 kg này băn khoăn là nếu đỗ ĐH Y Hà Nội, số năm học của em sẽ kéo dài thêm 2 – 3 năm, đồng nghĩa với việc bố mẹ sẽ phải vất vả hơn để nuôi em ăn học. “Em đã lên kế hoạch rồi, khi nhập học, em sẽ bắt đầu tìm việc làm thêm để đỡ đần chi phí cho bố mẹ. Em có thể làm gia sư, có thể đi bưng bê…, không sao cả. Miễn là em có thể thực hiện được ước mơ của mình và giúp bố mẹ bớt vất vả” – Tuân nói.

Được biết, suốt 12 năm học, Tuân đều đạt học sinh giỏi, đứng nhất nhì lớp về học lực và là một lớp phó học tập gương mẫu. Lật tập giấy khen dày cộp từ trong hộc tủ của Tuân cho tôi xem, chị Đỗ Thị Thắm cười: “Đây, gia tài lớn nhất của gia đình tôi đây, cô ạ”.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem