Con vẹm là con gì mà nông dân tỉnh Kiên Giang không thả giống, cũng chả phải cho ăn, chỉ việc bắt lên bán?

An Di (Cổng TTDT tỉnh Kiên Giang) Thứ bảy, ngày 01/01/2022 13:01 PM (GMT+7)
Vài năm trở lại đây, nuôi vẹm xanh đang trở thành một trong những nghề ít tốn chi phí nhưng lại cho lợi nhuận khả quan ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Rất nhiều nông dân sinh sống ven biển, nhờ nghề nuôi con vẹm mà có kinh tế khấm khá.
Bình luận 0

Thời điểm cuối năm, khi đến mùa thu hoạch cũng là lúc những bầu nuôi vẹm xanh ở bãi bồi ven biển của huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang) rộn ràng nhất.

Con vẹm là con gì mà nông dân tỉnh Kiên Giang, nông dân không thả giống, cũng chả phải cho ăn, chỉ việc bắt bán? - Ảnh 1.

Nông dân ở ấp 6 Biển, xã Nam Thái, huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang) thu hoạch vẹm xanh.

Có dịp ra thăm bầu nuôi vẹm xanh của bà con nông dân ấp 6 Biển, xã Nam Thái, huyện An Biên đúng vào mùa thu hoạch.

Ẩn sâu dưới mặt nước biển mênh mông trắng xóa là cả gia tài bạc tỷ mà thiên nhiên ban tặng cho vùng bãi bồi nơi đây. 

Những nông dân nuôi vẹm xanh cho biết, năm nay tuy giá vẹm xanh giảm mạnh, nhưng bù lại vẹm sinh sôi tự nhiên rất nhiều, gần như không phải tốn kém chi phí mua con giống.

Chỉ cần đầu tư cọc gỗ, làm giàn ngầm cho vẹm bám vào, rồi thi thoảng xuống thăm xem vẹm phát triển thế nào là có thể chờ đến vụ thu hoạch.

"Mô hình nuôi vẹm xanh này có lợi nhuận rất cao, đầu vụ tôi đầu tư vô 30 triệu đồng thấy con vem xanh nó sinh sản tự nhiên rất nhiều, ước lượng mô hình tôi năm nay đạt khoảng 4 tấn, giá thị trường hiện nay là 15.000 đồng/ký", anh Nguyễn Văn Trăng, ở Ấp 6 Biển, xã Nam Thái, huyện An Biên cho biết.

Đầu năm 2021, anh Võ Văn Sơn, ấp 6 Biển, xã Nam Thái vay 50 triệu đồng vốn tín chấp của Ngân hàng chính sách xã hội huyện An Biên để đầu tư nuôi vẹm xanh. Đến nay mới sau một vụ thu hoạch, anh đã bán khoảng 17 tấn, được trên 200 triệu đồng. 

Với mức thu nhập này, không chỉ giúp anh Sơn dễ dàng trả nợ, mà còn có tích lũy thêm khoảng 100 triệu đồng cho kinh tế gia đình, nhất là khi năm mới đang đến gần.

"Mô hình này tôi chỉ đầu tư mua 3.000 cây và chi phí nhân công khoảng trên dưới 30 triệu đồng, tới nay tôi thu hoạch được mười mấy tấn rồi, bán cũng được 200 triệu đồng giờ cũng còn được mấy tấn nữa sắp thu hoạch", ông Võ Văn Sơn, Ấp 6 Biển, xã Nam Thái nói.

Toàn xã Nam Thái có hơn 1.000 ha đất bãi bồi ven biển, từ lâu đã trở thành kế mưu sinh của hàng trăm hộ gia đình. 

Những nông dân nghèo, kinh tế khó khăn ra bám biển, được vay vốn tín chấp của ngân hàng chính sách mở mô hình nuôi tôm, cua sò, và giờ đây là nuôi vẹm xanh, đang dần vươn lên khấm khá. 

Chỉ riêng đối với mô hình nuôi vẹm xanh, bình quân mỗi bầu nuôi có diện tích khoảng 2 ha, được nông dân cắm từ 1.000 đến 5.000 cây cừ tràm, mỗi cừ tràm như vậy đến vụ thu hoạch sẽ cho từ 10 đến 30 kg vẹm xanh. 

Giá bán vẹm xanh hiện tại dao động ở mức 15.000 đồng/kg, với mức giá này, sau khi trừ chi phí, vẫn có lợi nhuận 50%.

"Đến thời điểm này, đánh giá chung là bà con sử dụng vốn rất là hiệu quả, một đợt thu hoạch con vẹm như vậy bà con thu hoạch từ 1 đến 3 tháng. Qua một năm thu hoạch con vẹm xanh như vậy bà con thu được từ 200 đến 500 triệu đồng nên bà con trả lãi, trả nợ cho ngân hàng rất tốt", bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện An Biên cho biết thêm.

Toàn huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang), có bờ biển dài 21km, dọc theo đó là tuyến đê quốc phòng và vành đai rừng phòng hộ ven biển với trên 7.000 ha mặt nước đất bãi bồi ven biển được giao khoán cho người dân sử dụng.

Những năm trở lại đây, mặc dù có chịu ảnh hưởng của thời tiết và giá cả thị trường bấp bênh, nông dân vùng bãi bồi vẫn duy trì được kinh tế khấm khá nhờ biết khai thác hợp lý, bền vững nguồn lợi thủy sản do thiên nhiên ban tặng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem