Công an giả gọi điện lừa đảo, gặp đúng công an xịn

Chủ nhật, ngày 18/06/2023 06:00 AM (GMT+7)
Trong lúc thực hiện cuộc gọi video để lừa bị hại, đối tượng tự xưng là Lê Hải Sơn bất ngờ phát hiện người đang nói chuyện với mình là một cán bộ công an, đang công tác tại Công an tỉnh Cao Bằng...
Bình luận 0

Sáng 17/6, anh V.Q. (cán bộ thuộc Công an tỉnh Cao Bằng) đang trong ca trực thì nhận được cuộc gọi từ số máy lạ (0917.463.494), tự xưng là cán bộ phòng tiếp nhận, xử lý hồ sơ thuộc Công an TP.Hà Nội.

Theo cảnh sát, chủ nhân số điện thoại trên thông báo với anh V.Q. rằng, số CMND của anh Q. được sử dụng để đăng ký số điện thoại 0937.052.342 vào ngày 9/3, tại Mobifone TP.Hà Nội.

Ngoài ra, số điện thoại đứng tên anh Q. đã thực hiện nhiều cuộc gọi chào bán thiết bị vật tư y tế, sau đó yêu cầu nhiều người chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản.

Công an giả gọi điện lừa đảo, gặp đúng công an xịn - Ảnh 1.

Hình ảnh đối tượng lừa đảo (ảnh lớn) gọi điện video cho cán bộ công an V.Q. (Ảnh: Công an cung cấp)

Tiếp đó, người này nói sẽ chuyển cuộc gọi đến Công an TP.Hà Nội, cho anh Q. nói chuyện với cán bộ thụ lý vụ việc.

Sau khi chuyển máy, một người đàn ông tự xưng là cán bộ thuộc Công an Hà Nội yêu cầu anh V.Q. đến Công an TP.Hà Nội để báo án, và nếu anh Q. không đến được sẽ thực hiện cuộc gọi video để xác minh.

Sau đó, đầu dây bên kia yêu cầu anh Q. kết bạn Zalo và gọi video với cán bộ có tên Lê Hải Sơn.

Khi gọi video Zalo, thấy anh V.Q. mặc quân phục công an, đối tượng Lê Hải Sơn giật mình và thốt lên "đang định lừa đảo tí thì gặp ngay công an".

Biết mình lừa đảo không thành, đối tượng Sơn hạ giọng xin anh Q. "cứu em với". Đối tượng này cho biết bản thân đang bị nhốt ở Myanmar và bị các đối tượng xấu hành hạ hàng ngày, nếu không hoàn thành chỉ tiêu "gọi điện lừa đảo".

Theo cảnh sát, thủ đoạn lừa đảo của bọn chúng rất tinh vi, khi gọi video Zalo, các đối tượng này sử dụng khuôn mặt của người khác trong đồng phục công an, ngồi trong phòng được thiết kế y như phòng làm việc của cơ quan công an và có bảng tên, phù hiệu…

Công an giả gọi điện lừa đảo, gặp đúng công an xịn - Ảnh 2.

Các đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ Deepfake để tạo ra các sản phẩm công nghệ âm thanh, hình ảnh và video làm giả người ngoài đời thực với độ chính xác rất cao. (Ảnh: Công an cung cấp)

Bọn chúng thường giả mạo lực lượng công an, gọi điện thông báo số điện thoại, số tài khoản của bị hại đang liên quan đến một vụ án nghiêm trọng, như buôn bán ma túy, rửa tiền.

Khi bị hại cho biết mình không liên quan, hoặc không phải là tội phạm được nói đến, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu cung cấp thông tin để xác minh hoặc nói rằng, có thể thông tin cá nhân của bị hại bị lợi dụng, yêu cầu bị hại làm theo hướng dẫn.

Để chứng minh mình vô tội, bị hại đồng ý hợp tác điều tra và sau đó, các đối tượng xấu yêu cầu bị hại chuyển tiền qua tài khoản để tiến hành kiểm tra, nếu không liên quan, chúng sẽ chuyển trả lại, đồng thời đề nghị bị hại tuyệt đối giữ bí mật thông tin.

Ngay khi có được tiền do bị hại chuyển, chúng sẽ chiếm đoạt số tiền này và cắt đứt liên lạc.

Công an tỉnh Cao Bằng khuyến cáo người dân cần tăng cường cảnh giác trước các đối tượng giả danh công an gọi điện qua Zalo để lấy video nhằm mục đích lừa đảo.

Trước đó, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, gần đây, trên không gian mạng xuất hiện một phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất tinh vi đó là, các đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ Deepfake (là công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI), để tạo ra các sản phẩm công nghệ âm thanh, hình ảnh và video làm giả người ngoài đời thực với độ chính xác rất cao.

Theo cảnh sát, các đối tượng xấu sẽ thực hiện cuộc gọi video để giả làm người thân vay tiền, giả làm con cái đang du học nước ngoài gọi điện cho bố mẹ nhờ chuyển tiền đóng học phí, hay có thể giả tạo ra những tình huống khẩn cấp như người thân bị tai nạn cần tiền gấp để cấp cứu…

Cơ quan công an cho hay, để thực hiện được hình thức lừa đảo này, các đối tượng tìm kiếm, thu thập thông tin cá nhân, hình ảnh, video có giọng nói được đăng tải công khai trên các tài khoản mạng xã hội… rồi sử dụng công nghệ Deepfake để tạo sẵn những video rất khó phân biệt thật - giả; có hình ảnh, giọng nói của cá nhân đó để phục vụ cho kịch bản lừa đảo.

Đặc điểm chung của những cuộc gọi video như vậy thường có âm thanh, hình ảnh không rõ nét, tín hiệu chập chờn giống như cuộc gọi video trong khu vực phủ sóng di động hoặc wifi yếu để nạn nhân khó phân biệt thật, giả. Nếu nạn nhân cẩn thận gọi video để kiểm tra thì chúng sẽ không nhận cuộc gọi hoặc sử dụng phần mềm cắt ghép hình ảnh, video để đánh lừa.


Trần Thanh (Dân Trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem