Công an làm việc với 3 trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng, tình huống nào sẽ xảy ra?

Quang Trung Chủ nhật, ngày 26/06/2022 09:05 AM (GMT+7)
Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã mời 3 cá nhân bị tố giác là êkip giúp sức tích cực cho bà Nguyễn Phương Hằng lên làm việc. Vậy những tình huống pháp lý có thể xảy ra với 3 trợ lý của bà Hằng?
Bình luận 0

Công an làm việc với 3 trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng

Ngày 25/6, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã làm việc với 3 trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng là Huỳnh Công Tân, Lê Thị Thu Hà (Ha Lee) và Nguyễn Thị Mai Nhi (Hoàng Nhi).

Trước đó, bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sỹ Vy Oanh) đề nghị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM điều tra, xử lý trách nhiệm hình sự đối với ông Đặng Anh Quân; nhóm êkip hậu trường các buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng, gồm: Huỳnh Công Tân, Lê Thị Thu Hà (Ha Lee), Nguyễn Thị Mai Nhi (Hoàng Nhi)…

Công an làm việc với 3 trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng, tình huống nào sẽ xảy ra? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Phương Hằng nhiều lần tổ chức livestream đưa thông tin sai sự thật. Mỗi lần lên sóng, bà Hằng đều có những người giúp sức tích cực. Ảnh chụp màn hình.

Bà Oanh cho rằng những người này đã có hành vi giúp sức tích cực cho bà Hằng. Cụ thể, thông qua các kênh mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok… những người này đã nhiều lần chỉ đích danh và có lời lẽ vu khống, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của bà.

Tương tự, nhà báo Hàn Ni cũng đề nghị Công an TP.HCM khởi tố Lê Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Mai Nhi, Huỳnh Công Tân, Đặng Anh Quân về hành vi làm nhục người khác, vu khống và lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Những tình huống pháp lý có thể xảy ra với 3 trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, việc cơ quan điều tra mời 3 trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng lên làm việc là một hoạt động bình thường trong quá trình giải quyết nguồn tin tố giác tội phạm.

Về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý, hành vi vi phạm đến đâu phải xử lý đến đó.

Trong một vụ án, người nào vi phạm và xúi giục kích động người khác cùng thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xác định là người chủ mưu cầm đầu.

Những người có cùng ý chí thực hiện hành vi tội phạm sẽ được xác định là đồng phạm.

Ông Cường cho rằng, hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ thực hiện trên không gian mạng mà bà Nguyễn Phương Hằng đang bị khởi tố có thể không chỉ có một người thực hiện mà có cả ekip cùng tham gia.

Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của từng người, làm rõ vai trò, nhận thức, ý thức chủ quan của từng người để xác định những người có vi phạm pháp luật hay không.

Sau quá trình điều tra, nếu có căn cứ cho thấy ngoài bà Nguyễn Phương Hằng, 3 trợ lý của bà này có cùng ý chí thực hiện hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan điều tra sẽ khởi tố những người trên với vai trò đồng phạm.

Còn trường hợp, cơ quan điều tra xác định 3 trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng không có dấu hiệu tội phạm thì sẽ không khởi tố.

Trong khi đó, luật sư Lê Hoàng Lan (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, Điều 17 Bộ luật hình sự 2015 quy định: Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Về xem xét trách nhiệm hình sự, các đồng phạm sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm hình sự tùy vào vai trò, mức độ tham gia tội phạm. Tuy nhiên người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành...

"Bị can Nguyễn Phương Hằng đang bị khởi tố theo Điều 331 Bộ luật hình sự 2015 và vụ án này có đồng phạm, các đồng phạm cũng sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội danh trên" – luật sư Lan thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem