Công bố điểm thi THPT quốc gia 2017: Các môn xã hội có nhiều điểm 10

Tùng Anh Thứ năm, ngày 06/07/2017 06:30 AM (GMT+7)
Từ ngày 6.7, Sở GDĐT các tỉnh bắt đầu được phép công bố điểm thi THPT quốc gia của thí sinh tỉnh mình. Theo thống kê sơ bộ tại nhiều tỉnh thành, năm nay, môn xã hội khởi sắc với rất nhiều điểm tuyệt đối.
Bình luận 0

“Mưa” điểm 10 môn xã hội

Nếu như các năm trước, điểm 10 chủ yếu xuất hiện ở các môn khoa học tự nhiên như toán, lý, hóa thì năm nay, môn toán không còn giữ vị trí đầu bảng, các môn xã hội như sử, địa, đặc biệt là giáo dục công dân đã có rất nhiều điểm 10.

img

Thí sinh cần thận trọng khi thay đổi nguyện vọng (chụp thí sinh tại điểm thi Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội).   Ảnh: Đàm Duy  

Sáng 5.7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nghe lãnh đạo Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia, Bộ GDĐT báo cáo kết quả sơ bộ về công tác chấm thi. Phó Thủ tướng yêu cầu, ngay sau khi thông tin về điểm thi được công bố chính thức trên website của các sở GDĐT, Bộ GDĐT chỉ đạo, tạo điều kiện cho các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt các báo điện tử và các nhà mạng tham gia hỗ trợ, cung cấp thông tin miễn phí về kết quả kỳ thi THPT quốc gia và tư vấn tuyển sinh đại học, cao đẳng cho thí sinh.

Tại Sở GDĐT Phú Thọ, lãnh đạo sở thông tin, cả tỉnh có 62 bài thi đạt điểm 10. Trong đó, môn hóa đứng đầu với 21 bài điểm 10, tiếp đến là môn địa với 17 bài, môn tiếng Anh có 12 bài, môn giáo dục công dân có 7 bài. Bất ngờ hơn, môn toán hàng năm có rất nhiều điểm 10 thì năm nay cả tỉnh chỉ có 2 bài điểm 10. Ở môn tự luận duy nhất là văn, điểm thi cao nhất là 9,25 và có 3 thí sinh bị điểm liệt môn này. Các môn trắc nghiệm cũng có khoảng 30 bài thi/môn bị điểm liệt. Tỉnh có số lượng thí sinh đạt điểm 10 nhiều nhất phải kể đến là Nam Định.

Theo thông tin từ Sở GDĐT tỉnh, có tới 128 bài thi các môn trắc nghiệm nếu xét độc lập đạt điểm 10. Trong đó toán 8 bài, tiếng Anh 25 bài; tiếng Nga 2 bài; tiếng Pháp 2 bài; hoá 46 bài; sinh 13 bài. Đặc biệt hơn, trong danh sách các môn khoa học xã hội của tỉnh này, điểm 10 ở môn sử có 5 bài, môn địa 22 bài và giáo dục công dân có 5 bài điểm 10. Môn văn điểm cao nhất là 9,5 và có nhiều bài thi đạt điểm từ 9 đến 9,25.

Trong khi đó, tại Sở GDĐT Lai Châu, ông Hoàng Đức Minh – Phó Giám đốc Sở cho biết, Sở này chỉ có duy nhất 1 điểm 10 lại rơi vào đúng môn lần đầu tiên thi tốt nghiệp: Giáo dục công dân. Môn văn cũng có duy nhất 1 thí sinh đạt mức điểm cao nhất là 9 điểm. Đặc biệt, ở môn sử đã có 1 thí sinh đạt được điểm 9,75 điểm; môn địa có tới 7 bài đạt mức điểm 9,75.

Tại Long An, Sở GDĐT tỉnh này cũng thông tin, số thí sinh đạt điểm 10 có môn hóa 9 bài, môn sinh 4 bài, có 1 bài môn sử đạt điểm 10; môn địa có 2 bài và giáo dục công dân 5 bài thi đạt mức điểm tối đa.

Lý giải về việc môn xã hội “lên ngôi” với nhiều điểm 10, các giáo viên cho biết đó là tín hiệu vui từ việc chuyển hình thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm.

Thầy Nguyễn Đức Tình, giáo viên Trường THPT tại Nghĩa Đàn (Nghệ An) cho biết: “Đối với các môn xã hội, ngay cả thí sinh hiểu bài, nắm chắc kiến thức nhưng chỉ cần bị lỗi trình bày, viết sai chính tả, chữ xấu khiến giám thị… mất cảm tình cũng có thể bị trừ điểm. Tuy nhiên, khi chuyển sang trắc nghiệm, vấn đề điểm trình bày không còn quan trọng nữa, điểm tuyệt đối ở môn địa, sử, đặc biệt là giáo dục công dân xuất hiện nhiều cũng là điều dễ hiểu”.

Thận trọng điều chỉnh nguyện vọng

Sau khi có điểm thi THPT quốc gia, thí sinh có cơ hội duy nhất để điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ từ ngày 15 – 21.7. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, không phải bất cứ thí sinh nào cũng nên thay đổi nguyện vọng của mình.

Ông Nguyễn Quốc Cường – Phó Trưởng ban Đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Sau khi biết điểm thi, các em cần lưu ý trước khi thay đổi nguyện vọng của mình, việc đầu tiên là căn cứ vào điểm thi của các em, căn cứ vào điểm chuẩn của các trường trong những năm trước để có những điều chỉnh phù hợp. Nếu điểm thi bằng hoặc cao hơn điểm chuẩn các năm trước của các trường mình mong muốn thì hãy mạnh dạn điều chỉnh”.

Theo ông Cường, năm nay, Bộ GDĐT không giới hạn về nguyện vọng, do đó, khi thí sinh đã lựa chọn được ngành học phù hợp với mình, phù hợp với nhu cầu nhân lực trong xã hội thì nên chọn một ngành ở nhiều trường khác nhau.

Ông Cường cho rằng, ở cùng một ngành nhưng phổ điểm của các nhóm trường lại khác nhau. Ví dụ, ngóm ngành kinh tế top đầu là Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP.Hồ Chí Minh… thường có điểm rất cao. Nếu thí sinh cảm thấy điểm của mình phù hợp thì đăng ký thay đổi. Tuy nhiên cũng phải có những biện pháp dự phòng. Cụ thể, ngoài trường top trên cần đăng ký thêm ngành đó ở các trường top giữa và top dưới. Các trường ngoài công lập cũng là một lựa chọn cần thiết.

“Việc học trường nào không quan trọng mà quan trọng là ngành đào tạo. Hiện nhiều trường công lập đã tự chủ tài chính, học phí cũng cao tương đương các trường ngoài công lập. Vì vậy, học phí không còn là mấu chốt của vấn đề nữa mà mấu chốt là ngành học” – ông Cường nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem