Công bố đường dây nóng, ông Thăng đã chọn việc vất vả

Thứ năm, ngày 03/03/2016 10:26 AM (GMT+7)
"Đường dây nóng mang lại sự sâu sát nhưng có thể khiến lãnh đạo quá tải và mất đi cái nhìn toàn cục", tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng chia sẻ.
Bình luận 0

img

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - nhìn nhận, đường dây nóng như của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng phản ánh cách làm việc mới, sâu sát của người lãnh đạo. Ông nói:

- Trong quá trình quản trị, điều hành, chỉ đạo bao giờ cũng các công đoạn: thu thập thông tin, xử lý thông tin và ban hành quyết định.

img

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng. Ảnh: N.H

Nếu người lãnh đạo nghe bộ máy của mình báo cáo thì việc thu thập thông tin chỉ từ một nguồn. Nhưng thu thập thông tin từ người dân đồng thời nghe bộ máy báo cáo, anh sẽ có nhiều thông tin từ các góc độ khác nhau. Như vậy việc xử lý thông tin còn đến từ kênh trực tiếp hơn, nhờ đó quyết định chuẩn xác hơn.

Người lãnh đạo hài lòng với báo cáo của cấp dưới mà cấp dưới lại có lợi ích lại gắn liền với các thông tin phản ánh thì chắc chắn chỉ tiếp nhận được các báo cáo thiên lệch. Còn nếu anh có một bộ máy tổng hợp thông tin trung thực, khách quan, biết cách tổng hợp, phân tích thì đó là ưu thế rất lớn.

Thách thức cho người lãnh đạo

*Thông tin qua đường dây nóng đến nhanh, trực tiếp nhưng làm sao người lãnh đạo trăm công nghìn việc lại có thể nghe hết phản ánh của hàng vạn, hàng triệu người dân. Ông có thể phân tích về ưu, nhược của đường dây nóng mà Bí thư Đinh La Thăng vừa thiết lập?

- Sử dụng đường dây nóng sẽ được nhiều mặt. Thứ nhất, nó mang lại thông tin trực tiếp từ người dân, đây là một ưu điểm lớn. Đặc biệt khi người dân đã tin cậy, họ có thể chia sẻ mọi vấn đề.

Thứ hai, thông tin nhanh. Thứ ba, khi nghe trực tiếp từ dân, lãnh đạo không chỉ thu nhận được thông tin mà còn cảm nhận được sắc thái tình cảm, lời nói và tinh thần của họ.

Đường dây nóng mang lại sự sâu sát nhưng có thể khiến lãnh đạo mất đi cái nhìn toàn cục, mất đi tầm của lãnh đạo tác động đến cả hệ thống.

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng

Tuy nhiên mặt hạn chế là nó sẽ chiếm hết thời gian của người tiếp nhận trong khi thời gian của lãnh đạo rất quý giá. Bên cạnh đó, thông tin trực tiếp từ dân có thể là một người, một nhóm người chứ chưa phải là của cả thành phố. Không khéo, anh bỏ công việc của hàng triệu người để giải quyết công việc cho một vài người.

Thứ hai, thông tin từ người dân cũng có rất nhiều tầng lớp, anh tiếp nhận thông tin trực tiếp nhưng để xác định họ nói thật hay lợi dụng để nói xấu, họ đưa thông tin đúng hay sai lệch không phải lúc nào cũng đơn giản.

img

Ông Đinh La Thăng trao đổi với bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk - về câu chuyện mua sữa của nông dân Củ Chi. Ảnh: Thanh Nam

Thứ ba, không phải vấn đề nào dân phản ánh cũng có thể xử lý được ngay nên có thể gây tâm lý thất vọng cho họ. Một hai người thì giải quyết được ngay, một hai trăm người cũng có thể giải quyết nhưng một hai vạn người thì quá khó. Trong khi đó TP.HCM có cả chục triệu người. Từ hàng vạn thông tin phản ánh từ người dân, lãnh đạo xác lập ưu tiên để ra quyết đinh quả thực không dễ.

Tóm lại, đường dây nóng mang lại sự sâu sát nhưng có thể khiến lãnh đạo quá tải và mất đi cái nhìn toàn cục, mất đi tầm của lãnh đạo tác động đến cả hệ thống.

*Ông nói đến một bộ lọc tổng hợp hiệu năng, tức là những nhân sự giúp việc lãnh đạo. Liệu có khả thi trong bối cảnh người lãnh đạo cần bộ máy tinh gọn?

 - Thu nhận thông tin trực tiếp, lãnh đạo chắc chắn phải xây dựng bộ phận sàng lọc thông tin. Và để xử lý việc của dân thì phải có một bộ máy hiệu năng. Nước nào cũng có các đơn vị trả lời các câu hỏi của người dân chứ không chỉ có Việt Nam. Chỉ những trường hợp nghiêm trọng, khẩn cấp mới báo cáo lãnh đạo để xử lý ngay, còn đại đa số thông tin thì theo quy định là tổng hợp, xem người dân phản ánh vấn đề gì nhiều nhất.

Bộ lọc này phải là những người hiểu biết, có trình độ để trả lời, giải thích cho dân. Cái gì làm được, cái gì chưa làm được, chứ không phải chỉ nhận thông tin rồi để đấy vì việc đó sẽ làm cho người dân thất vọng. Ví dụ khi người dân đăng ký sửa nhà nhưng UBND phường lại đòi hỏi giấy tờ nọ kia, họ sẽ thắc mắc qua đường dây nóng. Người tiếp nhận thông tin phải trả lời được phường đúng hay chưa và người dân phải làm gì để thực hiện công việc của mình.

Còn đúng là đặt trong điều kiện biên chế khó khăn, điều kiện ngân sách và nợ công căng thẳng thì tạo thêm bộ phận mới theo tôi là khó. Nhưng lãnh đạo địa phương có thể cân đối, điều phối đối với những bộ phận nào tải ít để chịu trách nhiệm.

Ví dụ phân công một phó văn phòng phụ trách, điều chuyển chuyên viên có trình độ ở một số bộ phận tham gia tiếp nhận thông tin từ đường dây nóng…

Còn trong tình huống phát sinh thêm nhân lực, thêm chi phí thì phải phân tích xem hiệu quả có tương xứng hay không.

*Khi làm Bộ trưởng GTVT, ông Đinh La Thăng đã công bố số điện thoại cá nhân nhưng cương vị Bộ trưởng khác hẳn với người đứng đầu thành phố với vô vàn vấn đề từ dân sinh hằng ngày tới tầm vĩ mô. Phải chăng Bí thư Thành ủy TP.HCM đã tự đặt mình vào thế khó khi thiết lập hotline?

- Nếu người lãnh đạo dấn thân thì đây thực sự là công việc rất vất vả. Nhưng đã dấn thân thì phải chấp nhận.

Với anh Đinh La Thăng, cái được là khi anh mới về địa phương, anh sẽ tiếp nhận được thông tin chính xác, hiểu được lòng dân hơn. Anh sẽ nghe được cả hai tai. Sự phát triển của kinh tế xã hội cuối cùng cũng là để cho cuộc sống người dân tốt hơn. Nghe được dân sẽ làm cho dân hài lòng.

Nhìn ở góc độ quản trị, theo tôi đây là quyết định tốt nếu tổ chức được hoạt động đón nghe và trả lời dân tốt.

Phong cách Đinh La Thăng tạo được lòng tin

*Liên quan tới việc thu thập thông tin từ người dân, UBND TP.HCM đã chia ra 4 cấp độ phản ánh thông tin và ngỏ ý xin số hotline của Thành ủy về UBND. Ông bình luận gì khi cơ quan thực thi muốn sử dụng luôn kênh phản ánh, giám sát của người dân tới người lãnh đạo cao nhất của Đảng bộ địa phương?

- Thứ nhất, có thể hiểu, đề xuất này xuất phát từ việc đánh giá công việc tiếp nhận thông tin từ người dân quá nặng nề đối với Bí thư. Thứ hai, UBND TP cũng muốn có nguồn thông tin để xử lý ngay. Vì cuối cùng, việc xử lý phản ánh của người dân đa số vẫn thuộc về UBND chứ không phải bên Đảng.

Sự phát triển của kinh tế xã hội cuối cùng cũng là để cho cuộc sống người dân tốt hơn. Nghe được dân sẽ làm cho dân hài lòng.

TS Nguyễn Sĩ Dũng

Hệ thống của chúng ta là Đảng lãnh đạo, có người cho rằng có những thông tin trực tiếp tới lãnh đạo Đảng có thể bất lợi cho UBND. Tuy nhiên đó vẫn chỉ là những suy luận.

*Câu chuyện đường dây nóng ở TP.HCM cũng đồng thời đặt câu hỏi về vai trò của HĐND ở đâu, bởi đây cơ quan dân cử và đáng ra phải là nơi tiếp nhận nhiều nhất thông tin từ phía người dân?

- Thực chất ai giải quyết được cho dân thì dân sẽ đến với người đó. Mặc dù cơ quan phải nghe, phải xử lý, phải đại diện là HĐND nhưng do thiết kế mô hình của ta cũng gây khó khăn.

Dù HĐND có các công cụ giám sát, HĐND có thể chất vấn, tranh luận, bỏ phiếu nhưng HĐND không hoạt động thường xuyên. HĐND chỉ họp xuân thu nhị kỳ, đại biểu HĐND lại không chuyên trách. HĐND không tồn tại ngoài hai kỳ họp, thường trực HĐND cũng mỏng. Chính sách đưa ra kỳ họp để thẩm định cũng chỉ chiếm một phần trong các văn bản, quyết định.

Vì thế, nếu muốn thì HĐND cũng không có thời gian để nghe thông tin trực tiếp từ người dân. Ngoài ra, kỹ năng đại diện của đại biểu HĐND hiện còn hạn chế.

Tại nhiều nước, đại biểu dân cử có văn phòng riêng, người dân có thể tới văn phòng của người đại biểu để kêu. Tổ chức cơ quan dân cử được vận hành trên thực tế và theo động lực tự nhiên.

*Từ trước tới nay, tại TP.HCM người dân chưa bao giờ hào hứng như thế đối với việc phản ánh nguyện vọng tới lãnh đạo. Bài học gì từ cá nhân người lãnh đạo và cơ chế thu hút ý kiến, giám sát của người dân?

- Thực tế, ông Đinh La Thăng không chỉ tiếp thu mà phản ứng tức thì để tạo lòng tin với người dân. Phong cách xử lý vấn đề nhanh của ông Đinh La Thăng tạo được lòng tin, tạo được hy vọng. Ngoài nhận được lòng tin, ông Bí thư sẽ nhận được tri thức của người dân.

Ai giải quyết được cho dân thì dân sẽ đến với người đó.

TS Nguyễn Sĩ Dũng

Ban đầu số người gọi tới đường dây nóng có thể chỉ để giải quyết vấn đề cá nhân. Nhưng nếu hoạt động tốt, người dân sẽ có lòng tin và sẽ gọi đến để góp ý về các vấn đề chung của thành phố.

*Ông nghĩ sao về việc nhân rộng mô hình đường dây nóng của bí thư tỉnh, thành ủy trong cả nước?

- Từ thời phong kiến, tại các phủ đã có trống để dân đánh kêu oan, cho nên, có đường giây nóng để lắng nghe dân là việc cần mở rộng. Tuy nhiên, không thể làm theo phong trào. Như tôi đã nói, người dân gọi đến mà không có phản ứng, họ sẽ mất niềm tin.

Đường dây nóng phải được tổ chức, được tiếp nhận và trả lời. Thông tin đầu vào phải được họp, tiếp nhận và xử lý, nếu không đường dây nóng sẽ nhanh chóng trở nên nguội lạnh.

Nguyễn Hưng - Công Khanh (thực hiện) (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem