Công bố TOP 10 công ty thức ăn chăn nuôi uy tín, doanh nghiệp ngoại áp đảo, "ẵm trọn" TOP 5

Thiên Hương Thứ sáu, ngày 24/12/2021 06:16 AM (GMT+7)
Mới đây, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2021. Điều đáng chú ý là trong TOP 5, đều là các doanh nghiệp ngoại, có vốn đầu tư nước ngoài.
Bình luận 0

Công bố TOP 10 công ty thức ăn chăn nuôi uy tín, doanh nghiệp ngoại "ẵm" trọn TOP 5

Những năm gần đây, ngành chăn nuôi của Việt Nam liên tục tăng trưởng, điều này đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất thức ăn chăn nuôi. Với tốc độ tăng trưởng trung bình 12-13%/năm, lĩnh vực thức ăn chăn nuôi đã trở thành miếng bánh béo bở, đem lại siêu lợi nhuận và tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp, mà dẫn đầu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp trong nước đang loay hoay thoát khỏi khủng hoảng nguyên liệu, duy trì sản xuất thì một số doanh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục xây dựng thêm nhà máy để tăng sản lượng. 

Thậm chí Tập đoàn De Heus đến từ Hà Lan còn mua liền một lúc 14 nhà máy thức ăn chăn nuôi từ Masan, với tổng công suất khoảng 4 triệu tấn/năm.

Công bố TOP 10 công ty thức ăn chăn nuôi uy tín, doanh nghiệp ngoại áp đảo, "ẵm trọn" TOP 5 - Ảnh 1.

Top 10 công ty thức ăn chăn nuôi uy tín, trong đó doanh nghiệp ngoại áp đảo, "ẵm trọn" TOP 5. Nguồn: Vietnam Report

Theo đó, danh sách TOP 10 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi uy tín của Việt Nam trong năm 2021, đứng đầu là Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (thuộc Tập đoàn Charoen Pokphand Thái Lan), Công ty TNHH Cargill Việt Nam (Hoa Kỳ), Công ty TNHH CJ Vina Agri (thuộc Tập đoàn CJ Hàn Quốc), Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (thuộc Tập đoàn Japfa Indonesia), Công ty TNHH De Heus (Tập đoàn De Heus Hà Lan).

Tiếp đó là Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Công ty cổ phần Việt Pháp Sản xuất Thức ăn Gia súc Proconco (Văn Phòng Masan), Công ty cổ phần Tập đoàn Mavin và Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hồng Hà.

Top 5 doanh nghiệp đứng đầu đều là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, C.P Thái Lan đầu tư vào Việt Nam từ năm 1993 và đến nay đang "thống trị" nhiều ngành nghề chăn nuôi, bao gồm cả mảng thức ăn chăn nuôi, cung ứng thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm, sản xuất giống heo...

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp tại Việt Nam đã tăng lên gần gấp đôi, từ 10,8 triệu tấn năm 2010, lên mức 20,3 triệu tấn năm 2020. 

Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp, vượt qua cả Thái Lan và Indonesia. 

Theo số liệu của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, tính đến tháng 7/2021, cả nước có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong đó có 89 nhà máy thức ăn chăn nuôi thuộc doanh nghiệp nước ngoài (chiếm tỉ lệ 32%); doanh nghiệp trong nước chiếm 68%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước đang yếu thế về năng lực cạnh tranh so với doanh nghiệp nước ngoài.

Với nguồn lực tài chính dồi dào, công nghệ hiện đại, nhất là năng lực quản trị chuyên nghiệp, có liên kết từ đầu vào tới đầu ra, các công ty thức ăn chăn nuôi nước ngoài ngày càng lớn mạnh, chiếm lĩnh thị trường trong nước. 

Công bố TOP 10 công ty thức ăn chăn nuôi uy tín, doanh nghiệp ngoại áp đảo, "ẵm trọn" TOP 5 - Ảnh 2.

Dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi của De Heus Việt Nam.

Việt Nam trở thành "sân nhà" của doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi nước ngoài

Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc De Heus châu Á cho biết, việc mua lại 14 nhà máy của Masan đã giúp De Heus Việt Nam sở hữu tổng số 22 nhà máy thức ăn chăn nuôi, đứng đầu thị trường thức ăn chăn nuôi độc lập.

"Chúng tôi hướng đến mục tiêu có nhiều đại lý, nhiều nhà phân phối ở các vùng miền, xây dựng các chuỗi liên kết để giúp người chăn nuôi dễ dàng tiếp cận sản phẩm.  

Thị trường thức ăn gia cầm, gia súc, thuỷ sản của Việt Nam đang đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Việt Nam giống như "sân nhà" của De Heus tại khu vực châu Á. Và chúng tôi luôn coi vị trí sân nhà là cực kì quan trọng. Khi đầu tư tốt cho thị trường sân nhà, chúng tôi tin rằng nó sẽ mang tính bền vững hơn" - ông Gabor cho hay.

Việt Nam chi tới 4,5 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi trong 11 tháng năm 2021 đạt gần 4,5 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ 2020.

Tính riêng trong tháng 11, nhập khẩu nhóm hàng này đạt 364,6 triệu USD, giảm 6,5% so với tháng 10 nhưng tăng mạnh 40,2% so với tháng 11/2020.

11 tháng qua, Argentina, Mỹ, Brazil, EU và Đông Nam Á là các thị trường chủ yếu cung cấp thức ăn chăn nuôi cho Việt Nam và đều ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ 2020. 

Trong đó, nhập khẩu từ Argentina dẫn đầu, đạt 1,56 tỷ USD, chiếm 34,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Đứng thứ hai là thị trường Mỹ. Nhập khẩu từ Mỹ là 753,37 triệu USD, chiếm 16,7%, tăng 64,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Thứ ba là Brazil, đạt 535,39 triệu USD, chiếm 11,9%, tăng mạnh 54,6% so với cùng kỳ 2020.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem