Công chức Hà Nội được khuyến cáo dùng nước hoa phù hợp

Hải Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) Thứ bảy, ngày 24/12/2016 10:07 AM (GMT+7)
Đồng nghiệp của tôi thường dùng Hard Candy vì chị rất thích mùi hương ngọt và thường dùng rất đậm đặc. Tôi không thích vì thấy nó như mùi của kẹo nhưng rất nhiều đồng nghiệp khác lại khen dễ chịu và hấp dẫn. Vậy phải hiểu như thế nào về khái niệm dùng nước hoa phù hợp trong dự thảo về quy tắc ứng xử của công chức Hà Nội, dự kiến ban hành 1.1.2017 tới.
Bình luận 0

Tôi sinh sống và làm việc ở Hà Nội, và tất nhiên, cũng như tất cả những công dân thủ đô khác, tôi thường xuyên phải ra vào làm việc tại các cơ quan nhà nước.

Không phủ nhận, là đã có rất nhiều lần, tôi cảm thấy khó chịu khi gặp nhiều nhân viên buôn chuyện điện thoại, cười đùa nói chuyện riêng với đồng nghiệp trong lúc đang tiếp và làm việc với người dân.

Cũng không ít lần, dù là phụ nữ, tôi cũng thấy đỏ mặt khi vô tình thấy một chị công chức nào đó mặc cái áo mỏng không thể mỏng hơn hay có cái cổ lỡ khoét quá sâu trong khi phần lớn thời gian làm việc của các chị là lúi cúi với giấy tờ.

img

Không chỉ tạo sự hấp dẫn, nước hoa còn tạo nên sự quý phái và lịch lãm cho phái đẹp. Ảnh Internet

Và quả thực, cũng có đôi lần, tôi hơi khó chịu khi buộc phải ngửi thụ động một mùi nước hoa nồng nặc không phải gu tôi thích. Vì thế, nên về cơ bản, dù chưa được tiếp cận trực tiếp mà mới chỉ vừa đọc trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc sẽ ban hành bộ quy tắc ứng xử cho công chức và những lao động làm việc trong cơ quan nhà nước ở Hà Nội, cá nhân tôi thấy rất mừng.

Tôi ủng hộ hoàn toàn việc cần phải xây dựng 1 hình ảnh những người, theo tôi là làm nên bộ mặt của chính quyền, thật đẹp, thật chuẩn mực trước người dân và du khách, đối tác. Tôi cũng cho rằng, nếu triển khai tốt, đây là bước tiến lớn trong việc cải cách hành chính công, để mỗi người dân có thể cảm thấy thoải mái khi mình là một công dân của thủ đô văn minh, lịch sự và rất đáng tự hào.

Nhưng ở góc độ 1 người phụ nữ bắt đầu ưa làm đẹp, tôi thực sự băn khoăn về quy tắc dùng mỹ phẩm và nước hoa phù hợp.

Cách đây không lâu, tôi có gặp lại một chị bạn thân sau rất nhiều năm chị sinh sống ở nước ngoài. Chúng tôi hẹn nhau ở 1 quán cafe nhỏ và lịch sự. Khi thấy tôi không trang điểm (thực ra là có nhưng hơi sơ sài), chị cười bảo: “Ở chỗ tôi đang sống, nếu phụ nữ sau 30 tuổi ra đường mà không trang điểm sẽ bị đánh giá là bất lịch sự đấy!”. Tôi biết, chị nói có ý đùa, nhưng tôi cũng hiểu, đó không hẳn là chuyện không có thật. Ít ra, chị không phải là người đầu tiên kể về điều đó với tôi...

img

Nước hoa là một trong những sản phẩm không thể thiếu của phái đẹp. Ảnh Internet

Tôi năm nay đã ngoài 30 tuổi, và tôi mới biết dùng nước hoa được khoảng 1 năm. Lý do đơn giản, là khi tôi tham gia các sự kiện cộng đồng, không dùng nước hoa, tôi thấy mình khá lạc lõng. Nhiều bạn bè ngạc nhiên khi thấy tôi không dùng nước hoa, khi mà công việc hiện nay của tôi phải gặp gỡ và giao tiếp khá nhiều. Tôi lại phải thêm một lần lưu ý.

Và quả thực, sau 1 năm dùng nước hoa, tôi thấy mình tự tin hơn khi bước ra đường, đến công sở hay đi gặp đối tác. Và tôi cảm nhận, những người đối diện cũng có vẻ khá dễ chịu... Không phải ngẫu nhiên, nước hoa trở thành thứ văn minh hàng nghìn năm trên toàn thế giới.

Tất nhiên tôi hiểu, trong bộ dự thảo này, rõ ràng là không cấm công chức dùng nước hoa, mà chỉ khuyến cáo dùng nước hoa phù hợp. Nhưng thế nào là nước hoa phù hợp?

Tôi thích Calvin Klein vì cho rằng mùi của nó rất nhẹ nhàng, sang trọng. Em dâu tôi lại nói, dòng đó dù dành cho nữ vẫn rất nồng và hắc. Đồng nghiệp của tôi thường dùng Hard Candy vì chị rất thích mùi hương ngọt và thường dùng rất đậm đặc (theo cảm nhận của tôi). Tôi không thích lắm vì cho rằng nó như mùi của kẹo nhưng rất nhiều đồng nghiệp khác lại khen rằng nó rất dễ chịu và phải dùng mức độ như vậy mới tỏa mùi hấp dẫn. Tóm lại, mỗi người có 1 sở thích, sự cảm nhận, đánh giá riêng. Lý do đơn giản là, mỗi chúng ta đều có 1 cái mũi riêng.

Mặt khác, tôi mới chỉ nghe tới việc, người ta phản đối việc ai đó gây ra những mùi hôi, thối ảnh hưởng đến người khác, còn sử dụng hương thơm, tôi cho rằng, là quyền cá nhân của mỗi người. Tất nhiên, có những ngành rất đặc thù như bác sĩ thì tôi nghĩ, theo tính chất công việc, họ có thể có những quy định đặc biệt về việc sử dụng nước hoa. Nhưng nếu để áp dụng chung cho tất cả các công chức thì chưa được hợp lý.

Nó chỉ khả thi, khi Bộ quy tắc nêu ra rõ ràng được, thế nào là dùng nước hoa không phù hợp trên cơ sở những khảo sát và nghiên cứu khoa học. Đồng thời, chứng minh được những tác hại của việc các công chức sử dụng nước hoa không phù hợp.

Nếu không làm rõ được những điều đó thì hãy để nước hoa được tự do tỏa hương theo cách của nó và theo quyền của người sử dụng nó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem