Theo Bộ quy tắc ứng xử của cơ quan, đơn vị hành chính Hà Nội, công chức, viên chức không được xăm hình, vẽ hình phản cảm (ảnh minh họa)
Sở Văn hóa - Thể thao TP Hà Nội đưa ra văn bản về “Bộ quy tắc ứng xử của cơ quan, đơn vị hành chính thành phố" dự kiến ban hành vào ngày 1/1/2017.
Theo đó, trong Bộ Quy tắc này, nhiều người chú ý đến việc cấm công chức mặc áo ngắn tay, váy ngắn; Cấm công chức không xăm hình, vẽ hình phản cảm; sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa không phù hợp.
Mơ hồ, chạm đến quyền tự do cá nhân
Bày tỏ quan điểm của mình, PGS.Văn Như Cương cho rằng, Bộ Quy tắc này đưa ra vẫn chưa kỹ lưỡng, còn mơ hồ, chạm đến quyền tự do cá nhân.
PGS.Văn Như Cương phân tích, khi chúng ta sống và làm việc trong một xã hội thượng tôn pháp luật thì mọi quan hệ xã hội đều phải được điều chỉnh bằng luật pháp. Là công chức, viên chức thì họ phải là một công dân tuân thủ pháp luật, biết tôn trọng bản thân và những người xung quanh. Đặc biệt, họ phải biết điều chỉnh hành vi, việc làm cho phù hợp với vị trí, công việc của mình.
Là cán bộ, công chức cũng giống như những người khác, họ được quyền làm những gì pháp luật không cấm. Nhưng điều đó không có nghĩa cán bộ công chức không được làm tất cả những việc người khác đang làm.
“Nước hoa là một loại mỹ phẩm được nhiều người sử dụng phổ biến. Hà Nội khuyến cáo công chức dùng nước hoa phù hợp, vậy thế nào mới là phù hợp?”, PGS.Văn Như Cương đặt câu hỏi.
PGS. Văn Như Cương bày tỏ quan điểm không đồng tình với một số nội quy từ Bộ Quy tắc ứng xử.
PGS Cương cũng cho rằng, đã là một cán bộ, công chức, họ phải đủ nhận thức để biết rằng, hôm nay tiếp dân thì mặc như thế nào; ngày mai đi dự hội nghị phải ăn mặc ra sao, đi chơi cùng gia đình thì nên ăn mặc như thế nào; Hay đang đi tiệc tùng, hội họp mà phải đi đám hiếu thì phải điều chỉnh cách ăn mặc ra sao. Do đó, việc quy định về cách ăn mặc của công chức cũng là thừa và không phù hợp.
Cũng theo PGS Văn Như Cương, trong Bộ Quy tắc ứng xử này cấm công chức không xăm hình cũng là vi phạm quyền cá nhân.
“Người ta xăm hình vào tay hay vào lưng thì ảnh hưởng gì đến ai?”, ông Cương nói.
Kiểm tra bằng cách gì?
Trước câu hỏi, Hà Nội cho rằng, Bộ Quy tắc ứng xử chỉ là khuyến cáo không xịt nước hoa phù hợp, ông Cương đặt câu hỏi: “Không cấm tại sao lại có khen thưởng và kỷ luật?”.
PGS Văn Như Cương cũng lo ngại: Nếu cấm công chức xịt nước hoa hoặc xăm hình thì ai là người kiểm tra? Kiểm tra bằng cách gì? Chẳng lẽ, một cơ quan lúc nào cũng cử người để đi nhìn, ngửi xem có ai xịt nước hoa hay không để khen thưởng và kỷ luật?”.
Từ những phân tích đó, PGS Văn Như Cương đề xuất Hà Nội nên hoãn thực thi Bộ Quy tắc ứng xử này. Sau khi lấy ý kiến rộng rãi từ dư luận, các chuyên gia, nhà khoa học thì mới nên ban hành, chứ không thể vừa làm vừa sửa, vừa mất thời gian công sức vừa gây phản ứng trong dư luận.
GS Trần Lâm Biền, Nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam cho rằng, Bộ Quy tắc ứng xử này vẫn chưa hợp lý.
“Nếu cấm xịt nước hoa thì ai mà chịu được. Hay váy như thế nào là ngắn? Ai sẽ là người kiểm tra?”.
Nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam Trần Lâm Biền cho rằng, nếu bộ quy tắc ứng xử “cứng” quá sẽ khó đi vào cuộc sống. Vì thế, nên coi bộ quy tắc ứng xử là quy định tham khảo để ai có điều kiện thì làm theo. Ông Biền đề xuất có thêm những quy định (với điều kiện các quy định đó không vi phạm pháp luật) thì sẽ tốt hơn là không có nhưng để nó đi vào đời sống thì không dễ.
Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, để ban hành được Bộ Quy tắc ứng xử cho công chức Hà Nội, Sở đã điều tra xã hội học, đánh giá thực trạng tại nhiều địa bàn. Quy trình xây dựng Bộ quy tắc rất chặt chẽ, công phu và thành phố rất thận trọng khi đưa ra quy chế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.