Cộng đồng "Sống xanh" của nàng Tiên ở thành phố tình yêu

Ngân Hà Thứ tư, ngày 10/05/2017 13:45 PM (GMT+7)
Trần Thị Thuỷ Tiên Đà Lạt là nickname của Thuỷ Tiên, người khai sinh ra trại rau Vòng Lâm Viên Garden từ năm 2016. Xuất thân từ một gia đình trồng hoa và sau khi học về, Tiên đã xin phép cha mẹ dành cho mình hai công đất để trồng rau sạch.
Bình luận 0

 Khoảng sáu tháng nay, vườn rau của Tiên đã giữ được công suất cung cấp đều cho 50 hộ gia đình rau ăn hàng ngày. Từ kinh nghiệm thực tiễn, kết hợp với việc cập nhật “Sống xanh” của những nước tiên tiến trên thế giới, Tiên đã xây dựng được một cộng đồng “Sống xanh” ở Đà Lạt.

img

Trần Thị Thuỷ Tiên Đà Lạt là nickname của Thuỷ Tiên, người khai sinh ra trại rau Vòng Lâm Viên Garden từ năm 2016.

Tại sao Vòng Lâm Viên lại bắt đầu từ một vườn lạ của chủ lạ mà không là vườn nhà mình nữa?

- Có nhiều bạn trẻ đầy sức lực mà không biết mình làm gì khi học xong. Cũng có những bạn trẻ muốn quay trở về bắt đầu trên mảnh vườn nhà mình, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Các bạn đến làm tình nguyện viên và chúng tôi tìm việc cho các bạn làm. Vòng Lâm Viên (VLV) ra đời là để kết nối những bạn trẻ ấy với những người nông dân, những nhóm thực dưỡng ăn uống để phòng bệnh. Từ lý do đó, tôi xây dựng VLV theo mô hình mình học được.

Chúng tôi tìm những mảnh vườn nhà đang để trống, chủ nhà không đủ sức để làm mà vẫn muốn có vườn rau, cây trái. Sau khi đã trao đổi và thống nhất với nhau về các công việc tình nguyện, chủ nhà sẽ giao hẳn đất cho nhóm. Nếu vườn rộng, các bạn có thể dựng lều hoặc chủ nhà có sẵn những ngôi nhà nhỏ ở triền đồi để cải tạo nghỉ ngơi tạm.

Nhưng làm sao để thuyết phục cho mọi người biết rằng các bạn đang trồng rau sạch, đang làm đẹp cho khu vườn nhà họ?

Không chỉ cùng với cộng đồng của mình lan toả từ việc nhỏ nhất như dưỡng đất, bắt sâu, trồng rau sạch, Tiên còn muốn chia sẻ những kiến thức cho mọi người hiểu rõ hơn về người nông dân thay vì kêu gào sự bất an khi ăn thực phẩm độc. Những ngày đầu, giao những thùng rau đầu tiên cho khách hàng, Tiên chịu khó ngồi trò chuyện và kể chuyện trồng rau sạch. Dần dần, ăn và hiểu rõ món ăn của mình, người tiêu dùng đã biết chia sẻ với người trồng rau bằng cách tiếp nối câu chuyện đó với bạn bè. Ngoài ra, Tiên còn truyền thông trên mạng xã hội, tỉ mỉ đến từng con chữ. Cẩn mật với từng câu hỏi. Cặn kẽ với từng thắc mắc. Hiện nay nhóm của Tiên, từng người một đã có thể vừa trồng rau, vừa giải đáp mọi chuyện về “sống xanh” cho mọi người. Hiểu biết trở thành một khích lệ rất lớn cho tuổi trẻ. Hầu hết các bạn tham gia VLV chưa ai rời bỏ nhóm, kể cả có những bạn ở rất xa như Hà Nội, Đà Nẵng, miền Tây… cũng lên đây vài tháng rồi và đã thuê nhà ở ổn định chứ chưa ai có ý định rời đi.

Nhưng chỉ trồng rau, liệu các bạn có đủ sống?

- Nhóm VLV chính thức hiện nay có khoảng hơn mười thành viên, tất cả đều có lợi nhuận được chia đều hàng tháng cho công việc trồng rau, gây rừng. Đó không gọi là lương mà là “sự sẻ chia” để bền vững. Buổi sáng bắt đầu công việc từ sớm, trưa mọi người ăn cơm cùng nhau. Thứ bảy, bạn nào không bận việc riêng thì có thể tiếp tục công việc như ngày thường. Những bạn nào đi tỉnh cũng đều có kinh phí để thực hiện.

Đây không phải là một công ty kiểu “làm công ăn lương” mà đây thực sự là mô hình của sự sẻ chia bắt đầu từ duyên hạnh ngộ có thể cùng làm cùng ăn và cùng gắn bó. Ngoài ra, VLV còn gắn kết với các cộng đồng khác như cộng đồng thực dưỡng cùng tổ chức workshop cho khách hàng.

Những vườn nhà nào phù hợp cho “sống xanh”?

Thật ra lý tưởng nhất là có cây lâu năm, cây cảnh chung quanh một vườn rau lớn. Vì nếu chỉ có vườn rau thì khi thu hoạch xong sẽ thấy đất trơ trọi chứ không có kiểng để ngắm và không có cây lâu năm để chim về. Cũng rất khó thuyết phục được những chủ vườn như vậy. Ngay cả đối với gia đình mình.

Hiện tại thu nhập từ trồng hoa rất cao nên nếu chuyển sang trồng rau mà kết hợp đợi một, hai năm cải tạo đất sẽ rất khó để từ bỏ. Hầu hết ai cũng nhìn thấy cái lợi trước mắt mà không nhận thấy những tác động tốt cho xã hội của việc trồng sạch, đặc biệt đối với việc gìn giữ sự bền vững của môi trường. Thu nhập từ việc làm nông phun thuốc cao và nhanh nhưng sự trả giá về sức khoẻ và môi trường thì không phải ai cũng nhận thức rõ. Có người cũng biết nhưng vẫn còn mơ hồ vì nghĩ “ăn hay không ăn đằng nào cũng chết”. Cả nhóm vẫn từ từ thuyết phục.

img

Vậy liệu một bạn trẻ có nhiều sức lực, nhưng không được học về nông nghiệp thì có thể tham gia được không?

- Tất nhiên không nhất thiết phải học ngành nông nghiệp nhưng cũng phải học rất nhiều mới trồng được, đặc biệt là hiểu về sự cân bằng của hệ sinh thái. Trước khi đi học, bản thân mình cũng đã trồng rau vài năm. Sau đó học về áp dụng nhanh hơn. Đặc biệt, chính kiến thức giúp mình nhận ra rằng các giống thuần chủng là vô cùng quý giá bởi nó gắn với lịch sử sự sống của từng vùng đất. Hiện nay tôi đã tìm và gầy được hơn chục giống thuần chủng cả rau và hoa rồi tự cung tự cấp cho gia đình và chia sẻ được cho cộng đồng thực dưỡng.

Sau khi tốt nghiệp đại học Nông lâm TP.HCM khoa Công nghệ sinh học về, tôi xây dựng cộng đồng VLV bắt đầu từ ý tưởng mỗi gia đình có một vườn rau nhà. Chung quanh vườn rau sẽ có cả cây ăn trái và hoa… tất cả đều là giống thuần chủng.

Các vườn đều được kết nối với nhau, chia sẻ kinh nghiệm, từ triết lý kinh doanh đến triết lý sống. Mới đầu để tìm được chỗ “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” thì mình bắt đầu bằng mảnh vườn của ba mẹ. Ông bà cũng có kinh nghiệm nên giúp mình được rất nhiều. Mình tự nhận làm thế hệ kế thừa của ba mẹ. Mới đầu từ 300 – 500m2 rồi dần mới đến 1.000, 2.000m2. Ở bên ba mẹ để học hỏi rất nhiều điều, từ cảm đất, cảm nước, cảm thời tiết… rồi mới thấm vào mình để thành thuần thục.

Tinh thần chính của VLV là gì?

Được gắn bó với mảnh đất quê hương mình mới là một ân huệ lớn của đời người. Nhất là người làm nông hiện nay, với khoa học công nghệ phát triển, với tri thức nhân loại được cập nhật liên tục thì chính ra, làm nghề nông mới là “nông nhàn” thật sự.

- Các bạn của VLV không chỉ làm việc cùng nhau mà còn sống cùng nhau với từng ước mơ và tinh thần cho đi. Chúng tôi quan niệm rằng không chờ đến lúc có đầy đủ, có hạnh phúc mới cho đi mà ngày cả từng trong bó rau mình trao đổi với mọi người cũng đã mang công sức, sự tận tuỵ và cả ước nguyện cầu mong cho họ được sống hạnh phúc với môi trường an lành. Nhờ vậy mà chỉ cần một bữa cơm trưa thôi là đã thấy tràn ngập tình thương của các anh chị: gia đình một khách hàng ở Cần Thơ gởi bánh làm từ gạo hữu cơ và rau củ quả VLV, nhóm thực dưỡng nấu cơm gạo lứt đậu đỏ gởi đến, nhóm khác gởi cá kho, v.v.

Ngay tại ở vườn cũng có những hộp cá khô, mắm ruốc, thịt kho… của gia đình gởi đến ăn chung. Mình lại gởi rau tặng cho các bác, cô chú. Chúng tôi đang muốn tiếp tục mở rộng. Khi mọi thứ đã vào guồng thì công việc cũng đơn giản: tưới nước, nhổ cỏ, bắt sâu… công việc có thể nhàm chán với các bạn mới đi học thực hành, nhưng đó cũng là một thử thách.

Hiện tại, chúng tôi cần thêm vườn để làm VLV 2, VLV 3… cả nhóm đang nỗ lực để quy tụ nguồn lực, vì hiện tại mỗi ngày tôi phải trả lời cả trăm email muốn vào làm tình nguyện viên mà chưa có chỗ cho các bạn. Có điều gì nghịch lý ở đây là một bên rất nhiều người kêu la “nông nghiệp thiếu người làm”, trong khi chỗ mình thì phải từ chối rất nhiều. Gặp ai đang có đất mà có tinh thần làm nông nghiệp bền vững thì mình sẽ gợi ý để đưa các tình nguyện viên đến giúp.

Các thành viên của VLV cần có phẩm chất gì?

- Thật ra ăn sạch với hiểu biết về môi trường sống an toàn là một nếp sống xanh của con người tương lai. Tuy nhiên trước nhất với người làm vườn, chính là thái độ ứng xử tốt với môi trường là điều cần hơn cả so với những người thạo việc mà không sống lành được.

Ngoài ra, mỗi người có một khả năng đặc biệt, vì vậy nếu kết hợp cùng nhau với từng sở trường thì sẽ có được một cộng đồng rất mạnh, phát triển rất nhanh. Hiện nay làm nông cũng vậy, có người nhổ cỏ bắt sâu rất giỏi nhưng lại có người tưới nước rất khéo, có người hái rau bó rau rất gọn lại có người thăm đất rất nghề… cho nên nếu ai giỏi việc gì làm việc đó thôi thì không thấy cực nhọc, mà còn ngược lại, làm việc mình thạo sẽ càng “lên tay” và đỡ mất sức rất nhiều. Những việc nặng nhất là cuốc đất, đổ phân thì đã có các bạn trai dày sức…

Nhiều người nói làm nông cực khổ là quan niệm ngày xưa cũ kỹ, vì thế mới có chuyện cứ gắng sức cho con học để thoát nghèo, thoát khổ mà không biết rằng sống tha hương khổ biết chừng nào. Được gắn bó với mảnh đất quê hương mình mới là một ân huệ lớn của đời người. Nhất là người làm nông hiện nay, với khoa học công nghệ phát triển, với tri thức nhân loại được cập nhật liên tục thì chính ra, làm nghề nông mới là “nông nhàn” thật sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem