Công nghệ 4.0 và cuộc đua trên thị trường ô tô Việt của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Hoàng Thắng Thứ ba, ngày 17/07/2018 07:09 AM (GMT+7)
Mời ông Võ Quang Huệ, mua lại toàn bộ hệ thống phân phối và sản xuất ô tô của GM Việt Nam và những nhà máy lắp ráp ô tô VinFast ứng dụng công nghệ 4.0... tất cả sự chuẩn bị này cho thấy chiến lược “đón đầu” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong cuộc chạy đua trên thị trường ô tô Việt Nam.
Bình luận 0

img

Phối cảnh trụ sở Vinfast (Ảnh: I.T)

Tại Diễn đàn cấp cao về công nghiêp 4.0 được tổ chức tại Hà Nội mới đây, ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách dự án VinFast, đã chia sẻ về nhà máy hàn thân xe với gần 1.200 rô bốt hàn được nhập từ ABB về trong tháng 8, vận hành hoàn toàn tự động, hiện đại nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. 

Ngay từ khi bắt đầu khởi dựng dự án Vinfast, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã xây dựng lộ trình cho những chiếc xe ô tô mang thương hiệu VinFast và bắt đầu bằng việc mời ông Võ Quang Huệ khi đó là Tổng giám đốc của Robert Bosch Việt Nam về làm "tướng" cho dự án táo bạo này.

Sản xuất quy mô lớn, đứng trên vai người khổng lồ

Góp mặt tại Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 được tổ chức tại Hà Nội ngày 13.6, VinFast đã khiến không ít người bất ngờ với rô bốt hàn sẽ làm việc tại nhà máy sản xuất ô tô của họ.

img

Ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup phụ trách dự án VinFast chia sẻ tại hội thảo chuyên đề về phát triển nền sản xuất thông minh (Ảnh: I.T)

Cũng trong buổi chiều hôm đó, trong một khán phòng nhỏ với hội thảo chuyên đề về phát triển nền sản xuất thông minh, ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách dự án VinFast, khẳng định: “Với Tập đoàn Vingroup, khi quyết định đầu tư dự án sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast, chúng tôi ngay từ đầu đã đặt ra một bài toán đầu tư sản xuất quy mô lớn, xây dựng mới các nhà máy với các công nghệ tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Có thể nói là đi thẳng vào công nghệ 4.0”.

Theo ông Huệ, dự kiến tới năm 2020, sẽ có 40 tỷ EUR được đầu tư vào Vingroup nhằm phát triển công nghiệp 4.0.

Với nền tảng là công nghệ điện toán đám mây, ông Huệ khiến những người có mặt trong khán phòng liên tưởng về một tổ hợp không gian gồm 5 nhà máy được xây dựng tương thích với công nghệ 4.0, bao gồm: nhà máy dập, nhà máy hàn thân xe, nhà máy sơn, nhà máy sản xuất động cơ và nhà máy lắp ráp hoàn thiện.

"Ở đó, ứng dụng công nghệ 4.0 sẽ giúp các thiết bị, các dây truyền trong một nhà máy hoặc nhiều nhà máy được liên kết với nhau thông qua điện toán đám mây, mạng Internet. Quan trọng hơn các thiết bị sẽ tương tác lẫn nhau để tự điều chỉnh, giảm thiểu thiệt hại và làm cho dây tuyền sản xuất có năng suất cao", ông Huệ cho biết.

Các nhà máy này đều được VinFast hợp tác với những tên tuổi hàng đầu như Schuler, Thyssen Krupp, Duerr, Eisenmann, Grob, MAG, Scheuchl,ABB, AVL…để thiết kế và lắp đặt.

img

Rô bốt hàn sẽ làm việc tại nhà máy sản xuất ô tô của VinFast (Ảnh: I.T)

Và rô bốt hàn sẽ làm việc tại nhà máy sản xuất ô tô của VinFast chỉ là một trong tổng số gần 1.200 rô bốt hàn mà VinFast sẽ nhập từ ABB về trong tháng 8. Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là nhà máy hàn thân xe vận hành hoàn toàn tự động, hiện đại nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

ABB chỉ là một trong rất nhiều thương hiệu sản xuất danh tiếng mà VinFast bắt tay làm đối tác để xây dựng - vận hành nhà máy.

Đại diện Vingroup cũng giới thiệu tại diễn đàn công nghệ của nhà máy dập hợp tác với Schuler (Đức), có khả năng thu thập dữ liệu tự động và chuẩn đoán thông minh như hộp đen của máy bay, dễ dàng phân tích hồi cứu các sự cố. Hệ thống quản lý không khí thông minh EcoSmart VEC của Duerr (Đức) trong nhà máy sơn giúp giảm tối đa lượng khí và điện năng.

Đặc biệt, trong nhà máy sản xuất động cơ, VinFast đã giao cho công ty GROB, Thyssenkrupp, AVL, MAG thiết kế và cung ứng dây chuyền và máy móc thiết bị...

“Vingroup và Vinfast xác định ngay từ đầu là chỉ có sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ 4.0 mới có thể cho ra đời những sản phẩm ô tô hội tụ các yếu tố thể hiện bản sắc Việt Nam: phong cách, an toàn sáng tạo, tiên phong. Đáp ứng tất cả tiêu chuẩn quốc tế, an toàn đối với người tiêu dùng và tin cậy để có thể cạnh tranh với các dòng xe trên thị trường Việt Nam và kể cả thị trường xuất khẩu tương lai”, ông Võ Quang Huệ cho biết.

img

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng nhiều lần khẳng định tham vọng khi đầu tư dự án sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast (Ảnh minh họa)

Trước đó, trong một cuộc trao đổi với Forbes châu Á vào cuối tháng 11.2017, tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng cho biết, ông kỳ vọng VinFast sẽ huy động được 1,5 tỷ USD, vượt qua thỏa thuận vay 800 triệu USD với Credit Suisse.

“Chúng tôi khao khát xây dựng một thương hiệu ô tô Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn phát triển một ngành công nghiệp có thể hỗ trợ các ngành công nghiệp khác ở Việt Nam”, ông Phạm Nhật Vượng chia sẻ.

Trong giai đoạn đầu của dự án, VinFast có thể sản xuất 100.000 xe mỗi năm trong vòng 2 năm và sẽ sản xuất xe máy điện trước khi ra mắt ô tô chạy bằng điện.

Chi 10 triệu USD đào tạo nhân lực 4.0 theo tiêu chuẩn Đức

Trên cương vị là đại diện của Vingroup và VinFast tham dự Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0, ông Võ Quang Huệ nhận định, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đề cao tự động hoá và kết nối nhưng con người vẫn là trung tâm và quyết định đến sự thành công hay thất bại của việc áp dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ trong sản xuất.

Ông Huệ cũng chia sẻ, trong các hợp đồng ký kết với các đối tác hàng đầu thế giới, luôn có điều khoản chuyển giao công nghệ. Một mặt các công ty danh tiếng này xây dựng các nhà máy hiện đại cho VinFast, đồng thời trong quá trình hoạt động sẽ chuyển giao các đỉnh cao công nghệ từ nền công nghiệp Đức sang cho thương hiệu sản xuất ô tô của Vingroup.

“Để làm chủ được công nghệ, VinFast đã thành lập Viện Nghiên cứu và Phát triển để làm cầu nối chuyển giao công nghệ từ các đối tác hàng đầu thế giới, góp phần đào tạo nhân sự chuyên môn cao tự vận hành nhà máy sản xuất. Hiện Viện đã quy tụ được chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực phần mềm và phần cứng tham gia các đề án liên quan việc phát triển các sản phẩm mới, chế tạo và sản xuất xe máy điện và ô tô”, ông Huệ bày tỏ.

Về bài toán nguồn nhân lực vận hành nhà máy, VinFast vừa tổ chức thi tuyển sinh khoá đầu tiên cho Trung tâm đào tạo VinFast với 2 ngành học chính là Cơ khí Công nghiệp và Cơ-điện tử. Trung tâm đào tạo được Vingroup đầu tư 10 triệu USD không chỉ là cái nôi khởi đầu cho các kỹ thuật viên có tay nghề cao, mà sẽ hướng tới trở thành nơi cung cấp nguồn nhân lực cho sản xuất theo công nghiệp 4.0 lớn nhất Đông Nam Á.

Những nền tảng được thừa hưởng từ General Motors

Ngày 28.6.2018, Công ty VinFast và General Motors (GM) đã ký kết một thoả thuận hợp tác chiến lược quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của cả hai thương hiệu ô tô Chevrolet của GM và VinFast tại thị trường Việt Nam.

img

Bà Lê Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch Vingroup kiêm Chủ tịch Vinfast và ông Barry Engle, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Chủ tịch GM quốc tế ký hợp đồng hợp tác chiến lược tại thị trường Việt Nam (Ảnh: I.T)

Theo nội dung của bản thỏa thuận, VinFast sẽ tiếp nhận hệ thống đại lý uỷ quyền hiện tại của thương hiệu Chevrolet và trở thành nhà phân phối độc quyền các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu Chevrolet tại thị trường Việt Nam.

Một trọng tâm khác của thỏa thuận này đó là việc VinFast nhận chuyển nhượng, tiếp quản toàn bộ nhà máy GM tại Hà Nội và triển khai những hoạt động đầu tư tăng năng lực để sản xuất dòng xe ô tô cỡ nhỏ hoàn toàn mới được VinFast mua bản quyền từ GM. Dây chuyền sản xuất mới dự kiến sẽ khánh thành vào nửa đầu năm 2019, bổ sung năng lực sản xuất cho VinFast bên cạnh nhà máy tại Hải Phòng.

Ngoài việc hợp tác sản xuất ô tô với GM, một nội dung đáng chú ý khác trong biên bản thỏa thuận là VinFast sẽ tiếp nhận hệ thống đại lý uỷ quyền của thương hiệu Chevrolet và trở thành nhà phân phối độc quyền các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu Chevrolet tại thị trường Việt Nam. Chevrolet hiện có 22 đại lý tại Việt Nam, bao gồm 8 đại lý tại miền Bắc, 3 đại lý miền Trung và 11 đại lý miền Nam.

Thoả thuận này cũng đánh dấu việc GM sẽ trở thành một trong những đối tác công nghệ ô tô của VinFast, mở ra những cơ hội tiềm năng để chia sẻ sản phẩm trong tương lai cũng như chuyển giao công nghệ, tạo cơ hội thúc đẩy cả hai thương hiệu cùng phát triển.

Trước khi ký thỏa thuận hợp tác với VinFast, theo số liệu từ Hiệp hội các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), GM Việt Nam bán được 3.966 xe, chiếm 3,9% thị phần tiêu thụ ô tô toàn quốc trong 5 tháng đầu năm. So với cùng kỳ năm trước, lượng tiêu thụ xe của GM Việt Nam giảm 855 chiếc, tương ứng 18%.

Thị phần tiêu thụ của GM Việt Nam trong 5 tháng đầu năm kém xa nhiều thương hiệu ô tô khác như Ford (8,1%), Honda (8,8%), Toyoya (21,1%), Thaco (26,5%). Những năm qua, thị phần tiêu thụ của GM Việt Nam cũng chỉ dao động quanh ngưỡng 4%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem