Độc đáo những cánh cổng bằng gỗ lũa
Bận việc đồng áng, ông A Giáp lên rẫy từ sớm. Con trai ông ở nhà dựng cổng với sự hỗ trợ của hàng xóm.
Chỉ với 3 khúc gỗ lũa từ trên rẫy đem về từ nhiều ngày trước, trong khoảng sân nhỏ, người đục, người đẽo, không khí làm việc khẩn trương để nhanh chóng hoàn thành.
Ở trong thôn Măng Bút hiện nay, hầu như nhà nào cũng đã làm cổng, làm rào. Do đó, nhà ông Giáp cũng gấp rút hoàn thành cổng trước Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân.
Sau khi làm cổng, như bao hộ dân khác, nhà ông Giáp sẽ tranh thủ làm hàng rào để giữ gìn vệ sinh môi trường và tạo cảnh quan sạch đẹp trong thôn.
Anh A Thủy- Phó trưởng thôn Măng Bút dẫn chúng tôi đi một vòng quanh thôn. Vừa đi anh vừa giới thiệu đơn giản, hầu như tất cả các gia đình đều đã làm cổng nhà. Dù “đụng hàng” nhau nhưng nhà nào cũng rất phấn khởi.
Quả thật, như lời anh Thủy giới thiệu, đi dọc các tuyến đường ở thôn Măng Bút, nhà nào cũng dựng cổng bằng gỗ lũa. Có ngôi nhà đang xây dựng, kết cấu chưa hoàn thiện nhưng cổng ngõ đã được làm trước, hoàn thành tự bao giờ.
Cổng xóm như một sự chào đón của người địa phương dành cho khách ghé đến thăm xã Măng Bút, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum). Ảnh: H.T
Tùy từng nhà, kích thước cổng khác nhau nhưng đều chung một kiểu. Các khúc gỗ lũa không được bào trơn, không được khắc họa, trang trí hay tạo hình.
Chỉ đơn giản, hai khúc gỗ hai bên được chọn có chiều dài tương đồng, đỡ lấy một khúc gỗ ngang bên trên và tạo ra một chiếc cổng hình chữ nhật.
Khúc gỗ ngang bên trên, có khúc cong queo, có khúc thẳng tuột, có khúc ngắn, khúc dài, tùy vào diện tích cổng của từng nhà, nhưng khi tạo hình thành cổng, đều mang những nét mộc mạc, giản dị, toát lên vẻ đẹp rất riêng, làm không gian làng quê thêm yên ả, thanh bình.
Thấy chúng tôi hiếu kỳ trước nét độc đáo mà không phải nơi nào cũng có, ông A Doa - người già ở thôn Măng Bút tiến về phía cổng nhà mình, nói với niềm tự hào: “Mình cũng mới làm cổng thôi. Mình tận dụng mấy thanh gỗ lũa bỏ ở trên rẫy rồi làm.
Cổng nhỏ nên mình trồng thêm mấy cây lan lên trên cho đẹp. Mình cũng chọn cây lồ ô thật đẹp, thiết kế để treo cờ bên trên cổng. Đơn giản thôi nhưng nhìn lá cờ đỏ tung bay phấp phới, trang trọng trước cổng nhà, mình phấn khởi lắm.
Dọc đường làng đã được trải bê tông phẳng phiu, những chiếc cổng gỗ lũa hướng vào không gian từng ngôi nhà. Hai bên cổng, người dân cũng làm hàng rào bằng tre nứa, bằng lưới để rào bọc, bảo vệ, che chở cho căn nhà, mảnh vườn.
“Thú thật, từ lúc có cổng, cảm giác như làng đẹp hơn, mới mẻ hơn” - anh A Thủy bày tỏ cảm xúc.
Không riêng cổng nhà, cổng vào thôn, vào từng xóm nhỏ cũng được dựng nên bằng gỗ lũa và cùng một kiểu cách. Có điều, cổng vào xóm, vào thôn được dựng to hơn.
Anh A Thủy kể rằng, ở thôn có 7 xóm nhỏ, mỗi xóm nhỏ đều có cổng vào xóm. Trước khi làm cổng vào xóm, người dân họp bàn, thống nhất ngày giờ và cùng góp công, góp sức để làm.
Mỗi người một tay, cổng hoàn thành trong niềm vui của tất cả mọi người. Dựng cổng lên, người dân cũng đóng cây tre dọc bên cổng, treo cờ Tổ quốc. Cờ đỏ được treo cao, tung bay trong nắng như một sự chào đón khách ghé đến thăm.
Chuyện sau cổng nhà
Như bao làng đồng bào DTTS khác, từ xa xưa đến nay, người dân ở các thôn, làng trên địa bàn xã Măng Bút không có thói quen làm cổng nhà.
Thế mà chuyện xưa nay hiếm lại trở nên phổ biến ở thôn Măng Bút. Mà không riêng thôn Măng Bút, theo lời Phó Chủ tịch UBND xã Măng Bút A Vinh, hiện nay, đa số các hộ dân ở thôn Tu Nông, Đăk Niêng, Đăk Chun đã và đang hoàn thiện cổng nhà, rào vườn tược bài bản.
Không phải vì “ăn theo”, thấy nhà này làm đẹp, nhà kia cũng làm theo, đằng sau cổng nhà của mỗi gia đình nơi đây toát lên câu chuyện “dân vận khéo” của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Cổng của một cơ sở sản xuất trên địa bàn xã Măng Bút, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: H.T
Ông A Vinh nói rằng, việc vận động bà con làm cổng ngõ không chỉ đơn thuần để làm đẹp nhà cửa, sân vườn, mà đó cũng là cách để người dân chỉnh trang, cải tạo vườn tạp, đảm bảo khâu vệ sinh môi trường, chung sức bảo đảm an ninh trật tự, thực hiện quyết tâm cùng xã về đích xây dựng nông thôn mới.
Với ý nghĩa đó, Đảng ủy xã đã chỉ đạo UBND xã, các tổ chức, đoàn thể cùng tập trung vận động, tuyên truyền người dân chung sức thực hiện. “Việc vận động không khó, xã khuyến khích người dân sử dụng những thanh gỗ mục, gỗ lũa ở tại rẫy, tại vườn nhà mình để làm (tuyệt đối không cắt cây ở rừng). Từ đó, bà con sẽ cùng hỗ trợ nhau làm. Rồi người này hỗ trợ người kia, cứ thế cùng giúp nhau hoàn thiện” - ông A Vinh nói.
Cổng vào thôn Măng Bút, xã Măng Bút, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum được trang trí cầu kì hơn. Ảnh: HT
Khi được phân tích, hiểu rõ về ý nghĩa, bắt đầu từ “đảng viên đi trước”, gương mẫu thực hiện, người dân đồng loạt làm theo.
Cùng với việc làm cổng, người dân cũng rào vườn bài bản. Ai có tre dùng tre, ai có điều kiện hơn thì rào bằng kẽm gai hoặc lưới B40. Khuôn viên vườn chẳng mấy chốc trở nên gọn gàng, sạch đẹp.
Có cổng, có rào, lại được cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, người dân tích cực dọn dẹp đường làng ngõ xóm. Và nay mai, khi được hỗ trợ giống, người dân sẽ trồng mai anh đào, xây dựng khu dân cư văn minh, sạch đẹp.
Những cổng nhà độc đáo, những mảnh vườn được rào chắn đang được cải tạo, chuẩn bị trồng những loại cây trồng phù hợp đang mở ra một trang mới cho người dân ở nơi này.
Khi cấp ủy, chính quyền cùng nhân dân đồng lòng, triển khai thực hiện, bắt đầu những thay đổi nhỏ, người dân ở xã Măng Bút cùng quyết tâm tạo ra chuyển biến lớn, góp phần để địa phương về đích nông thôn mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.