Từ mùng 4 Tết đến nay, dọc tuyến Quốc lộ 1A qua thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) có rất nhiều những tốp người đứng đợi xe để vào miền Nam. Chị Phương ở xã Hậu Lộc, huyện Lộc Hà tâm sự: “Tôi cũng chẳng muốn đi nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng thì đau ốm suốt, con thì đang còn nhỏ, để có tiền trang trải cuộc sống, đành phải ngậm ngùi đi làm xa” - chị cho hay. Tiền lương hàng tháng tích cóp được hơn 3 triệu đồng về quê, rồi sắm sửa, mừng tuổi cho bố mẹ trong 3 ngày Tết là hết - chị Phương nói thêm. Công ty chị làm ở tận TP.Hồ Chí Minh, mùng 6 đã sản xuất nên chị phải vào sớm để kịp ca làm đầu năm.
Khác với chị Phương, anh Quang ở TP.Hà Tĩnh là công nhân của Công ty cổ phần Dịch vụ nổ mìn công trình và mỏ V&G (Đà Nẵng). Do đặc thù công việc, anh phải khăn gói lên công ty sớm hơn so với dự định, dù vợ anh đang cận ngày sinh nở. “Mình về từ hôm 30, nhưng chiều mùng 1 đã phải lên công ty rồi. Chỉ lo cho vợ mình ở quê, sắp đến ngày trở dạ mà chồng lại phải đi xa” - anh nói.
“Làm công nhân ở các công ty vất vả lắm, đi làm tiền lương không đủ để trang trải cuộc sống. Nói là đi làm nhưng Tết lại hết tiền, phải vay mượn để về quê. Cứ thế này thì Tết năm sau sẽ không về nữa anh à!” - chị Phan Thị Long (quê Nghệ An, công nhân Công ty Việt Long - Bình Dương) nói với giọng rất buồn.
Anh Thế - một công nhân quê Hà Tĩnh, đang làm việc tại Công ty cổ phần Khoáng sản VINAS ở A Lưới, Thừa Thiên - Huế tâm sự: “Làm công nhân ở xa 2-3 năm mới về một lần do cháu còn nhỏ và tiền lại không có, năm nay tôi quyết định cho vợ con cùng về quê ăn Tết. Tưởng chừng năm nay ăn Tết vui khi có cháu nhỏ và con dâu mới, nhưng do không quen với thời tiết ở đây nên mùng 1 Tết cháu nhỏ nhà tôi bị sốt cao phải đến trạm y tế. Trong mấy ngày liền tôi phải chầu chực ở trạm y tế, chẳng biết thú vui của ngày Tết là gì.
Trần Cao Nguyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.