Công nhận Việt Nam là nền "kinh tế thị trường" giúp doanh nghiệp có lợi như nào trong các vụ kiện phòng vệ thương mại?

An Linh Thứ ba, ngày 19/12/2023 20:00 PM (GMT+7)
Theo giới chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến các sản phẩm Việt Nam bị tiến hành điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp là việc một số nền kinh tế chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Bình luận 0

Mặc dù cơ chế phát triển, sản xuất và thị trường của nhiều ngành nghề, lĩnh vực, sản phẩm của Việt Nam đã đủ các điều kiện, tiêu chí thị trường: đa dạng nguồn cung, thị trường quyết định giá bán, tự do cạnh tranh người bán, người mua và Chính phủ, cơ quan quản lý không can thiệp vào cơ chế giá, hỗ trợ chi phí, thuế….

Công nhận Việt Nam là nền "kinh tế thị trường" giúp doanh nghiệp có lợi như nào trong các vụ kiện phòng vệ thương mại? - Ảnh 1.

Việc một số nền kinh tế chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường khiến các sản phẩm Việt chịu "thiệt" trong các vụ kiện phòng vệ thương mại (Ảnh: VASEP).

Theo chuyên gia về phòng vệ thương mại (PVTM) của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các yếu tố về công nhận nền kinh tế thị trường đầy đủ có ý nghĩa rất lớn trong việc rà soát của các nguyên đơn đối với sự can thiệp của Nhà nước vào cơ sở hình thành chi phí sản xuất, giảm giá sản phẩm, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa hàng xuất khẩu, đối với thị trường nhập khẩu, gây tổn hại đến sản xuất của các nước nhập khẩu.

"Khung cơ chế, quy định của WTO chống lại việc Chính phủ ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính để cho các ngành sản xuất, xuất khẩu của quốc gia gây tổn hại, làm suy yếu và lũng đoạn thị trường của nước nhập khẩu. Nếu bên nguyên đơn trong quá trình rà soát, có những yếu tố hỗ trợ, trợ cấp từ Chính phủ, sẽ lập tức kích hoạt điều khoản và bất lợi lớn cho doanh nghiệp ngành hàng, thậm chí cho cả một lĩnh vực đó trong nhiều năm và chỉ được cởi bỏ khi nguyên đơn rà soát lần thứ 2, thường diễn ra định kỳ tính theo năm", vị chuyên gia này cho hay.

Thực tế, hiện nay hầu hết các ngành, lĩnh vực của Việt Nam, Chính phủ đều không thực hiện trợ cấp, hỗ trợ thuế mà WTO không cho phép. Song vì một số nước lớn, trong đó có Hoa Kỳ chưa công nhận quy chế thị trường đầy đủ cho Việt Nam trong các vụ kiện PVTM, cho nên khi phát sinh một hoặc vài vụ việc, bên khởi kiện lợi dụng yếu tố này để gây bất lợi cho quá trình rà soát, điều tra đối với ngành hàng của Việt Nam.

"Thường các lần rà soát sẽ diễn ra trong thời gian khá dài, tuỳ thuộc vào tính chất vụ việc, mức độ khởi kiện và các căn cứ. Doanh nghiệp cần có đủ cơ sở pháp lý, các chứng từ chứng minh quy trình sản xuất, xuất khẩu tuân thủ đúng nguyên tắc thị trường, không nhận được sự hỗ trợ có chủ đích của Chính phủ. Để làm được điều này, cần có bảng kế toán, dòng tiền công khai, minh bạch phục vụ quá trình điều tra, rà soát của nguyên đơn. Nếu phía nguyên đơn nhận thấy có một trong các dấu hiệu trợ cấp, có thể áp dụng tạm thời khung thuế trước khi ra kết luận cuối cùng về mức thuế, điều này gây bất lợi cho doanh nghiệp", vị chuyên gia của VCCI cho hay.

Tính đến hết tháng 9/2023, 72 nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, bao gồm các nền kinh tế lớn như Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… Mới đây nhất, Vương quốc Anh đã có thư chính thức công nhận quy chế thị trường của Việt Nam và chấp nhận coi Việt Nam là kinh tế thị trường trong các vụ kiện PVTM. Đây là những yếu tố chính đáng, tín hiệu tích cực, giúp các ngành, lĩnh vực và sản phẩm Việt Nam có đủ cơ sở, bằng chứng trước các vụ kiện PVTM ở quy mô WTO hoặc song phương.

Hiện, Mỹ và EU vẫn đang trong quá trình xem xét coi Việt Nam là nền kinh tế thị trường và kinh tế thị trường đầy đủ. Hai thị trường xuất khẩu hàng chục tỷ USD của Việt Nam vẫn đưa ra nhiều tiêu chí và có cập nhật hàng năm về các tiêu chí để xem xét một nền kinh tế thị trường và thị trường đầy đủ.

Theo quy định của Mỹ, 6 tiêu chí để xem xét một nền kinh tế có thị trường hay không là mức độ chuyển đổi của đồng tiền; Đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; Các yếu tố khác.

Đối với EU, có 5 tiêu chí để xét như: mức độ ảnh hưởng của chính phủ trong phân bổ các nguồn lực và quyết định của doanh nghiệp (Việt Nam đã thực hiện được, theo đánh giá của EU hồi 2015); không có sự can thiệp của nhà nước làm biến dạng hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp; quản trị doanh nghiệp, kế toán và kiểm toán; sự tồn tại và thực thi một số chế độ pháp lý, tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ, phá sản và cạnh tranh cũng như các hệ thống tư pháp; lĩnh vực tài chính.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem