|
Vinashin Đà Nẵng. |
Tương lai mờ mịt
Vinashin Đà Nẵng được khởi công xây dựng tại phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) vào ngày 11-12-2005, với tổng vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án có quy mô lớn ở miền Trung trong lĩnh vực đóng tàu.
Khi mới được đầu tư, nhiều người “hô hào” rằng công ty này cùng với Nhà máy Đóng tàu Dung Quất (liên doanh Hyundai - Vinashin) và Nhà máy Đóng tàu ở Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) - đều là những “đứa con” của Tập đoàn Vinashin- sẽ tạo ra chuỗi công nghiệp tàu thuỷ hùng mạnh của miền Trung.
Ở Đà Nẵng còn có một thành viên khác của Vinashin là Công ty Xây lắp và Công nghiệp tàu thủy Miền Trung. Đây là nhà máy đầu tiên của Việt Nam sản xuất dây và cáp điện phục vụ ngành đóng tàu.
Theo ông Trần Quang Tuấn - Giám đốc, đơn vị cũng đang trong tình trạng “sống dở chết dở” như mọi thành viên Vinashin khác.
Thế nhưng thực tế không phải như vậy. Từ khi đưa vào hoạt động (tháng 9-2006) đến nay, Vinashin Đà Nẵng làm ăn thua nhiều hơn được.
Ông Nguyễn Văn Bằng - Tổng giám đốc công ty, thành thật: Do ảnh hưởng khó khăn chung của tập đoàn, công ty không vay được vốn để kinh doanh, không có tiền mua nguyên liệu. Đến nay, gần 400 công nhân công ty không có khả năng tiếp tục được gia hạn hợp đồng. Tuy nhiên, công ty cho công nhân nghỉ luân phiên chứ không dám cho nghỉ đồng loạt vì còn nợ lương và tiền đóng bảo hiểm xã hội của họ”.
Ông Bằng cho biết thêm, đến hết tháng 5-2010, số nợ bảo hiểm xã hội của công ty gần 800 triệu đồng. Hiện nay, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đang “rối như canh hẹ” thì tương lai của các công ty con - trong đó có Vinashin Đà Nẵng thật sự mờ mịt.
Mặt bằng của công ty cũng bị thành phố ra quyết định thu hồi vì không còn khả năng trả nợ tiền thuê đất. Công ty chỉ còn biết trông chờ vào số tiền đền bù 3 tỷ đồng công san bằng quỹ đất trước đây từ thành phố, để dời trụ sở về Cửa Việt (Quảng Trị).
Về đâu công nhân?
Ông Lê Anh Nhân - Phó Giám đốc bảo hiểm xã hội Đà Nẵng cho biết: Một số công nhân viên của Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Đà Nẵng tham gia bảo hiểm xã hội lẽ ra được cấp sổ nhưng nhưng do công ty nợ tiền bảo hiểm xã hội quá nhiều và thuộc dạng nợ xấu khó đòi nên bảo hiểm xã hội tỉnh chưa thể cấp sổ cho họ. Vì không có sổ nên mọi quyền lợi liên quan họ đều không được hưởng.
Ngày 13-7, khi đến công ty, chúng tôi bắt gặp những gương mặt công nhân buồn bã. Hỏi chuyện thì ai cũng hoang mang, không biết số phận mình sẽ ra sao. “Nói đóng tàu cho... oai vậy thôi. Chứ chúng tôi vào đây nào có thấy đóng được cái tàu nào, chỉ đóng thuê mấy cái sà lan nhỏ lẻ. Ngán lắm rồi nhưng chưa dám nghỉ, phải gắng gượng ở lại chờ giải quyết ít chế độ” - anh Huỳnh Ba (30 tuổi, quê Quảng Nam) chán nản nói.
Phần lớn số công nhân ở lại được sắp xếp làm bảo vệ, công nhân bảo trì thiết bị, máy móc, nhân viên văn phòng… Bác Huỳnh Tám - làm bảo vệ công ty, phân trần: “Nhiều công nhân bị nợ lương nên chưa ai dám nghỉ, phải cố ở lại để nhận. Bây giờ có xin công ty khác cũng khó vì công ty chưa trả sổ bảo hiểm xã hội lấy chi mà nộp”. Anh Minh (29 tuổi, Đà Nẵng), công nhân bảo trì, lo lắng: Nghe nói sắp chuyển công ty ra Quảng Trị. Biết ra đó có nên “cơm cháo” chi không hay nợ chồng lên nợ!
Tâm lý hoang mang, nghỉ không dám nghỉ, đi làm thì chán nản bao trùm cả công ty. Ông Bằng nói với NTNN: Công ty đang rối ren nên chúng tôi cũng không biết trả lời công nhân viên thế nào, chỉ động viên họ thông cảm và gắng ở lại công ty, chờ chuyển ra Cửa Việt… tính tiếp.
Vũ Vân Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.