Cọng rau, con cá cũng lên mạng, mua bán trực tuyến sẽ đạt doanh thu 15 tỷ USD
Cọng rau, con cá cũng lên mạng, mua bán trực tuyến sẽ đạt doanh thu 15 tỷ USD
Trọng Hiền
Thứ hai, ngày 29/06/2020 16:37 PM (GMT+7)
Không chỉ là những mặt hàng sang trọng, ngay cả cọng rau, con cá… cũng được đưa lên mạng rao bán. Mua bán trực tuyến (MBTT) đang là xu hướng của hoạt động kinh doanh trước, trong và sau dịch Covid-19.
Năm 2010, các nhà quản lý mô hình mua bán trực tuyến của Việt Nam đặt mốc doanh thu là 10 tỷ USD. Năm 2015, doanh thu của dịch vụ này chỉ 3 tỷ USD. Năm 2020, dù dịch Covid-19 hoành hành, nhưng doanh thu của mua bán trực tuyến dự báo sẽ đạt được 15 tỷ USD. Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhận xét: "Công lớn của con số 15 tỷ USD trong năm 2020 thuộc về... dịch Covid-19".
Ăn nên làm ra !
Từ doanh thu 3 tỷ USD của năm 2015 tăng lên 15 tỷ USD của năm 2020; cho thấy mức độ gia tăng hành vi mua bán trực tuyến ở mọi giới, mọi lứa tuổi tại Việt Nam "đang tăng khủng khiếp" - như nhận xét của ông Nguyễn Ngọc Dũng (Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM). Theo ông Dũng, nhiều đứa trẻ 14 – 15 tuổi và người cao tuổi (trên 60 tuổi) ở các đô thị như Hà Nội, TP.HCM… giờ đã thành thạo cách thức mua hàng qua mạng, hơn đi chợ hay đến cửa hàng.
Ông Trần Tuấn Anh -Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam - chia sẻ: "Cứ tưởng doanh thu tăng là do lệnh giãn cách xã hội. Nào ngờ, vào thời điểm hiện nay khi mọi người được quyền tung tăng mua sắm, nhưng doanh thu của nhiều thương hiệu trên sàn Shopee vẫn tăng mạnh".
Theo ông Tuấn Anh, những thương hiệu như: Sunhouse, Comet, JYSK, Gumac, Babyhop; các nhãn hàng của P&G như: Olay, Pantene, Rejoice, Head & Shoulders, Ariel, Pampers and Downy tăng doanh thu trong thời hậu dịch. Thương hiệu thời trang Gumac bán mỗi ngày 5.000 sản phẩm…
Bà Vũ Ánh Tuyết - đại diện Lazada Việt Nam - cho biết: Theo dữ liệu của Lazada Việt Nam, những thương hiệu như: Sagrifood, Bambam, xưởng giày Minh Nhân... đang "ăn nên làm ra" ngay cả thời hậu dịch.
Theo bà Tuyết, nhiều thương hiệu đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh trên mạng, nên chú trọng xây dựng nội dung phù hợp, hơn là đầu tư vào cửa hàng trực tiếp.
Bà Nguyễn Thị Thúy Anh - Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế số của VECOM - nhận định: "Nhiều hệ thống bán lẻ giờ chuyển sang bán online, kể cả các tiệm tạp hóa; đặc biệt, chợ đầu mối lớn nhất TP.HCM là Bình Điền cũng đang có kế hoạch bán hàng online".
Với góc nhìn riêng, ông Nguyễn Bình Minh - giảng viên ĐH Thương mại - nói: "Nhiều khách hàng đã thay đổi cách sống. Họ không còn tiết kiệm như trước, đã đến lúc mua sắm, du lịch... Nhưng họ không đến cửa hàng trực tiếp như trước mà chủ yếu là mua bán trực tuyến".
Còn nhiều điểm yếu
Trong vài năm trở lại đây, dù doanh thu của mua bán trực tuyến tại thị trường Việt Nam gia tăng "chóng mặt". Nhưng theo nhận xét của các chuyên gia về lĩnh vực thương mại điện tử, hiện giới kinh doanh mua bán trực tuyến còn 6 điểm yếu. Đó là: sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo, chăm sóc khách hàng chưa tốt, giá đắt, chất lượng website thấp…
Ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch VECOM - cho rằng: "Những điểm yếu trên đều bắt nguồn từ trình độ của các cá nhân khi tham gia mua bán trực tuyến". Theo ông Hưng, ngoài Hà Nội và TP.HCM, năng lực hiểu biết của các doanh nghiệp, cá nhân về mua bán trực tuyến của 61 tỉnh thành còn lại rất yếu.
Phó chủ tịch VECOM Nguyễn Ngọc Dũng - nói thêm: "Hoạt động kinh doanh trực tuyến tại Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ còn yếu. Chỉ chiếm 18% dân số nhưng Hà Nội và TP.HCM lại chiếm trên 70% giá trị giao dịch bán hàng truyền thống". Theo thông tin từ một sàn giao dịch, hiện 39% chủ gian hàng có địa chỉ tại TP.HCM, 31% là ở Hà Nội.
Ông Nguyễn Mạnh Tấn - Giám đốc tiếp thị của Haravan (thiết kế nền tảng bán lẻ trực tuyến) - chia sẻ: "Nhiều cá nhân biết chuyển đổi từ bán hàng trực tiếp sang online nhưng họ chưa hiểu hết chuyện bán hàng ở môi trường mới như thế nào, phải quản lý khách hàng ra sao, cứ nghe nói "lên online… thì lên".
Ông Tấn xác nhận câu chuyện đào tạo đội ngũ mua bán trực tuyến còn nhiều việc phải làm. "Muốn mua bán trực tuyến có hiệu quả, cá nhân kinh doanh phải đầu tư nền tảng, tích hợp nhiều công cụ thanh toán, thiết kế website đặt hàng nhanh, chọn dịch vụ giao hàng có uy tín…", ông Tấn nhấn mạnh.
Trong một báo cáo về thương mại điện tử các quốc gia khối ASEAN do Google, Temasek và Bain& Company thực hiện vào đầu năm 2020, đã dự đoán quy mô của Việt Nam vào năm 2025 sẽ là 43 tỷ USD, đứng thứ ba trong khối. Nhưng theo nhận định của ông Dũng, "Để đạt được con số trên, cần có sự hợp lực của các cơ quan quản lý nhà nước, các sàn giao dịch, quan trọng nhất là sự chuyển đổi của chính chủ thể kinh doanh".
Hiện Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số và VECOM đã có chính sách hỗ trợ địa phương phát triển thương mại điện tử. Các sàn giao dịch kết nối với các chủ doanh nghiệp: Tiki có chương trình tập huấn cho 500.000 doanh nghiệp, Lazada sẵn sàng đào tạo miễn phí những nhà bán lẻ muốn bán hàng online, Sapo nhắm đến các tiệm tạp hóa…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.