Công tác nhân sự Đại hội XIV: Chữ tâm bằng ba chữ tài, vì đạo đức định hướng hành động

Lê Thọ Bình (thực hiện) Thứ năm, ngày 18/04/2024 14:19 PM (GMT+7)
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, vừa qua, Tiểu ban nhân sự mới họp phiên đầu tiên, từ giờ đến Đại hội XIV sẽ còn rất nhiều cái mới trong công tác lựa chọn nhân sự. Ở thời điểm hiện nay, cái mới dễ thấy nhất có lẽ là các ứng cử viên sẽ được soi xét rất kỹ.
Bình luận 0

LTS: Trước khi có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng XIV, xoay quanh bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ngày 13/3/2024 vừa qua, chúng tôi ý thức được rằng, công tác nhân sự Đại hội luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhưng cũng cực kỳ phức tạp, khó khăn, vì nó liên quan đến con người, là "công tác con người".

Như Người đứng đầu Đảng ta đã nói: "Nhưng con người cũng có đủ thứ chứng tật không lành mạnh, nói ra rất tế nhị, nhạy cảm (nhận xét, đánh giá nhau thế nào? nhất là nói về nhược điểm, khuyết điểm của nhau; bố trí, sắp xếp vào đâu? liên quan đến danh dự, chế độ, chính sách hưởng thụ, chức vụ cao, thấp, lợi ích, bổng lộc... so sánh với người khác thế nào?... ("Thua trời một vạn không bằng thua bạn một ly", "Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng thì lộn gan lên đầu"!) vô cùng phức tạp, nhạy cảm, rất dễ phát sinh vấn đề, tâm tư day dứt), gây mất đoàn kết"…

Công tác nhân sự Đại hội XIV: Chữ tâm bằng ba chữ tài, vì đạo đức định hướng hành động- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV hồi tháng 3/2024. Ảnh TTXVN

"Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài"

Trước bất kỳ Đại hội nào thì nhân sự vẫn là công việc vô cùng quan trọng. Gần như đi đến đâu, ở chỗ nào, cũng thấy cán bộ, đảng viên và nhân dân tỏ ra quan tâm theo dõi và có phần băn khoăn, lo lắng, đặt câu hỏi: Đảng ta sắp tới dự định lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo thế nào để đủ sức gánh vác nhiệm vụ cách mạng to lớn mà lịch sử giao phó. Vậy, theo ông, công tác nhân sự lần này có gì mới hơn so với các kỳ Đại hội trước đây không?

- Tiểu ban nhân sự mới họp phiên đầu tiên, từ giờ đến Đại hội XIV sẽ còn rất nhiều cái mới trong công tác lựa chọn nhân sự. Ở thời điểm hiện nay, theo tôi, cái mới dễ thấy nhất có lẽ là các ứng cử viên sẽ được soi xét rất kỹ. Công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được triển khai quyết liệt, không có vùng cấm, kể cả ở cấp cao nhất. Đây là việc làm trong sạch đội ngũ cán bộ chuẩn bị cho đội ngũ nhân sự được lựa chọn cho Đại hội XIV phải thật sự là những người tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác.

Cái mới nữa là tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức sẽ đặc biệt được coi trọng. Như Tổng Bí thư nhấn mạnh trong bài phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự thì những nhân sự được lựa chọn "là phải vừa có Đức vừa có Tài, trong đó Đức là gốc ("chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài").

"Công tác nhân sự Đại hội phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự trong sáng, khách quan, đặc biệt phải "có con mắt tinh đời" trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn; lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình làm thước đo chủ yếu"- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông có thể phân tích cụ thể hơn được không?

- Tài năng nói chung là một đại lượng trung tính. Nó có thể trở thành dương tính hoặc âm tính nhờ vào đạo đức. Tài năng thiếu đạo đức là tài năng của quỷ Xa Tăng; Tài năng có đạo đức là tài năng của thiên thần. Chữ Tâm bằng ba chữ Tài là vì đạo đức định hướng hành động.

Trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI), khi trí tuệ nhân tạo phổ quát (AGI) và siêu trí tuệ nhân tạo (ASI) sẽ ra đời, tài năng chắc chắn sẽ không thiếu. Cái thiếu hụt nhiều khi lại là đạo đức. Coi trọng đạo đức chính vì vậy cũng là định hướng chiến lược để vượt qua thách thức của thời đại AI.

Ngoài ra, coi trọng đạo đức trong việc lựa chọn nhân sự là xác lập ưu tiên chính xác. Kết quả thực tế của công cuộc phòng chống tham nhũng cho thấy suy thoái đạo đức đang là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất của chúng ta.

Công tác nhân sự Đại hội XIV: Chữ tâm bằng ba chữ tài, vì đạo đức định hướng hành động- Ảnh 2.

Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII hồi tháng 10/2023. Ảnh TTXVN

Cán bộ là công tác của Đảng

Một trong những nguồn cán bộ của Đảng và nhà nước là những người trưởng thành từ công tác Đoàn Thanh niên. Có ý kiến cho rằng, việc đưa một bộ phận cán bộ chuyên làm công tác đoàn thể sang phụ trách các lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn cao trong quản lý nhà nước về kinh tế sẽ có bất cập. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Tôi cho rằng cán bộ trưởng thành từ công tác đoàn thể hoàn toàn có thể được lựa chọn để làm chính khách. Chính khách là những người có tầm nhìn, biết xác lập ưu tiên và thúc đẩy chính sách, biết tập hợp lực lượng và dẫn dắt quần chúng. Ở ta, Đoàn thanh niên là trường học (là trường học rất quan trọng) để đào tạo những cán bộ như thế. Tuy nhiên, chính khách thì không phải là một quan chức quản lý, điều hành. 

Vấn đề là chúng ta cần có được sự phân biệt rạch ròi giữa chính khách (ở tầm chính trị) và quan chức quản lý, điều hành (ở tầm hành chính-công vụ). Khi lựa chọn cán bộ Đoàn để làm quản lý, điều hành, có thể ban đầu một số người sẽ lúng túng và đối mặt với nhiều khó khăn. Đơn giản là vì quản lý, điều hành là một công việc chuyên môn, đòi hỏi các kỹ năng chuyên môn, không phải các kỹ năng chính trị.

Công tác nhân sự Đại hội XIV: Chữ tâm bằng ba chữ tài, vì đạo đức định hướng hành động- Ảnh 3.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh QH

Ở các nước, bộ trưởng là một chính khách. Bộ trưởng xác lập ưu tiên, thúc đẩy nghị trình, thúc đẩy và vận động chính sách cho ngành mình. Nhưng bộ trưởng không điều hành công việc của bộ. Điều hành công việc của bộ là quốc vụ khanh, không phải bộ trưởng. Nếu chúng ta cũng phân biệt được rạch ròi như vậy, thì việc lựa chọn, bố trí cán bộ Đoàn sẽ dễ dàng hơn.

Các chính khách là nguồn nhân lực công quan trọng nhất, nhưng các quan chức hành chính-công vụ cũng rất quan trọng. Trung Quốc phát triển được là nhờ hàng loạt yếu tố, nhưng một trong những yếu tố rất quan trọng nhất đó là họ xây dựng được một bộ máy hành chính công vụ rất chuyên nghiệp. Đây là vấn đề rất quan trọng. Vì nếu không có nền hành chính-công vụ chuyên nghiệp không vận hành thể chế được. Ở các nước, chính sách, pháp luật được quyết định bởi chính khách, nhưng vận hành thể chế và thực thi chính chính sách là bởi công chức.

Ví dụ về đấu thầu, Cục Đấu thầu là cơ quan vận hành thể chế đấu thầu. Hướng dẫn, ý kiến của Cục Đấu thầu là có uy tín nhất liên quan đến pháp luật về đầu thầu. Thanh tra, kiểm sát không thể nói khác ở đây, bởi vì " các anh" có chuyên môn sâu, có vận hành thể chế về về lĩnh vực này đâu. Thanh tra xuống một đơn vị. Đơn vị "nó" bảo, Cục đấu thầu hướng dẫn làm như vậy là xong. Thanh tra, kiểm sát không thể nói phải như thế này, thế kia mới đúng. Chỉ có một phương tiện duy nhất để bác bỏ ý kiến của Cục Đấu thầu là kiện ra tòa. Nhưng kiện ra tòa chưa chắc đã thẳng. Có vận hành thể chế như vậy, thì công việc mới trôi chảy được.

"Nhân sự được lựa chọn phải "làm việc có hiệu quả, có "sản phẩm" cụ thể, rõ rệt; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đoàn kết, quy tụ, phát huy được đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực, địa bàn được phân công"- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

"Làm việc có hiệu quả, có "sản phẩm" cụ thể!

Nhưng nói cho cùng thì những phẩm chất như có "bản lĩnh chính trị vững vàng", có "phẩm chất đạo đức trong sáng"… vẫn là những tiêu chí mang tính "định tính" nhiều hơn. Vậy làm thế nào để định lượng được cụ thể, ví dụ như "thế nào là phẩm chất đạo đức trong sáng"?

- Đúng "bản lĩnh chính trị", "phẩm chất đạo đức" là những tiêu chuẩn mang tính định tính. Những tiêu chuẩn mang tính định tính là rất khó đo đếm. Tuy nhiên, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức đều có những biểu hiện ra bên ngoài. Vấn đề là xác định chính xác các biểu hiện ra bên ngoài đó và thu thập, đo đếm chúng. Ở Singapore người ta vẫn có cách thức đo đếm chính xác sức sáng tạo và năng lực thích ứng của các công chức đó thôi.

Ngoài ra, kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc lựa chọn cán bộ theo thành tích thực tế cũng rất đáng tham khảo. Trong phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói rất rõ về nhân sự được lựa chọn phải "làm việc có hiệu quả, có "sản phẩm" cụ thể. Đây là chỉ đạo quan trọng cho việc lựa chọn cán bộ ở ta sắp tới. Kết quả thực tế phản ánh cả tài năng và cả đạo đức.

Như ông vừa phân tích và chỉ ra Tổng Bí thư đã nhấn mạnh một ý là "nhân sự được lựa chọn phải "làm việc có hiệu quả, có "sản phẩm" cụ thể, rõ rệt". Đây có phải là một yếu tố mới và rất quan trọng cần được cụ thể hóa trong chiến lược đào tạo cán bộ? Ở các nước khác người ta làm như thế nào, thưa ông?

- Ở Trung Quốc về cơ bản nhân sự được lựa chọn dựa trên thành tích thực tế. Ở các nước phương Tây, nhân sự (ở cấp chính khách) được lựa chọn thông qua tranh cử. Đương nhiên, không có mô hình nào là tuyệt đối hoàn hảo. Mọi mô hình đều có hai mặt.

Mô hình lựa chọn cán bộ lãnh đạo của Trung Quốc là: chọn những người có thành tích cao nhất của cấp xã đưa lên cấp huyện; những người có thành tích cao nhất của cấp huyện lên cấp tỉnh; những có thành thành tích cao nhất của cấp tỉnh lên cấp trung ương. Một nghiên cứu của phương Tây cho thấy cách làm này lựa chọn nhân sự chính xác đến 75%. Trong lúc đó, mô hình tranh cử của phương Tây đạt tỷ lệ lựa chọn nhân sự chính xác thấp hơn rất nhiều.

Nếu xin một ý kiến góp ý của ông về công tác cán bộ nên thiết kế như thế nào, ông sẽ nói gì?

- Theo tôi nên có sự phân cấp, phân quyền trong công tác cán bộ. Về lý thuyết, các quan chức được lựa chọn thông qua: 1 là bầu cử; 2 là bổ nhiệm chính trị; 3 là bổ nhiệm hành chính. Bầu cử là để lựa chọn các chính khách. Việc này phải do Đảng quyết định. Bổ nhiệm chính trị là để lựa chọn các quan chức đứng đầu các thiết chế hành chính-công vụ. Việc này do các cơ quan Nhà nước đảm nhiệm, nhưng phải được Đảng phê chuẩn. Bổ nhiệm hành chính là để lựa chọn tất cả các quan chức hành chính-công vụ còn lại. Việc này do các thiết chế hành chính-công vụ thực hiện dựa trên quy trình của mình và căn cứ vào thành tích thực tế (đo bằng KPI) của các ứng cử viên.

- Xin cám ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem