Công trình không phép tồn tại gần 10 năm, chính quyền làm ngơ?
Công trình không phép tồn tại gần 10 năm ở Hà Nội, chính quyền làm ngơ?
Thành Thái
Thứ hai, ngày 01/06/2020 17:32 PM (GMT+7)
Hàng chục năm nay, nhiều công trình không giấy phép xây dựng và nằm ngoài tổng thể mặt bằng đã được phê duyệt nhưng UBND huyện Phú Xuyên (TP. Hà Nội) không xử lý được.
Phản ánh tới báo Dân Việt, trên địa bàn thôn Kiều Đoài, xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên có nhiều công trình không phép, sai quy hoạch tồn tại gần chục năm nay nhưng chính quyền không hề xử lý. Theo tìm hiểu của PV, tại khu Lò Gạch, thôn Kiều Đoài hiện nay có rất nhiều công trình, xưởng kinh doanh sắt thép, sản xuất tôn mái che hoạt động rất rầm rộ.
Tài liệu của UBND huyện Phú Xuyên cung cấp cho PV cho thấy, ông Đinh Mạnh Hùng được UBND huyện Phú Xuyên cho thuê đất với diện tích hơn 7.900 m2 quỹ đất II (đất nông nghiệp) tại khu Lò Gạch, thôn Kiều Đoài thuộc quỹ đất công do UBND xã Đại Xuyên quản lý theo Quyết định số 7302. Việc thuê đất này của ông Hùng để làm dự án sản xuất, kinh doanh sắt thép.
Trong Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (thay đổi lần 1 vào ngày 10/10/2013) tên chủ hộ kinh doanh là ông Đinh Mạnh Hùng với 69% giá trị quyền sử dụng đất. Cá nhân góp vốn thành lập hộ kinh doanh có thêm ông Ngô Chí Cường (xã Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên) chiếm 31% giá trị quyền sử dụng đất.
Sau khi ký hợp đồng, ông Hùng đã tiến hành xây dựng sai hoàn toàn thiết kế quy hoạch tổng mặt bằng như hồ sơ đã được UBND huyện Phú Xuyên phê duyệt. Ông Hùng đã tự ý xây dựng thêm các công trình. Điều đáng nói, nhiều công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng và nằm ngoài tổng thể mặt bằng đã được phê duyệt.
Mặc dù việc vi phạm xảy ra từ trước năm 2015 nhưng phải đến đầu tháng 9/2019, Tổ công tác của UBND huyện mới phối hợp với UBND xã Đại Xuyên tiến hành kiểm tra việc sử dụng đất đối với hộ kinh doanh ông Đinh Mạnh Hùng. Theo đó, qua kiểm tra hiện trạng cho thấy ông Hùng đã lắp, xây dựng công trình trên đất thuê không đúng vị trí được quy hoạch tổng mặt bằng của dự án.
Cụ thể, ông Hùng đã lắp dựng công trình 1 không có trong quy hoạch tổng mặt bằng với diện tích là 315 m2, thời điểm xây dựng là năm 2013; Đã lắp dựng công trình 2 không có trong quy hoạch tổng mặt bằng với diện tích 150 m2, thời điểm xây dựng tháng 7/2017; Đã lắp dựng công trình 3 không có trong quy hoạch tổng mặt bằng với diện tích 390 m2 thời điểm xây dựng tháng 5/2017.
Điều đáng nói, công trình 4 không có trong quy hoạch tổng thể mặt bằng với diện tích 216 m2 cũng được xây dựng. Trong đó công trình nhà biệt thự để hộ ông Hùng ở với diện tích 120 m2 đã xây tường gạch, mái lợp ngói, thời điểm xây dựng năm 2013.
Ngoài ra, công trình 5 không có trong quy hoạch mặt bằng tổng thể cũng được xây dựng từ năm 2014.
Trong biên bản vi phạm hành chính, UBND xã Đại Xuyên đề nghị tự tháo dỡ công trình xây dựng xong trước ngày 30/9/2019 và uộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất như trước khi vi phạm. Ngoài ra, UBND xã cũng đề nghị UBND huyện chỉ đạo các phòng ban có liên quan có hướng xử lý.
Tuy nhiên, đến nay công trình vẫn không thay đổi. Các công trình, nhà xưởng vẫn được ông Hùng sử dụng để hoạt động kinh doanh. Việc xây dựng không phép, sai quy hoạch đã kéo dài gần chục năm nay nhưng các công trình này vẫn ngang nhiên hoạt động.
Dư luận đặt vấn đề, phải chăng chính quyền không đủ khả năng xử lý hay có sự bao che cho hộ kinh doanh này?
Trao đổi với Dân Việt, ông Lâm Minh Cường, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Phú Xuyên khẳng định có tồn tại các công trình nêu trên. Chỉ có 3 công trình xây dựng trước năm 2015 là không có phép và nhiều công trình xây dựng sai quy hoạch. Tuy nhiên, đến nay việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Cường cho rằng, phía huyện đang yêu cầu chủ công trình bổ sung các giấy tờ để chuyển đổi mục đích.
Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Thế Công cho biết hiện đang giao Phòng Tài nguyên và Môi trường, Đội thanh tra xây dựng kiểm tra. "Sau khi kiểm tra hồ sơ, nếu công trình vi phạm và sai đến đâu xử lý đến đó", ông Công nói.
Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Thanh Tùng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) việc để vi phạm xảy ra nhiều năm qua nhưng không xử lý thể hiện sự tắc trách của chính quyền địa phương. Đến khi người dân bức xúc, dư luận vào cuộc thì chính quyền lại yêu cầu bổ sung giấy tờ càng thể hiện sự ưu ái đối với các chủ hộ kinh doanh. "Để tránh bức xúc dư luận thì chính quyền địa phương cần tháo dỡ và có biện pháp mạnh hơn", luật sư này nêu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.