Nhà văn Phan Trung Nghĩa, tác giả của cuốn sách “Công tử Bạc Liêu sự thật và giai thoại” kể: “Lúc tôi đi lấy tư liệu để viết phần này rất khó khăn. Người lớn tuổi phần nhiều đã mất. Những người biết, có người thân mình đi thi họ không nói. Theo họ, đó là điều cấm kỵ, không vui sướng gì để tự hào là họ đã từng đi thi người đẹp do Công tử Bạc Liêu tổ chức”.
Ông Phan Kim Khánh, cháu gọi Công tử Bạc Liêu bằng cậu hướng dẫn khách tham quan căn nhà Công tử Bạc Liêu. Ảnh Nhật Hồ.
Giai thoại kể rằng, để tổ chức được “đấu xảo sắc đẹp”, Ba Huy cho mời các chức sắc trong vùng đến xin ý kiến. Hầu hết các hương chức, hội tề đều không đồng ý.
Nhưng với thế lực và tài ăn nói của Công tử Bạc Liêu, cuối cùng các chức sắc trong vùng đành nghe theo. Tuy nhiên, họ đề nghị bỏ quy định phụ nữ có thân hình (số đo) cân đối. Bởi theo họ, phụ nữ chỉ đẹp cái mặt.
Theo lời kể của các cụ cao tuổi, giải thưởng của “đấu xảo sắc đẹp” rất cao. Giải nhất là một chiếc vòng kiềng vàng 10, nặng một lượng vàng 24k. Đây là loại kiềng đeo cổ, thời trang, được ưa chuộng nhất của phụ nữ quý tộc lúc bấy giờ. Giải nhì là 200 đồng bạc và bộ lư trị giá 500 giạ lúa; giải ba thấp hơn, nhưng cũng đủ để người trúng giải sống an nhàn trong một thời gian dài.
Cánh đồng lúa Bào Sàng (Bàu Xàng) ngày nay, được cho là nơi Công tử Bạc Liêu từng tổ chức “đấu xảo sắc đẹp”. Ảnh Nhật Hồ.
Dĩ nhiên, Ban tổ chức và ban giảm khảo do Ba Huy đứng đầu. Nhưng chính ông cũng không ngờ có đến hàng trăm phụ nữ tham dự cuộc thi.
Cũng có nhiều ý kiến khác nhau về cuộc thi. Người ta tin vào tính chất mua vui, đề cao sắc đẹp của phụ nữ. Nhưng cũng có người kháo nhau đấy chẳng qua là một cuộc tuyển nhân tình nấp dưới cái danh của một cuộc thi sắc đẹp. Ý kiến này khá khiến Công tử Bạc Liêu sau đó không tổ chức cuộc thi nào nữa.
Những thí sinh ứng viên Hoa hậu năm 2014 vào vòng sơ khảo khu vực phía Nam tổ chức tại Bạc Liêu bên cầu thanh trong căn nhà Công tử Bạc Liêu. Ảnh Nhật Hồ.
Cuộc thi có ba vòng: sơ tuyển, trung tuyển, chung kết để cuối cùng chọn ra 3 người đẹp nhất trao giải á hậu 1, 2 và hoa hậu.
Những người lớn tuổi Bàu Xàng vẫn nhớ rõ mặt người đẹp đoạt giải năm ấy được công tử Bạc Liêu chọn. Bà Đ., người có nét đẹp "chim sa cá lặn" đoạt giải hoa hậu, cùng có giải là một cô người Khmer vô cùng duyên dáng. Sau này, bà Đ. có quan hệ tình cảm với Công tử Bạc Liêu và là người được yêu thương nhất.
Ba Huy xem bà Đ. là vợ bé chứ không phải nhân tình. Mỗi lần vô điền thu thuế hay tham dự lễ hội Kỳ Yên, Ba Huy đều ghé thăm và rước bà xuống ghe hầu qua tháp Vĩnh Hưng chơi. Bà có với ông một người con trai.
Để kỷ niệm những lần qua tháp Vĩnh Hưng, bà đặt tên con trai là Hưng. Mỗi tháng ông Trần Trinh Huy có cấp tiền cho con, nhưng số con bà mệnh bạc, năm lên 7 tuổi thì bị té sông chết. Ba Huy giận không tới lui nữa và bỏ bà Đ. Gần chục năm sau, bà Đ đi lấy chồng là một thợ may.
Khu mộ Công tử Bạc Liêu hiện tại khá hoang sơ do thiếu người chăm sóc. Ảnh Nhật Hồ
Người lớn tuổi ở Bạc Liêu cho biết, không chỉ bà Đ mà hầu hết những người đẹp đoạt giải đều không thoát khỏi lưới tình của vị công tử hào phóng.
Có thể kể ra các bà A, bà B, bà Bảy D, bà M.R (người dân tộc Khmer), bà T, bà Th (con của 1 vị tằng khạo)… Các bà đều là những người vào vòng chung khảo.
Tương truyền Công tử Bạc Liêu là người hào hoa phong nhã, khéo ăn nói nên có rất nhiều gái đẹp để ý (ảnh Nhật Hồ)
Những người tá điền cho con gái tham dự cuộc đấu xảo sắc đẹp mong muốn nhờ cuộc thi mà đổi đời, sẽ lọt vào mắt xanh của các cậu ấm con nhà giàu có. Họ không ngờ cuộc đấu xảo sắc đẹp chỉ là phương tiện tìm kiếm người đẹp để công tử Bạc Liêu du xuân và khoe khoang với bạn bè…
Nhật Hồ (Lao động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.