Hàng loạt vi phạm
Theo kết luận thanh tra số 3238 của Thanh tra Chính phủ (TTCP), giai đoạn 2007-2015, tỉnh Lào Cai đã cấp giấy phép khai thác khoáng sản và giao đất tại 13 dự án, diện tích vượt so với quy hoạch 196,77 ha vào đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp và các loại đất khác; có 11 dự án khai thác khoáng sản nằm ngoài quy hoạch với diện tích 65,4ha.
Đối với công ty Apatit Việt Nam, một số khai trường của công ty đã khai thác nhiều năm, nhưng đến thời điểm thanh tra, Sở Tài nguyên và môi trường cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan chưa thực hiện việc cắm mốc, bàn giao mốc giới tại một số khu vực khai thác, vi phạm Luật Khoáng sản.
Đáng chú ý, công ty vẫn khai thác quặng apatit tại một số khai trường khi giấy phép khai thác đã hết hạn khai thác.
TTCP chỉ rõ, dù giấy phép một số khai trường khai thác quặng apatit đã hết hạn nhưng công ty Apatit vẫn tiến hành khai thác.
Chịu trách nhiệm chính cho những vi phạm này là chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch phụ trách và Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng giai đoạn này.
Gần đây nhất, theo tìm hiểu của PV, khoảng 8 giờ sáng 17.1.2018, người dân xã Đồng Tuyển (TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai) “tá hỏa” khi phát hiện một nguồn nước lạ ào ào tràn vào ao cá, vườn hoa màu của gia đình. Chỉ sau 30 phút, dòng nước này nhanh chóng nhấn chìm các ao cá, vườn cây khiến nhiều hộ dân lo lắng phải khẩn trương di dời đồ đạc, vật dụng của gia đình ra khỏi nhà.
Nguyên nhân sau đó được xác định do cánh phai bị xô đổ làm nước thải của hồ thải quặng đuôi nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn (Công ty Apatit Việt Nam) chảy tràn nhanh ra ngoài môi trường với lưu lượng 16.000m3/h gây thiệt hại do ngập lụt khoảng 7ha, làm ảnh hưởng đến 54 hộ ở các thôn Củm Thượng 1, Củm Thượng 2, Củm Hạ 1, Củm Hạ 2, Làng Đen, Kim Thành, trong đó có 2 hộ ngập nhà và tài sản.
UBND tỉnh Lào Cai đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Apatit Việt Nam số tiền 350 triệu đồng, do đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính để xảy ra sự cố môi trường.
Đồng thời, yêu cầu Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam phải bồi thường thiệt hại; kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường đối với lượng nước thải công nghiệp chảy tràn ra ngoài môi trường do sự cố gây ra theo quy định pháp luật.
Vào năm 2015, doanh nghiệp này cũng bị xử phạt 300 triệu đồng do để xảy ra vỡ đập phụ hồ tuần hoàn tại chi nhánh tuyển Apatit Cam Đường làm cho nước thải và bùn thải chảy ra ngoài môi trường (với khối lượng ước tính khoảng 9.800m3).
Không giải quyết đề nghị thăm dò của Apatit Việt Nam
Vừa qua, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam không cho phép Công ty Apatit Việt Nam thăm dò quặng apatit ở khai trường 20 - 23 thuộc xã Đồng Tuyển, TP.Lào Cai (Lào Cai) theo đề nghị của đơn vị này vào tháng 12.2017.
Đề nghị thăm dò quặng apatit của Công ty Apatit Việt Nam vào tháng 12.2017 đã bị từ chối do khu vực này năm trong khu vực dự trữ khoáng sản apatit quốc gia.
Theo cơ quan này, khu vực quặng apatit khai trường 20 - 23 (được Công ty Apatit Việt Nam khoanh định 98,22ha) nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản apatit quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 6.5.2014.
Hơn nữa, khi phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng apatit đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vào tháng 10.2014, Thủ tướng Chính phủ cũng không quy hoạch thăm dò, khai thác quặng apatit loại II tại khai trường 20 - 23.
Như vậy, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam hoàn toàn không có cơ sở để giải quyết đề nghị thăm dò quặng apatit ở khai trường 20 - 23 của Công ty Apatit Việt Nam.
Việc thăm dò tại các khai trường trên chỉ được xem xét sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh khu vực xin phép thăm dò trên ra khỏi khu vực dự trữ khoáng sản apatit quốc gia, đồng thời bổ sung vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng apatit.
Từng khai thác trái phép
Hiện trường nơi xảy ra sự cố cánh phai xả tràn hồ thải quặng đuôi nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn bị xô đổ ở Lào Cai.
Theo báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Lào Cai, tổng khối lượng quặng apatit mà Công ty Apatit Việt Nam khai thác được từ 5 khai trường không có giấy phép từ 1995 – cuối năm 2012 là gần 17,6 triệu tấn. Doanh thu về gần 2,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó công ty Apatit Việt Nam đã khai thác quặng apatit không phép tại 5 khai trường (số 11,12,14,17,31), còn khai trường số 17 khai thác sai lệch so với giấy phép của tỉnh Lào Cai cấp.
Công ty này đã bị UBND tỉnh Lào Cai ra quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, đất đai và bảo vệ môi trường số tiền 1 tỉ 130 triệu đồng.
Cùng với đó, áp dụng hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như buộc Công ty Apatit Việt Nam chấm dứt mọi hoạt động khai thác tại các khai trường 11, 14, 17, 31; thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai tại các khu vực đã khai thác và trả lại toàn bộ diện tích đất đai cho chính quyền địa phương quản lý.
Phân vùng Bát Xát - Lũng Pô: Chưa thực hiện thăm dò địa chất để xác định trữ lượng tài nguyên.
Sản lượng quặng Apatit đã khai thác (Chủ yếu từ năm 1956 đến năm 2005) là quặng Apatit loại I: 14, triệu tấn; quặng Apatit loại II: 3 triệu tấn; quặng Apatit loại III: Khoảng 40 triệu tấn; quặng Apatit tuyển: 2,5 triệu tấn và nhiều loại sản phẩm khác như: Phân bón NPK; Vật liệu xây dựng; Quặng Fenspát, cao lin...
Trữ lượng quặng tại khu trung tâm theo số liệu thăm dò địa chất (Số liệu thăm dò chưa đầy đủ) là khoảng 800 triệu tấn gồm; quặng Apatit loại I: 34 triệu tấn; quặng Apatit loại II: 236 triệu tấn; quặng Apatit loại III: 230 triệu tấn; quặng Apatit loại IV: 291 triệu tấn.
Vùng mỏ Apatit Lào Cai được phát hiện vào năm 1924. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, mỏ do người Pháp và người Nhật khai thác. Sau khi hòa bình lập lại, Nhà nước giao cho Công ty TNHH một thanh viên Apatit (Apatit Vietnam) quản lý và khai thác mỏ.
Mỏ Apatit Lào Cai nằm ở hữu ngạn sông Hồng với chiều dài khoảng 100 km từ Lũng Pô - Bát Xát đến Bảo Hà thuộc tỉnh Lào Cai, với chiều rộng từ 1 đến 4 km. Được chia thành 3 phân vùng chính.
Phân vùng Bát Xát - Ngòi Bo: Là trung tâm của khoáng sàng Apatit Lào Cai, có chiều dài 33,5 km. Là vùng có trữ lượng quặng lớn và ổn định nhất.
Phân vùng Ngòi Bo - Bảo Hà: Số liệu thăm dò địa chất chưa đầy đủ để xác định trữ lượng tài nguyên.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.