Nhờ cơ quan chức năng can thiệp
Ngày 7.6, thông tin từ UBND huyện Cù Lao Dung cho biết, có nhiều người dân trồng mía đến trụ sở huyện kêu cứu vì Nhà máy Đường Sóc Trăng nợ của họ hàng trăm triệu đồng tiền mía nhưng đến nay vẫn chưa thanh toán dù đã thu mua mía được hơn 3 tháng.
Người dân trồng mía đến trụ sở tiếp dân huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) kêu cứu.
Theo ông Tô Thanh Xuân - Phó Chánh văn phòng UBND huyện Cù Lao Dung, vào ngày 6.6, có khoảng 120 người dân đến nhờ huyện can thiệp, giúp họ đòi nợ Nhà máy Đường Sóc Trăng. Cũng trong ngày 6.6, người dân cùng thương lái đến Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng để đòi nợ. Trước tình hình trên, phía công ty đã phải mở một cuộc đối thoại trực tiếp với bà con.
Tại cuộc đối thoại trên, người dân phản ánh, phía công ty đã hứa trả nợ nhiều lần nhưng không thực hiện khiến bà con không còn tiền để tái đầu tư sản xuất.
Đại diện Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng cũng thừa nhận, họ đang nợ tiền mía của dân, các đại lý, thương lái với số tiền khoảng 100 tỷ đồng và cam kết sẽ trả dứt điểm trong tháng 7 tới.
Để có tiền trả nợ, công ty sẽ thu hồi nợ từ phía bán hàng khoảng 118 tỷ đồng (nếu khó thu hồi nợ, công ty sẽ thế chấp các kho hàng với ngân hàng), đồng thời tiếp tục bán lượng đường đang tồn kho.
Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo giải quyết sớm
Về lý do nhờ đến cơ quan chức năng can thiệp, ông Tô Thạnh Lạc, ngụ xã An Tây bức xúc nói: “Gia đình tôi bán khoảng 30 tấn mía cho tổ thu mua của Nhà máy đường Sóc Trăng đã 3 tháng nay với số tiền trên 100 triệu đồng nhưng họ chưa chịu trả tiền khiến gia đình lâm vào cảnh khó khăn”.
Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng đối thoại trực tiếp với dân
Theo ông Lạc và nhiều hộ dân ở huyện Cù Lao Dung, hiện giá mía thu mua tại ruộng khoảng 400 đồng/kg (ở những khu vực khó vận chuyển sẽ có giá thu mua thấp hơn). Với mức giá này, nếu tính thêm tiền thuê nhân công, thuê ghe vận chuyển thì người trồng mía sẽ bị lỗ, không có vốn tái đầu tư cho vụ tới.
Ông Nguyễn Văn Đắc - Phó trưởng phòng Phòng NNPTNT huyện Cù Lao Dung cho biết, niên vụ năm 2018, ngoài việc giá mía xuống thấp, nông dân còn gặp khó khăn khi bị doanh nghiệp nợ tiền kéo dài. “Vụ mía này, huyện quy hoạch hơn 5.400ha trồng mía nhưng người dân mới chỉ trồng khoảng 3.000ha. Mặc dù diện tích giảm nhưng vẫn khó khăn ở đầu ra” – ông Đắc nói.
Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với báo chí sáng ngày 7.6, ông Lê Văn Hiểu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, đã đề nghị Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng sớm khắc phục khó khăn, giải quyết dứt điểm tiền nợ người dân để bà con có vốn tái đầu tư sản xuất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.